Ông Nguyễn Minh Nhị và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát vùng tứ giác Long Xuyên - Ảnh tư liệu N.M.N.
"Lần đầu tôi gặp chú Sáu Dân lại là lần tôi nghĩ ổng sẽ giận mình. Vậy mà chú hổng hề giận, sau xuống An Giang vẫn nhớ, vẫn quý và vui vẻ kêu tôi cùng lội đồng, thăm dân", nhiều năm đã trôi qua ông Bảy Nhị, tức nguyên chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Chỉ thị 200 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ban đầu cũng làm nhiều người bất ngờ, vì dẹp "cầu tõm" vốn đầy ở miền Tây. Nhưng rồi mọi người đã thấy sự đúng đắn của Thủ tướng khi nông thôn sạch, đẹp, văn minh hẳn lên.
Ông NGUYỄN MINH NHỊ
Sợ giận mà lại thương
Ôn chuyện cũ, ông Bảy Nhị vẫn cười rổn rảng: "Hồi đó tui đang làm giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang, lòng dạ vẫn nặng nề những chính sách đất đai làm mất lòng dân, rồi cải tạo công thương nghiệp, ngăn sông cấm chợ...
Năm 1988, được tỉnh cử đi dự Hội nghị ở dinh Thống Nhất do Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chủ trì, tui đã định có dịp sẽ "nói thẳng, nói mạnh". Mà tính tui xưa giờ là như vậy, từ hồi vô rừng kháng chiến đến đi làm cán bộ sau năm 1975, đều ghét nói uốn lưỡi.
Đến lúc nghe chú Sáu Dân nói "cán bộ miền Tây nhiều người nhậu quá trời, quá lãng phí" thì tui nóng tai. Lúc được phát biểu, tui nói cán bộ dưới này có nhậu thì cũng chỉ uống rượu đế, không thể làm lãng phí, thiệt hại, tụt hậu bằng những chính sách sai lầm...".
Ông Bảy Nhị nhớ lúc đấy thấy ông Sáu Dân nghiêm nét mặt vốn bình thường hay cười thân thiện. Cứ nghĩ ông sẽ giận mình, nhưng nhanh chóng sau đó Bảy Nhị biết mình đã nghĩ sai. Tính ông Sáu Dân gần gũi, quý người dám nói thẳng nói thật, không "tròn trịa" để vừa lòng cấp trên.
Thủ tướng về làm việc ở An Giang đều gặp gỡ nói chuyện thân mật mà rất thẳng thắn với ông Bảy Nhị, dù là hồi ông còn làm giám đốc Sở Nông nghiệp hay sau này là phó chủ tịch, rồi chủ tịch tỉnh.
Ông Sáu Dân mến ông Bảy Nhị ở sự sát dân, nằm lòng nỗi niềm nông dân. Còn ông cán bộ tỉnh càng thêm quý ông Sáu Dân khi đã tìm hiểu kỹ về ông, nhất là sau chuyện ở dinh Thống Nhất.
"Chú Sáu Dân nói được, làm được và dám làm những việc khó như "xé rào" đem gạo về cho dân thành phố ăn, rồi làm thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500kV, chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên...
Nhưng tui ấn tượng nhất với chú là sự chân thành chiêu hiền đãi sĩ sau năm 1975. Chính nhờ lòng chân thành, tin dùng của chú mà nhiều trí thức chế độ cũ đã ở lại, tận tâm cống hiến cho đất nước giai đoạn mới", ông Bảy Nhị tâm sự.
Về sau, ông Bảy Nhị lại có thêm kỷ niệm khó quên. Hôm đó đúng ngày 2-9, Thủ tướng đi thị sát tình hình lũ lụt miền Tây bằng máy bay trực thăng để nhận định toàn cảnh. Khi xuống máy bay, vào họp với tỉnh An Giang, ông nói ngay câu đầu tiên: "Bà con dân mình còn nghèo quá! Trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy toàn nhà cửa trống huơ trống hoác".
Nghe lời từ đáy lòng Thủ tướng, ông Bảy Nhị và nhiều cán bộ trong buổi họp thật sự xúc động. Mọi người hiểu câu nói này cũng chính là mệnh lệnh cán bộ phải đảm đương trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, nếu không thì làm cán bộ làm gì?
Ông Bảy Nhị cũng rất tâm đắc câu nói của Thủ tướng: "Bác Hồ là lãnh tụ, nay không còn. Anh em mình không ai là lãnh tụ cả, chỉ có cùng nhau gồng gánh sự nghiệp này thôi". Ngay đêm đó, ông Bảy Nhị về nhà đã làm bài thơ về ông Sáu Dân, trong đó có câu "Trên cao nhìn thấu những lều tranh"...
Đầu tháng 11-2022, An Giang được mùa nước nổi lớn sau nhiều năm kiệt. Nhắc nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu chủ tịch tỉnh lúa trải lòng ông Sáu Dân tuy có trọng trách cao ở Hà Nội mà vẫn gần dân, luôn gắn với dân, nhất là ở những vùng còn nghèo khó.
Trước chuyến đi thực địa vùng tứ giác Long Xuyên, ông Sáu Dân hỏi bí thư An Giang vùng này còn đất hoang không và được nghe câu trả lời không còn. Ai ngờ người lái ca nô dẫn đoàn đi chạy lạc đường, mất thêm thời gian. Mọi người sượng ngắt. Ông Sáu Dân nói: "Nhờ lạc mới biết đất còn hoang nhiều quá".
Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm công trình thủy lợi Dầu Tiếng đầu năm mới 1985 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Bận đại sự nhưng vẫn rất Dân, rất "đời"
Một lần, ông Bảy Nhị kể chuyện con gái mình trước khi đi bầu cử Hội đồng nhân dân, đã hỏi ai ra lệnh cấm đốt pháo Tết để gạch tên người đó. Người cha trả lời con đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nghe kể lại chuyện, ông Sáu Dân cười nói: "Tôi cũng thấy buồn. Mà anh em đề nghị thay vào bằng kéo hết còi xe, còi tàu, đổ chuông các nhà thờ, thánh thất... lúc giao thừa. Như vậy cũng thấy lơm cơm quá, không được".
Cố Thủ tướng là thế, phải bận tâm nhiều vấn đề đại cuộc mang tầm vóc dân tộc, quốc gia, ông vẫn tinh tế quan tâm những chuyện tưởng "nhỏ" nhưng lại không hề nhỏ trong lòng dân.
Trong những bài thơ về ông Sáu Dân được viết từ cảm xúc thương quý của mình, ông Bảy Nhị đã có những câu mộc mạc mà ấm áp thế này: "Vẫn là Thủ tướng của nhân dân/ Vẫn là anh Sáu mọi gia đình/ Lồng lộng bóng soi miền sông nước/ Đời nặng ân tình, đất nặng chân...".
Miên man nhắc về ông Sáu Dân, hình như kỷ niệm nào của vị cựu chủ tịch An Giang cũng có hình ảnh nông dân, ruộng đồng.
Ông Bảy Nhị trải lòng rồi đây lịch sử sẽ còn tiếp tục kể mãi vị Thủ tướng đã có quyết sách đúng đắn khai phá vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, đào kênh T5, T6 xả lũ trị phèn, ngăn mặn, khai khẩn đất hoang để bật lên tiềm năng vựa lúa..., nhưng riêng ông sẽ nhớ mãi những ngày dầm mưa dãi nắng, lội ruộng, băng kênh cùng ông Sáu Dân.
"Chú Sáu đi để hiểu, để quyết sách chuyện lớn lao mà vẫn gần gũi, chân tình với bà con nông dân. Có lần chú xuống tận ấp, bà con và chính quyền địa phương mời cơm dân dã, mời rượu đế. Chú vui vẻ kéo ghế tham dự và nói đủ sức mời mỗi người một ly. Rồi những lần chú muốn gặp lại gia đình các bạn bè cũ, tui tính thu xếp mời họ tới vì biết chú rất bận. Nhưng chú không chịu, vẫn lội bộ vào tận nơi, thăm hỏi từng người, trao tận tay gói quà nghĩa tình", ông Bảy Nhị tâm sự sẽ nhớ mãi về một chú Sáu rất Dân, rất đời như thế.
Long Xuyên về khuya, nhiều nhà đã tắt đèn, ông Bảy Nhị vẫn kể tiếp một kỷ niệm nhớ mãi. Khoảng năm 1999, ông Sáu Dân về An Giang dự Hội thảo kênh Vĩnh Tế. Trong bữa cơm tối thân tình, ông Bảy Nhị hát bài Người lính già vui vẻ của Thanh Trúc có những câu "Năm xưa ấy ta lên đường/ cầm tầm vông đánh Tây can trường.../ Dầu nay mái tóc hoa râm/ mà lòng vẫn thấy thanh xuân/ Nợ non sông chưa trả hết.../ Đời trẻ trung oanh liệt của chúng ta...".
Ông Sáu Dân xúc động, ngân nga hát theo. Về TP.HCM, ông đã gọi điện cho ông Bảy Nhị in gửi tặng mình bài hát đó.
"Sau này, tui có nghe chú Sáu vẫn ngân nga hát Người lính già vui vẻ, bài hát như chính cuộc đời chú", vị cựu chủ tịch tỉnh lúa xúc động nói về vị lãnh đạo mà ông vô cùng thương quý.
"Lòng tin của tui với chú Sáu Dân đến một cách tự nhiên, khởi đầu từ chuyện ông kể cho tui nghe công lao của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân yêu nước ở miền Nam qua hai cuộc kháng chiến, rồi kết luận: Người ta theo cách mạng nếu mất là mất cả sự nghiệp vợ đẹp con ngoan, còn mình nếu có mất thì chỉ mất cái quần đùi, vậy mà lại nói người ta yêu nước, có công không bằng mình. Chính chỗ này lại càng thấy uy tín Bác Hồ lớn lắm".
Ông Nguyễn Minh Nhị
********************
"Có nhiều kỷ niệm về ông Sáu Dân, nhưng tôi nhớ nhất là kỷ niệm của ông đối đãi với nhân sĩ ở lại sau năm 1975. Những người không cần quyền, không cần tiền mà cần được làm việc, cống hiến, và ông Sáu đã khơi dậy được điều đó".
>> Kỳ tới: Khơi dậy niềm tin nhân sĩ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận