Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lê Văn Triết gặp Tổng giám đốc Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) Mike Moore, trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam - Ảnh tư liệu Lê Văn Triết
"Hồi cùng làm Chính phủ ở Hà Nội, thỉnh thoảng cuối tuần anh Sáu Dân gọi tôi sang ăn cơm có món do chính anh nấu. Chúng tôi đã tâm sự rất nhiều, từ chuyện gia đình, chính sách đến tiếng lòng của dân", nhiều năm đã trôi qua, ông Tư Triết - nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết - vẫn ắp đầy kỷ niệm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
Những làn gió thời đại mới
"Ngày 3-2-1994, vị Tổng thống thứ 42 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Đến ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Rạng sáng ngày 12-7-1995 giờ Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Đây là bước ngoặt lịch sử trong công cuộc đổi mới của chúng ta. Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở châu Âu từng giúp đỡ Việt Nam không còn nữa. Nếu chúng ta không bình thường hóa quan hệ được với Mỹ, không mở ra được thị trường lớn nhất thế giới này thì làm sao đổi mới thành công được", kể bước ngoặt đổi mới của đất nước, ông Tư Triết hay tâm sự điều này với tư cách là người trong cuộc, còn Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở vai trò đặc biệt.
Ông Tư Triết kể trước đó trong chuyến công du Pháp, ông và Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm nhà TS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Những người từng ở hai phía đã cởi mở về những trăn trở dựng xây đất nước phát triển thời hậu chiến.
Ông Hảo khuyên Việt Nam nên nỗ lực đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và nhanh chóng mở rộng quan hệ quốc tế, đừng thu hẹp cục bộ như trước. Khẩu hiệu Việt Nam làm bạn với thế giới phải đi vào thực chất, không nên chỉ dừng lại ở khẩu hiệu ngoại giao.
"Ngoài gặp TS Hảo, anh Sáu Dân và tôi còn gặp anh Trần Văn Thình, một trí thức uy tín người Pháp gốc Việt, nguyên trưởng Phái đoàn thường trực của Liên minh châu Âu tại Geneva. Anh Thình cũng đồng quan điểm với TS Hảo, khuyên Việt Nam nên chấp nhận một số điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Về sau có dịp gặp lại ở Hà Nội, anh Thình vẫn nhắc lời khuyên này, muốn Việt Nam đáp ứng những yêu cầu để bình thường hóa quan hệ với Mỹ và nâng cao vị thế kinh tế tư nhân vốn mới chỉ hé mở ở thời điểm ấy.
Anh Thình nói nếu Mỹ không bỏ cấm vận thì chúng ta sẽ không làm được gì...", ông Tư Triết nhớ lại lúc tiếp xúc những nhân vật này, ông Sáu Dân rất thân tình, cởi mở. Nhưng sau đó, ông đăm chiêu, suy tư nhiều. Ai gần gũi hoặc từng làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều hiểu điều này. Ông rất lắng nghe trí thức, luôn tạo điều kiện cho họ mở lòng. Và ông hiểu kỳ vọng của họ ở thời điểm đất nước cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hay thụt lùi trước bước tiến vũ bão của thời đại...
Thực tế những năm đầu thập niên 1990 thế kỷ 20, nhiều luồng gió mới, đa chiều đã thổi mạnh vào Việt Nam. Ngày 6-10-1993, Phó thủ tướng Phan Văn Khải đã bay sang Mỹ, gặp gỡ Ngoại trưởng Warren Christopher. Phía Hoa Kỳ tuyên bố giữa Mỹ và Việt Nam không còn tình trạng chiến tranh, Mỹ không còn coi Việt Nam là kẻ thù.
Những trang sử mới được lật ra. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lần lượt vào thị trường mà năm nào là chiến trường. Bank of America, hãng thuốc lá Philip Morris, Công ty Vatico, Hãng máy tính IBM, Công ty thiết bị Caterpiller... lần lượt tìm cơ hội và khai trương văn phòng ở Việt Nam.
Nhiều năm đã trôi qua, nhắc nhớ giai đoạn lịch sử này, ông Tư Triết vẫn xúc động: "Cũng có một số ít ý kiến này nọ, nhưng không khí chung của giai đoạn đó là vui mừng trước vận hội mới của đất nước. Anh Sáu Dân quan tâm, chỉ đạo rất sát sao. Họp chính phủ có những buổi kéo dài đến tận tối. Cuối tuần, anh mời tôi sang ăn cơm, tâm sự chuyện này kia rồi cũng lại tập trung vào vấn đề bang giao và mở ra thị trường Mỹ".
Từng làm bí thư TP.HCM những năm khó khăn hậu chiến, từng lắng nghe nỗi niềm những trí thức, những nhà sản xuất, kinh doanh và đồng bào lao động, ông Sáu Dân thấu hiểu sâu sắc khát khao được "cởi trói", được giải phóng năng lực và được giao thương quốc tế như Sài Gòn đã từng làm.
Ông đã từng nghe một doanh nhân nói thẳng trong cuộc họp: "Con tôm Việt hàng đổi hàng với Liên Xô, với các nước Đông Âu hay loanh quanh khu vực chẳng lời lãi gì, nhưng nếu vào được siêu thị Mỹ thì đó là tiền đô. Con tôm bán đi, đô la thu về. Đất nước đổi mới, ngổn ngang việc cần làm, nếu thiếu ngoại tệ mạnh này thì chúng ta chẳng làm được gì".
Ông Sáu Dân được thương quý, kính trọng không chỉ từ những người cùng chiến tuyến kháng chiến với ông, mà còn cả những người từng ở phía bên kia. Đó là những doanh nhân, trí thức, kể cả một số chính khách chế độ cũ.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết
Gia đình nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lê Văn Triết gặp nhau tại nhà - Ảnh: Ông LÊ VĂN TRIẾT cung cấp
Thời cơ phát triển đất nước
Nhắc nhớ những kỷ niệm khó quên của giai đoạn bước ngoặt đất nước, cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết có rất nhiều kỷ niệm khó quên với ông Sáu Dân, vị lãnh đạo của đất nước giai đoạn đang chèo chống tìm đường vươn ra biển lớn.
Ông nhớ mãi năm 1994, đang đi Hội nghị phát triển thương mại của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, Mỹ, thì nhận cuộc gọi từ Văn phòng Chính phủ yêu cầu ông về phải gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay.
Chuyến đi của ông Triết được đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros - Ghali mời. Rồi cũng chính vị này đã tổ chức cho đoàn Việt Nam cuộc gặp gỡ, làm việc với đoàn Mỹ do Bộ trưởng Bộ Thương mại Ron Brown dẫn đầu.
Trong cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Brown vui vẻ nói: "Tôi hân hạnh thông báo ngài Bộ trưởng Việt Nam biết dự kiến Tổng thống Bill Clinton sắp tuyên bố xóa bỏ cấm vận với Việt Nam. Ý ngài và chính phủ ngài thế nào?".
Ông Triết đáp lời đó cũng là mong mỏi của nhân dân, chính phủ hai nước. Điều không may lớn nhất giữa hai nước là để nổ ra cuộc chiến tranh, giờ đây phải khép lại quá khứ, đi đến tương lai hòa bình và hợp tác cùng nhau phát triển...
Sau khi nhận cuộc gọi từ trong nước, ông Tư Triết đáp xuống sân bay Nội Bài, đã về thẳng Văn phòng Chính phủ và thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ngồi đợi sẵn từ trước.
Mời ông Tư Triết uống ly nước, ông Sáu Dân đề nghị báo cáo kỹ kết quả chuyến đi. Lắng nghe chăm chú từng lời, ông Sáu Dân giao ngay các việc chuẩn bị quan trọng về ngoại giao cho ông Nguyễn Mạnh Cầm và thương mại với Mỹ cho ông Triết.
"Đây là thời cơ phát triển đất nước. Chúng ta phải nắm lấy và phải thành công", ông Sáu Dân vui vẻ nói khi buổi họp đã sang tối mịt. Vận hội mới đang mở ra cho đất nước...
Tiễn người đi và mong người về
Kể kỷ niệm về ông Sáu Dân, ông Tư Triết có một câu chuyện không quên là có lần ông và ông Sáu Dân đích thân tiễn một nhóm người đi nước ngoài sau năm 1975 bằng đường biển từ TP.HCM.
Ở bến tàu Bạch Đằng, ông Sáu Dân vẫn nói rằng ra tiễn nhưng thiết tha muốn ở lại để cùng dựng xây đất nước. Một người đã đại diện trả lời rằng rất cảm ơn ông đã tạo điều kiện cho được tâm tình "cạn lời" từ đêm trước và rất kính trọng ông, nhưng vẫn xin phép được đi...
Ông Tư Triết nhớ nói tới đây, nhiều người đã khóc. Còn ông Sáu Dân đáp lời: "Chúng tôi vì tình nghĩa đồng bào dân tộc cố giữ anh chị em ở lại nhưng anh chị em mặc cảm quá nên không ở lại được. Vậy thôi, lời cũng đã nói nhiều rồi, anh chị em ra đi thì cứ đi.
Chúng tôi chỉ nói lời chót rằng vẫn muốn giữ anh chị em ở lại để xây dựng hòa hợp dân tộc. Hôm nay, chúng tôi tiễn anh chị em ở bến tàu này thì cũng hy vọng đón anh chị em trở về quê hương mình tại đây...".
---------------------------
Giữ trọng trách về nhiều vấn đề lớn của đất nước, nhưng ông Sáu Dân vẫn rất tinh tế, chú ý những "chuyện nhỏ". Một hôm, ông gọi chúng tôi sang để tặng chiếc xe đạp và hỗ trợ ăn học cho một nữ sinh mồ côi.
Kỳ tới: Tấm lòng của ông Sáu Dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận