Chiều 20-3, Tân Hoa xã cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Nga và khởi động chuyến thăm chính thức từ ngày 20 tới 22-3.
Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Tập kể từ năm 2019, và cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc tới Nga kể từ sau khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hồi tháng 2-2022.
Sự kiện này phản ánh tín hiệu tích cực trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thời gian qua.
Dấu ấn Trung Quốc trong đàm phán hòa bình Nga - Ukraine
Trung Quốc được xem là nhân tố quan trọng có thể ảnh hưởng tới cục diện xung đột Nga - Ukraine. Bắc Kinh đã thể hiện mong muốn đóng góp vào giải pháp hòa bình cho xung đột. Vì vậy, chuyến thăm lần này cũng được các nhà quan sát kỳ vọng mang tới tín hiệu mới cho hòa bình tại Ukraine.
Trong cuộc trao đổi hiếm hoi với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kubela tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Bắc Kinh lo ngại cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga sẽ dẫn tới kịch bản mất kiểm soát, đồng thời kêu gọi Kiev đàm phán tìm giải pháp chính trị với Matxcơva.
Theo ông Tần, Trung Quốc luôn theo đuổi một lập trường khách quan và công bằng về tình hình Ukraine, cam kết thúc đẩy hòa bình, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm.
Tuy nhiên, không phải ai ở phương Tây cũng tin rằng Trung Quốc sẽ khách quan. Dư luận một số nước cho rằng Trung Quốc và Nga đang quá thân thiết và điều này có thể ảnh hưởng tới sự trung lập của Trung Quốc.
Tờ Telegraph (Anh) trong bản tin về chuyến đi của ông Tập nhắc lại chi tiết từ cuộc điện đàm năm ngoái giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và tổng thống Nga. Trong lời mời ông Tập, ông Putin nói chuyến đi này có thể "chứng minh cho cả thế giới thấy sức mạnh trong quan hệ Nga - Trung".
Áp lực từ Tòa hình sự quốc tế
Một chi tiết khác hâm nóng sự kiện gặp gỡ của lãnh đạo Trung Quốc và Nga là hôm 17-3, chỉ vài giờ sau khi Nga và Trung Quốc chính thức đưa tin về chuyến thăm của ông Tập, Tòa hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt ông Putin và Ủy viên về quyền trẻ em của Liên bang Nga Maria Lvova-Belova, với cáo buộc về những "tội ác" trên lãnh thổ Ukraine ít nhất từ ngày 24-2-2022 (thời điểm Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine).
Ông Tập sẽ là lãnh đạo thế giới đầu tiên bắt tay ông Putin kể từ lệnh bắt của ICC.
Về lý thuyết, điều này không ảnh hưởng tới việc ông Tập thăm Nga, hoặc một chuyến đi nào đó của ông Putin tới các nước không bị nghĩa vụ của ICC ràng buộc.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Hãng tin AP, đây là chi tiết gây áp lực lên cuộc gặp Tập - Putin. Trong khi vị thế của ông Putin bị tác động tiêu cực, uy tín của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ "dư luận quốc tế".
39 là số lần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi ông lên nắm quyền ở Trung Quốc.
Lần gần đây nhất là vào tháng 9-2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận