Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp các nhà báo Tuổi Trẻ để hỏi về em học trò mồ côi Thùy Hương và loạt bài “Cơm tù” - Ảnh: ĐỖ ĐÌNH TẤN
Đó là một ngày gần hè năm 2003, tôi đang đi công tác miền Tây thì chị Kim Dung, chánh văn phòng báo Tuổi Trẻ, gọi về. "Việt thu xếp về gấp, sáng mai qua gặp chú Sáu". "Chú Sáu nào vậy chị?". "Chú Sáu Dân".
Tôi giật mình, nghe ông Sáu Dân là biết ngay nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng không hiểu ông gọi sang có chuyện gì. Đời làm báo, những cú điện bất ngờ này luôn hồi hộp, thậm chí căng thẳng.
Buổi gặp ấm tình người
Đầu giờ sáng hôm sau, tôi đến gặp ông Sáu Dân ở đường Tú Xương đúng như cuộc hẹn. Cùng đi với tôi có thêm đồng nghiệp là nhà báo Đỗ Đình Tấn, Danh Đức. Anh thư ký vui vẻ mở cửa, mời vào trong. Ông Sáu Dân đã ngồi đợi sẵn ở bàn với cuốn sổ tay bìa đỏ để trên tờ báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (giờ là Tuổi Trẻ Cuối Tuần).
Tôi để ý tờ báo cũng được lật sẵn đúng trang có bài mình viết "Mẹ, con và ngọn nến không tắt". Câu chuyện cảm động về một nữ sinh nghèo khổ, bất ngờ côi cút, có thể phải bỏ học giữa thành phố.
Thật sự đến lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu có chuyện gì mà nguyên Thủ tướng lại gọi đích danh. Bài viết về một cảnh đời cần được đồng cảm, sẻ chia, đâu có gì "bôi đen" xã hội.
Mỉm cười nhẹ nhàng, ông Sáu Dân tận tay rót từng tách trà mời mọi người và hỏi tác giả bài báo. Rồi ông tâm sự mình rất xúc động với bài viết.
Đó là câu chuyện về nữ sinh học giỏi lớp 10 Trần Thùy Hương, Trường Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Em ở với mẹ bị bệnh tim nặng trong căn chòi rách nát trên kênh nước đen, hẻm đường Bùi Đình Túy. Cuộc sống rất nghèo khó. Người mẹ không có tiền chữa bệnh tim nguy hiểm mà vẫn phải cố gắng nhận đồ may vá để nuôi con đi học.
Rồi một hôm, Thùy Hương đi học về, thấy mẹ đã nằm gục trên sàn nhà. Bà lên cơn đau tim, không kịp đợi con gái trở về. Cô nữ sinh 16 tuổi chỉ biết ôm thi thể mẹ mà khóc. Hàng xóm phải chung tay lo liệu hậu sự cho người mẹ bất hạnh. Quan tài cũng phải quàn nhờ ở chùa, vì túp lều của mẹ con không đủ chỗ và mái thì rách nát có thể trút nước mưa xuống quan tài.
Tôi biết hoàn cảnh thương tâm này là nhờ một bạn học của Thùy Hương đến báo Tuổi Trẻ để gửi thư xin giúp đỡ. Bạn thương Thùy Hương phải nghỉ học giữa chừng...
Bài báo đăng lên đã tới tay ông Sáu Dân. Ông xúc động đọc rất kỹ, rồi gọi qua báo Tuổi Trẻ, đề nghị gặp tác giả để hỏi thăm thêm về tình cảnh cô học trò mồ côi đáng thương. Ông muốn giúp đỡ cô được tiếp tục học hành mà không phải bơ vơ, khốn khó.
"Tôi đã đọc bài báo này ngay buổi sáng phát hành. Tình cảnh cô bé rất tội nghiệp. Cảm ơn Tuổi Trẻ đã viết. Chúng ta phải san sẻ để cháu được tiếp tục đến trường, được tiếp tục học giỏi. Cuộc đời cháu càng khó khăn càng vươn lên và có trách nhiệm của xã hội giúp đỡ cháu", ông Sáu Dân chia sẻ với chúng tôi những lời giản dị mà thật ấm áp tình người.
Suốt hơn hai giờ buổi sáng hôm ấy, ông đã trải lòng rất nhiều. Tôi vẫn nhớ mãi một ý ông nói là chúng ta đi làm cách mạng như lời Bác Hồ kêu gọi là để ai cũng có cơm ăn áo mặc, dân giàu nước mạnh. Đất nước thống nhất bao năm rồi mà vẫn còn những cảnh đời nghèo khó như vậy là chúng ta thấy mình còn mắc nợ, món nợ với dân vẫn còn lớn lắm. Món nợ phải trả cho dân, nếu không chúng ta có lỗi lớn với dân.
Những người đã hiến dâng tất cả, từ nhà cửa, ruộng vườn đến cả sinh mạng mình, sinh mạng chồng con mình cho cách mạng. Nếu không có sự hy sinh vô cùng lớn lao và thiêng liêng đó, làm sao cách mạng có thể thành công và đi đến được ngày hôm nay...
Ngoài hỏi han, sẻ chia rất nhiều với tình cảnh nữ sinh bất hạnh, hôm đó ông Sáu Dân còn nói về "Cơm tù", loạt bài của Tuổi Trẻ gây xôn xao dư luận thời điểm ấy về những quán cơm trên quốc lộ quây rào như nhốt hành khách để bán đồ ăn với giá "cắt cổ".
Ông nói: "Thời buổi nào rồi mà vẫn còn những chuyện vô pháp như thế này. Tuổi Trẻ có điều tra rất ý nghĩa và cần tiếp tục làm mạnh thêm để các địa phương chấn chỉnh tình trạng tệ hại này...".
Làm báo, chúng tôi đã đọc cũng như chính chúng tôi đã viết rất nhiều về Thủ tướng Võ Văn Kiệt với những quyết sách trọng đại, từ những chuyện lớn trong nước như làm đường dây điện 500kV, thủy điện Trị An, đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười... đến chuyện đối ngoại mang tính bước ngoặt lịch sử như bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Nhưng sáng hôm ấy, chúng tôi đã nghe ông trải lòng những câu chuyện thật gần gũi, thật ấm áp tình người.
Trong tầm nhìn thời đại, trong trĩu nặng suy tư những vấn đề phát triển quốc gia, dân tộc, ông Sáu Dân vẫn vô cùng tinh tế: "Dân mình đi làm xa nhà cả năm, tết nhất chỉ có chút tiền về quê bằng xe đò mà vẫn có những kẻ ngang tàng giữa ban ngày ban mặt ăn chặn, ăn cướp của người nghèo. Chính quyền địa phương ở đâu, pháp luật ở đâu? Báo chí cần phải tiếp tục lên án mạnh mẽ những chuyện này để xử lý nghiêm khắc".
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi khảo sát nơi xây dựng Khu công nghiệp - lọc dầu Dung Quất - Ảnh tư liệu
Quan tâm đến thế hệ tương lai đất nước
Khi thực hiện loạt bài kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều người, từ những cán bộ làm việc đương thời với ông đến những doanh nhân, trí thức và cả những người dân bình thường được gặp gỡ hoặc được nghe chuyện về ông.
Và trong đó, ngoài những chuyện chính trị, chính sách lớn lao, chúng tôi đã nghe vô vàn những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm thấm đẫm nghĩa tình đồng bào.
Về An Giang, ông Sáu Dân đã xót xa nói dân mình nhiều người còn nghèo quá, nhà cửa xập xệ trống huơ trống hoác.
Ra miền Trung, đi thực địa để mở hệ thống cảng biển, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông ngậm ngùi nhiều thanh niên miền Trung nghèo khó phải tha hương cầu thực.
Ông nhấn mạnh với các cán bộ cùng đi trong đoàn rằng những dự án đầu tư ở miền Trung chính là để phát triển vùng đất trước biển này, để người dân được an tâm sinh sống, làm giàu tại địa phương.
Nhiều năm nhắc nhớ người lãnh đạo và cũng như là người anh của mình, nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết tâm sự: "Tôi có rất nhiều câu chuyện khó quên về anh Sáu Dân. Trọng trách thủ tướng có rất nhiều việc phải giải quyết, nhưng anh vẫn nhìn rất xa, đặc biệt quan tâm đến tương lai mai sau của đất nước".
Trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng "nổi giận" về tình trạng phá rừng mà ý ông nói là làm tổn thương đến môi trường sống của thế hệ tương lai, của cháu con mình.
Hồi còn làm Bí thư TP.HCM những năm hậu chiến, ông qua thăm Cần Giờ cũng rất buồn với tình trạng quá khó khăn của người dân khi thiếu thốn tất cả đường, điện, trường, trạm, nước ngọt.
Bao năm qua rồi, câu chuyện vẫn được kể lại rằng một lần ông Sáu Dân về thăm Cần Giờ, nhiều đứa trẻ địa phương đã tò mò chạy theo xem và trong đó có cả những trẻ còn thiếu quần áo mặc, lấm lem bùn đất.
Ông nghiêm nét mặt, có vẻ "rất giận" nhưng không phải giận vì thiếu tôn trọng mà là sự thiếu quan tâm, sâu sát của chính quyền địa phương với đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em.
Sau này, về lại Cần Giờ, ông đã vui hơn khi thấy sự đổi mới, khang trang và con em rừng Sác khó khăn ngày nào nay đã có trường, có đường để đi học.
Câu chuyện đúng như ông đã từng nói với người viết bài này: "Chúng ta đi làm cách mạng mà để dân mình nghèo khổ thì chúng ta làm để làm gì".
Ngay sáng hôm đó, ông Sáu Dân đã gửi tặng cô học trò Thùy Hương một chiếc xe đạp mới và số tiền hỗ trợ sửa chữa căn nhà và quan trọng nhất là để Thùy Hương có thể tiếp tục được đi học. Ông còn dặn dò tôi rất kỹ rằng phải quan tâm tới em nữ sinh này, nếu có chuyện gì cứ gọi thẳng cho ông.
Sau đó, căn nhà của em được một số đơn vị giúp sửa chữa khang trang, treo tấm bảng nhà tình thương, em được tài trợ đủ tiền ăn học đến hết đại học.
Hôm em đậu Đại học Ngân hàng với điểm số ở tốp đầu, tôi đã định báo ông nhưng lại ngần ngừ vì ông trở bệnh cũng như đang nặng lòng với bao chuyện quốc kế dân sinh. Chính sự ngần ngừ này làm tôi đến giờ vẫn thỉnh thoảng suy nghĩ, tiếc nuối ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận