Ông Yoshihide Suga - Ảnh: KYODO
Cụ thể đó là phái của Thủ tướng Abe Shinzo, phái của ông Nikai Toshihiro - tổng thư ký Đảng LDP đồng thời là chủ tịch liên minh nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam, và phái của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso.
Ông Suga là người đã ủng hộ ông Abe Shinzo lên làm thủ tướng Nhật Bản ở cả hai lần (2006-2007 và từ 2012 đến khi từ chức vì lý do sức khỏe).
Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Abe đã cử ông Suga làm bộ trưởng Bộ Nội vụ và truyền thông và trong 8 năm qua, ông Suga liên tục giữ chức chánh văn phòng nội các mặc dù Thủ tướng Abe cũng đã nhiều lần thay đổi các thành viên nội các từ tháng 12-2012 đến nay. Ông được cho là cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Abe.
Với cương vị chánh văn phòng nội các, ông Suga đã trợ giúp Thủ tướng Abe trong việc hoạch định và triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là việc gắn kết các phe cánh khác nhau trong nội bộ liên minh cầm quyền cũng như với cả các đảng phái đối lập.
Đáng chú ý là bản thân ông Suga lại không thuộc vào phái nào cả, đây cũng là điều khá đặc biệt trong chính trị Nhật Bản.
Mọi người cũng lưu ý tới việc thành phần xuất thân của ông Suga từ một gia đình nông dân ở một tỉnh có thời tiết khá khắc nghiệt phía bắc là Akita, khác với nhiều lãnh đạo trước đây của Nhật Bản thường xuất thân trong những gia đình có truyền thống làm chính trị lâu đời.
Về chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nhật dưới thời ông Suga, có lẽ bây giờ còn quá sớm để đưa ra những bình luận khi bản thân ông Suga chưa chính thức nhậm chức và chưa ra tuyên bố chính sách cũng như chưa thành lập nội các mới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc ông Yoshihide Suga được lựa chọn cho thấy Nhật Bản đã lựa chọn sự ổn định trong chính sách, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản đang đứng trước các thách thức to lớn trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 và nền kinh tế đang rơi vào suy thoái do tác động của đại dịch.
Điều đó có nghĩa là các chính sách lớn cả về đối nội và đối ngoại của thời Thủ tướng Abe Shinzo về cơ bản sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới, tất nhiên với thủ tướng mới sẽ có những quan tâm và ưu tiên mới.
Về quan hệ với Việt Nam, tôi tin rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay. Trong 8 năm làm chánh văn phòng nội các, ông Suga làm người "gác gôn" cho Thủ tướng Abe nên bản thân ông Suga rất ít đi công tác nước ngoài.
Trong những dịp tiếp một số đoàn lãnh đạo Việt Nam sang thăm Nhật Bản, ông Suga luôn bày tỏ ủng hộ sự phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị là khi ông Suga được cử làm bộ trưởng nội vụ và truyền thông trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Abe, nước ngoài đầu tiên ông đi thăm cũng là Việt Nam (1-2007) và ông cũng rất quan tâm đến hợp tác của hai nước trên lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận