Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam năm 1994 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Không chủ quản - trụ sở, không chức vụ - quyền hạn, không lương - thưởng nhưng nhóm Thứ Sáu lại có những nghiên cứu, đề án mang tính tiên phong đã giúp định hình chính sách, tạo bước ngoặt quyết định để đưa kinh tế Việt Nam bước qua bóng tối của thời kỳ "đêm trước đổi mới".
Trân người nghe sự thật
Nghiên cứu đột phá về giá - lương - tiền dẫn đến kết quả trả cơ chế giá về cho quy luật cung cầu, bãi bỏ tình trạng cấm chợ ngăn sông. Chính sách hỗ trợ sản xuất, đề xuất cải cách hệ thống ngân hàng đã được hiện thực hóa bằng các pháp lệnh ngân hàng. Các nghiên cứu phát triển ngoại thương, đề tài kinh tế vàng góp mặt vào các chính sách, các dự án lớn…
Một đặc điểm nữa: hầu hết thành viên của nhóm là những trí thức, chuyên viên kinh tế cao cấp thời Việt Nam cộng hòa. Vậy thì họ đã đạt được những thành quả đó bằng cách nào?
"Đó là nhờ hai ông họ Võ, đã dang tay làm hai cái "vỏ" chắn trên - chắn dưới cho chúng tôi: ông Võ Trần Chí làm vỏ đỡ phía dưới, ông Võ Văn Kiệt làm vỏ che phía trên, có vậy nhóm trí thức chỉ biết tư duy và chỉ có nhiệt huyết như chúng tôi mới tồn tại và mới làm được việc", ông Phan Chánh Dưỡng nhắc lại không biết đã là lần thứ mấy trong đời.
Những năm bao cấp khó khăn, giữa bề bộn công việc của một Bí thư Thành ủy hay sau này là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt vẫn thường sắp xếp đến với những buổi họp chiều thứ sáu của nhóm Thứ Sáu.
Sự có mặt của ông như một sự công nhận nhóm trí thức yêu nước, như một chỗ dựa và hơn nữa như lời cam kết của chính quyền, và là nguồn động viên rất lớn cho mọi người. Nhiệt huyết của nhóm được hun đúc bằng niềm tin mình được làm việc, được đóng góp những điều ích nước, lợi nhà.
Những đề xuất của nhóm cũng vì thế mà đúng trọng tâm hơn, mạnh mẽ hơn. Là người lớn tuổi nhất, mạnh miệng nhất, ông Lâm Võ Hoàng sau này cứ áy náy mãi vì nhiều lần ông đã phát biểu trong sự bức xúc không kiềm chế trước những bất hợp lý, trái quy luật của tình hình thực tế dù cho Thủ tướng đang ngồi ở đó. Ông Sáu Dân thì cười xòa mà rất nghiêm túc nói về cảm giác của mình những lúc ấy: "Thì cứ phải trân người ra mà nghe chớ biết làm sao, vì các cậu ấy nói đúng mà".
Với ông Phan Chánh Dưỡng, hỏi tới ông Sáu Dân, lúc nào cũng chỉ một lời: "kỷ niệm nói sao cho hết được". Ba mươi năm, hai ông gắn bó qua những hoạt động của nhóm Thứ Sáu, Tổ tư vấn Thủ tướng, những dự án xây dựng TP.HCM, và gắn bó như những người bạn vong niên với bao câu chuyện đời.
Ông Dưỡng vẫn nhớ lần đối thoại trực tiếp đầu tiên khi ông Sáu Dân tổ chức buổi trao đổi với các trí thức cũ trong làn sóng đổi mới, sửa sai cuộn trào sau Đại hội VI. "Có người nói trước đây kế hoạch áp một cách duy ý chí từ trên xuống dưới, nay phải xây dựng kế hoạch từ dưới lên trên, ông Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tỏ ý tán thành, tôi lại lập tức hỏi: Tại sao?
Ông nói: Thế cậu thì nghĩ thế nào? Tôi đứng lên nói: Tôi nghĩ kế hoạch vẫn nên xây dựng từ trên xuống để có sự bao quát, đồng bộ, nhưng phải xây dựng trên cơ sở số liệu trung thực, báo cáo thực tế từ dưới lên. Ông Sáu bật cười hài lòng rồi cho phép tôi trình bày tiếp hơn nửa giờ đồng hồ nữa…".
Những lần gặp tiếp theo, ông Dưỡng luôn được ông Sáu Dân "nhớ mặt, chỉ tên", và lời mời phát biểu thường kèm theo lời dặn: "Tôi vào họp không đội "mũ - nón" gì cả, các anh cứ nói thoải mái, chướng tai tôi vẫn sẵn sàng nghe".
Được lời như cởi tấm lòng, Phan Chánh Dưỡng - Huỳnh Bửu Sơn - Trần Bá Tước - Lâm Võ Hoàng, những thành viên được mời vào Tổ tư vấn Thủ tướng đã phát huy hết mức những hiểu biết trong tính cương trực của mình. Không ít người tỏ ý lo ngại, khuyên ông Dưỡng nên bớt lại sự thẳng thắn, bộc trực vì "phải nhớ mình là ai và đang nói chuyện với người nào".
Là một thầy giáo chuyển sang làm kinh tế với nhiệt huyết cháy bỏng muốn cống hiến vì công việc chung, ông Dưỡng cùng bạn bè ông đều không ngại mà nhủ lòng: những báo cáo làm hài lòng cấp trên ắt đã nhiều người nói, lãnh đạo gặp mình là muốn nghe lời nói thẳng mà thôi. Các ông đã tận dụng mọi cơ hội để thổ lộ những bức xúc đau đáu và khát khao của mình với nền kinh tế, sự phát triển của thành phố, của đất nước, và may thay đã gặp được người lãnh đạo đồng điệu.
"Từ đó mà những dự án chúng tôi xây dựng - từ dưới lên - như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đô thị Phú Mỹ Hưng… đã được Thủ tướng phê duyệt, được sự ủng hộ tuyệt đối của chính quyền thành phố.
Những người trí thức cũ như Huỳnh Bửu Sơn, như tôi và các anh em nhóm Thứ Sáu, từng là những người nhỏ bé - yếu thế trong xã hội, lại có cơ hội được làm những việc lớn ấy, thật biết ơn vô cùng", niềm xúc động này cứ rưng rưng trong lòng ông Dưỡng suốt đời.
Từ Mỹ về Việt Nam, tôi đã may mắn gặp được nhà chính trị "một màu" chân thực là Võ Văn Kiệt. Với tôi, ông là màu xanh.
Ông Lê Trọng Nhi
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng nhóm Thứ Sáu kỷ niệm 15 năm họp nhóm năm 2002 - Ảnh tư liệu
Nghe thẳng thắn - Nói chân thành
"Với tôi, ông Sáu Dân là màu xanh", ông Lê Trọng Nhi kể lại ấn tượng đầu tiên và mãi mãi. Cuối năm 1991, sau nhiều năm du học và trở thành một công dân Mỹ, Lê Trọng Nhi trở lại Việt Nam trong vai trò đại diện một quỹ đầu tư đa quốc gia đến tìm cơ hội trong Việt Nam mở cửa. Nghe tiếng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, anh tìm người giới thiệu xin gặp và được ông hẹn tiếp ngay với thái độ rất cởi mở.
Lần gặp sau, anh đưa sếp của mình - giám đốc người Anh - đến gặp Thủ tướng. Lạ thay, chẳng hề đưa ra những cam kết ưu đãi, cũng chẳng giới thiệu những điều kiện thuận lợi, Thủ tướng lại đưa ra một lời khuyên rất thẳng:
"Các ông cần cẩn trọng nhé. Đất nước chúng tôi đang rất cần được đầu tư, nhưng ở đây mọi thứ mới bắt đầu, cái gì cũng thiếu và hầu như chưa có, kể cả chính sách, luật pháp trong kinh tế, kinh doanh, đầu tư nước ngoài đang vừa xây dựng vừa hoàn thiện. Đến đây, các ông giống như đi vào rừng săn thú. Có thể có thú lớn, nhưng cũng có thể khi chưa kịp săn được thú thì thợ săn đã chết vì đạn lạc của người khác".
Tới hôm nay ông Nhi vẫn còn nhớ mãi ấn tượng mạnh mẽ mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ghi khắc bằng lời nói chân thật và thành tâm ấy. "Tôi lúc ấy còn trẻ, không khỏi có nhiều e ngại, nhưng sếp tôi thì càng hào hứng. Anh ta bảo: ông Thủ tướng không nói lời hoa mỹ có cánh, vậy nên chúng ta có thể tin tưởng mà đầu tư. Rủi ro có thể lớn, nhưng chẳng phải chúng ta được đào tạo làm nghề là để đối mặt thử thách và vượt qua rủi ro hay sao?!", Lê Trọng Nhi cười. Quyết định đầu tư đã thành hiện thực như thế.
Từ đó, Lê Trọng Nhi đã kết nối cho nhiều quỹ đầu tư đến Việt Nam, trở thành một tư vấn cấp cao trong ngành ngân hàng Việt Nam, và trở thành một thành viên trẻ tích cực của nhóm Thứ Sáu. "Nhiệt huyết, tầm nhìn và quyết tâm vì đất nước của ông Sáu Dân, tinh thần cống hiến vô vị lợi đến tuyệt đối của anh em nhóm Thứ Sáu đã giữ tôi lại Việt Nam", ông Nhi nhấn mạnh.
Khi không còn làm Thủ tướng, ông Sáu Dân còn có nhiều thời gian hơn để dành trò chuyện họp bàn, đi thực tế cùng cả nhóm. Nhiều ủng hộ và cũng không ít lần ông bảo: "Ý kiến này của các cậu rất hay, rất mới mẻ, hiện đại, nhưng với hoàn cảnh nước ta bây giờ thì chưa phù hợp, khả thi đâu…". Mấy mươi năm, trong mắt ông Nhi, ông Sáu Dân vẫn là một người nhiệt thành, "màu xanh" như ban đầu.
__________________________________________________
Những người trí thức nhiệt tâm phục vụ đất nước đã gặp được người lãnh đạo có quan điểm "Chức quyền chỉ là công cụ phục vụ nhân dân".
Kỳ tới: "Chức quyền là phương tiện vì dân, vì nước"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận