13/05/2016 10:30 GMT+7

“Ông rồng” kỳ lạ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Đền thờ Lê Văn Thịnh nằm ngay trên triền núi Thiên Thai thuộc làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, bao gồm quần thể chùa Thiên Thư, đền Lê Văn Thịnh và miếu “ông rồng”....

Đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh (phải) và cạnh bên là miếu đặt tượng xà thần tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh - Ảnh: Thái Lộc
Đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh (phải) và cạnh bên là miếu đặt tượng xà thần tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh - Ảnh: Thái Lộc

“Tai phải thì đặc mà tai trái thì rỗng, tức một bên tai điếc biết nói gì với ai, tự mình cắn vào thân mình, hai tay cào xé mắt lồi ra!” - cụ Nguyễn Văn Tiếp, thủ từ đền thờ Lê Văn Thịnh, giới thiệu về bức tượng có hình thù rất đặc biệt được công nhận bảo vật quốc gia thuộc sở hữu đền thờ này.

Phát hiện tình cờ

Đền thờ Lê Văn Thịnh nằm ngay trên triền núi Thiên Thai thuộc làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, bao gồm quần thể chùa Thiên Thư, đền Lê Văn Thịnh và miếu “ông rồng”. Chúng tôi đến trong buổi trưa trời nắng gắt, những trận gió phủ bụi từ núi xuống rát cả mặt.

Đền vắng, tìm mãi mới thấy số điện thoại cụ thủ từ Nguyễn Văn Tiếp ghi trên tờ giấy dán trước cột đền. Alô và chờ vài phút, cụ Tiếp đạp xe đến đền... Cụ Tiếp huyên thuyên về ngôi đền thiêng, rằng ngôi chùa Thiên Thư chính là nơi ở ngày xưa của thái sư Lê Văn Thịnh, còn kiến trúc nhỏ hơn nằm bên phải chùa chính là nơi làm việc của thái sư. Ngôi miếu nhỏ cạnh đền là nơi thờ “ông rồng”.

Mở cửa ngôi miếu bằng gỗ, cụ Tiếp giới thiệu về bức tượng, nhất là những đặc điểm kỳ lạ của nó. Trước tiên không thể định rõ đây là tượng rồng hay là rắn, lại trong tư thế rất kỳ lạ: nhoài người, miệng cắn vào thân. Và một điểm đặc biệt khác là ở hai tai, một bên có lỗ thông, còn một bên thì “điếc đặc”... “Bức tượng này nói lên nỗi oan của thái sư Lê Văn Thịnh đấy!” - cụ Tiếp vừa nói vừa thắp nhang, khói bay nghi ngút khắp gian miếu.

Người có công đầu trong việc phát hiện bức tượng là ông Lê Viết Nga, giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh. Ông Nga kể vào năm 1992, ban quản lý đền Lê Văn Thịnh mời bảo tàng đến xem xét để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia.

Ông thấy con dốc tam cấp từ cổng tam quan dẫn lên đền quá xuống cấp, mới đề nghị cộng đồng làng chỉnh trang lại. Các cụ già bàn chuyện cho xe công nông đi chở đá nơi khác về xếp, nhưng ông Nga đề nghị tìm đá tại chỗ.

“Hôm ngồi uống trà với các cụ, tôi bảo núi Thiên Thai này chắc có nhiều đá, các cụ cho người đào về để xếp có khi lại hay. Các cụ đồng ý cho người đào quanh. Ngay chỗ bậc tam cấp cuối, một người đào hô lên có tảng đá gì mà như cái mũ cối. Tôi chạy ra thì thấy có dấu tạo tác, bảo đào cẩn thận. Đó là đầu “ông rồng”.

Càng đào thì thấy càng lớn, cuối cùng huy động thanh niên cả làng ra đào được cụ rồng to tướng. Các cụ huy động thanh niên dùng bốn cây tre đực khiêng tượng lên đền!” - ông Nga vừa kể vừa ngoắc hai tay diễn tả.

Theo cụ Nguyễn Văn Tiếp, tiếng đồn phát lộ tượng lạ lan khắp vùng, người dân lũ lượt đến xem, làm lễ thắp nhang ngày càng đông, suốt 45 ngày dòng người đến lễ bái vẫn chưa dứt. Trước đó, vào năm 1991, đền Hạ gần đó bị kẻ gian lấy trộm một cặp sấu đá chầu cổng tam quan rất đẹp. Sợ mất như tượng sấu, các cụ trong làng bèn làm lễ, chọn 10 người có công danh trong làng khênh tượng lên đặt bên phải ngôi miếu thờ Lê Văn Thịnh.

Thủ từ phát động mỗi người dân trong làng Bảo Tháp để tâm 30 viên gạch nhằm xây dựng nhà che tượng. Đến năm 2010, trung ương rót về 5 tỉ đồng xây dựng quần thể đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tượng rồng được làm mới một ngôi miếu gỗ có cửa bảo vệ, khang trang như hiện nay...

Không chỉ phát hiện bức tượng, trong những ngày ở lại đền để lập hồ sơ di tích, ông Nga còn bất ngờ phát hiện ngôi mộ của vị thái sư nổi tiếng thời Lý này. “Hôm tôi ngồi viết lách kẻ vẽ, một cô làm dâu trong làng bồng con sang kể huyên thuyên rằng quê nhà cháu thờ cái ông rất lạ. Người thì bảo là trạng nguyên, người thì bảo là ông ăn mày.

Tôi chú ý ngay, cùng trưởng thôn đi xuống làng Đình Tổ (xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh, cách Đông Cứu chừng 20km) thì phát hiện đình làng này thờ Lê Văn Thịnh. Tiếp theo, chỉ cách đình vài trăm mét, tôi tiếp tục phát hiện đó là mộ phần của thái sư Lê Văn Thịnh!” - ông Nga kể.

Cụ Nguyễn Văn Tiếp và bức tượng bảo vật chưa xác định là rắn hay rồng - Ảnh: Thái Lộc
Cụ Nguyễn Văn Tiếp và bức tượng bảo vật chưa xác định là rắn hay rồng - Ảnh: Thái Lộc

Các giả thiết khác nhau

Có các giả thiết khác nhau về bức tượng kỳ lạ này. Một trong số đó cho rằng bức tượng được tạc để nói lên “nỗi oan thấu trời” của “vụ án hồ Dâm Đàm” của vị thái sư thời Lý.

Sử xưa ghi rằng Lê Văn Thịnh vốn học rộng tài cao, thi đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên được mở dưới thời Lý, được xem là trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử VN.

Sau chiến thắng quân Tống, nhờ tài trí và ứng khẩu của mình mà ông thuyết phục được nhà Tống trả lại cho Đại Việt sáu huyện đã chiếm. Sau 10 năm làm quan, ông được trọng dụng, lên chức thái sư đầu triều...

Sử thời Trần ghi năm 1095, thái sư Lê Văn Thịnh dùng ảo thuật định làm hại vua Lý Nhân Tông trong một lần nhà vua dạo thuyền trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây). Sử thời Hậu Lê cho rằng trong vụ án Dâm Đàm, ông đã hóa hổ định làm hại vua. Sự việc bất thành, Lê Văn Thịnh bị đày lên Thao Giang - Phú Thọ, sau đó thì mất ở đâu không rõ...

Về sau, nhiều sử gia nhận định đây là vụ án oan, nguyên nhân chính vẫn là do xung đột quyền lực giữa hai giới trí thức Nho và Phật, mà Lê Văn Thịnh đại diện cho phía Nho gia.

Học giả Hoàng Xuân Hãn lý giải nỗi oan trong “vụ án Dâm Đàm” rằng: “Tiêu biểu cho sự mê tín có ảnh hưởng đến chính trị triều Lý. Sử còn cho biết nhiều chuyện, Nhân Tông cũng như các vua Lý về sau rất tin ảo thuật và thần kinh dễ xúc cảm.

Cho nên chỉ vì một chuyện xảy ra rất thông thường mà Văn Thịnh bị quy tội sát vua: Về tháng 1, sương mù thình lình tới trên hồ, đó là chuyện thường có. Nhưng với tâm thần hay bị xúc cảm của vua Lý, thấy trời tối mà mình còn ở trên mặt nước thì đâm ra hoảng hốt. Lúc ấy Văn Thịnh thấy trời tối nên sai chèo thuyền gấp để tới hộ vua về. Ngồi trong thuyền bị tròng trành, không vững, Văn Thịnh phải khom mình, tay chống vào thuyền cho vững, hình dáng trông giống như con hổ vồ.

Vụ án chính là cái cớ để triệt tiêu vai trò rất lớn của Lê Văn Thịnh trong triều đình nhà Lý đương thời. Và bức tượng xà thần cắn thân, một bên tai điếc khiến nhiều người tin rằng nó được làm ra để thể hiện nỗi oan khuất ghê gớm đó”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng bức tượng không liên quan gì đến Lê Văn Thịnh. Theo ông Lê Viết Nga, nếu người thời ấy làm tượng để thể hiện nỗi oan của thái sư Lê Văn Thịnh thì sẽ mắc tội phạm thượng. Nhiều khả năng bức tượng thuộc ngôi chùa cổ từng tồn tại trên núi Thiên Thai, mà sau này bị quân Pháp triệt phá để xây dựng đồn bốt.

Minh chứng cho điều này, ông Nga cho biết trước khi tu sửa đền Lê Văn Thịnh, người ta có đào ở sân đền lộ ra hai tảng đá cùng chất liệu và giống y chang với chân rồng hiện nay.

Ông nói: “Nhiều người cứ thấy nó cắn vào thân mình, tai một bên có lỗ, một bên không có lỗ cứ bảo đây là con rồng đền thờ Lê Văn Thịnh, áp vào cuộc đời oan nghiệt của thái sư. Nhưng tôi không kết luận như thế. Tôi kết luận có thể đây là tượng của ngôi chùa rất nổi tiếng trên núi Thiên Thai, và còn một con nữa mà bây giờ người ta chưa tìm ra!”.

_________

Kỳ tới: Gỡ lưới kẹt, phát hiện thần công

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên