Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục xin giới thiệu ý kiến này của thầy giáo Lê Tấn Thời (Trường THCS Thị Trấn Chợ Mới, An Giang).
"Khi có được niềm tin giữa thầy và trò thì việc tiếp nhận và truyền thụ kiến thức sẽ trở nên thuận lợi hơn".
Lê Tấn Thời
"Tôi đã có một bài học sư phạm thật sâu sắc thông qua cuộc trò chuyện giữa nhà văn Sơn Nam và cô Hương, cô giáo dạy môn quốc văn trong tác phẩm Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa.
Trong bài thuyết trình về nhà văn Sơn Nam, Dũng - học sinh lớp đệ ngũ (lớp 8) - đã đưa ra những chi tiết không có trong sách giáo khoa về tiểu sử nhà văn. Nào là nhà văn Sơn Nam đã từng đi tù, thiếu nợ tiền cà phê và thuốc lá, xấu trai, ăn mặc luộm thuộm…
Bạn bè rất ngạc nhiên và cho rằng Dũng suy diễn. Cả cô giáo cũng thế bởi vì cô cho rằng "dễ gì mà gặp được một nhà văn như Sơn Nam!‘’.
Cô nhận xét rằng bài thuyết trình đã vô tình xúc phạm đến nhà văn và thế là Dũng không đạt điểm cao cho phần trình bày của mình. Nghe một người bạn kể lại, nhà văn Sơn Nam đã đến gặp cô giáo để "minh oan‘’ cho Dũng.
Qua cuộc chuyện trò cô giáo biết được rằng những chi tiết mà học trò mình đề cập đến là hoàn toàn chính xác vì Dũng hầu như gặp nhà văn mỗi ngày khi phụ ba mình sắp chữ ở nhà in!
Nội dung cuộc nói chuyện xoay quanh bài thuyết trình của một em học sinh nhưng mang lại thông điệp thật ý nghĩa đó là bài học về niềm tin trong môi trường sư phạm.
Thứ nhất, người giáo viên phài biết tạo dựng niềm tin cho học trò mình bằng vốn kiến thức và năng lực sư phạm. Khi truyền thụ kiến thức thì phải chính xác và khoa học vì nếu sai thì học sinh sẽ hiểu vấn đề sai lệch suốt cuộc đời.
Thứ hai, thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau học sinh có thể biết được nhiều điều hơn so với những kiến thức trong sách giáo khoa. Nếu thầy cô phủ nhận đi thì vô tình làm mất đi sự suy nghĩ độc lập của các em.
Thứ ba, nếu giáo viên biết mình có những nhận xét chưa chính xác về học trò mình thì bằng cách nào đó, trực tiếp hay gián tiếp nhận lỗi sai của mình. Ở tình huống trên cô giáo Hương đã thẳng thắn nhận lỗi trước các em học sinh của mình. Với cách xử sự như thế cô giáo càng được học trò nể trọng và tạo được sự tin tưởng hơn từ các em.
Trong cuộc sống hiện nay, với sự bùng nổ của phương tiện truyền thông học sinh dễ dàng cập nhật kiến thức so với những gì mình đã học ở trường. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải trao đồi thường xuyên để có được sự tự tin khi đứng lớp cũng như có được niềm tin trong mắt học trò.
Ở góc độ khác, nếu các em có những ý kiến, nhận định khác với sách giáo khoa thì nên cân nhắc trước khi đua ra lời nhận xét. Nếu cần có thể yêu cầu các em đưa ra những minh chứng để làm sáng tỏ những gì mình nói.
Quan trọng hơn nữa là phải giúp các em nhận biết được đâu là những thông tin xác thực từ những dữ liệu mà các em thu thập được. Khi có được niềm tin giữa thầy và trò thì việc tiếp nhận và truyền thụ kiến thức sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Ở góc độ xã hội, học sinh sẽ vận dụng sự hiểu biết của mình để ứng dụng cũng như phát triển những điều mới mẻ trong cuộc sống".
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về thực trạng giáo dục đúc khuôn như hiện nay? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? Hãy chia sẻ với chuyên mục Bạn đọc làm báo qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận