Kể từ khi ông Putin đưa quân vào Ukraine, phương Tây đã tăng cường giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, qua đó làm giảm thu ngân sách của nước này. Hoạt động kinh doanh của Gazprom ở châu Âu cũng vì vậy mà đình trệ theo.
Khởi đầu từ một công ty cổ phần cách đây 30 năm, Gazprom nay là tập đoàn khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, nắm giữ 15% dự trữ toàn cầu. Với khoảng 490.000 lao động, Gazprom là một trong những doanh nghiệp quyền lực nhất của Nga.
Ngày 17-2, ông Putin nói nước Nga tự hào về Gazprom và tập đoàn sẽ đứng vững bất chấp những nỗ lực gây ảnh hưởng từ phương Tây.
"Mặc cho sự cạnh tranh và những nỗ lực trực tiếp từ bên ngoài gây cản trở và kìm hãm sự phát triển, Gazprom vẫn tiến lên phía trước, triển khai các dự án mới", ông Putin nói. "Trong 30 năm qua, mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu đã tăng gần gấp đôi và trong 20 năm tới, theo ước tính của các chuyên gia, con số này có thể tăng thêm ít nhất 20% và hơn thế nữa".
Theo tổng thống Nga, trong giai đoạn chuyển tiếp này, nhu cầu khí đốt sẽ rất lớn. Ngoài ra, hơn một nửa nhu cầu sẽ đến từ các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là từ Trung Quốc, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của nước này.
Theo Hãng tin Reuters, việc mất đi các khách hàng châu Âu có thể khiến doanh thu xuất khẩu của Gazprom giảm một nửa trong năm 2023, đồng nghĩa với đóng góp cho nhà nước Nga cũng giảm mạnh.
Theo tính toán của Reuters, dựa trên số lượng và thuế xuất khẩu, doanh thu từ xuất khẩu của Gazprom trong tháng 1 có thể giảm xuống còn 3,4 tỉ USD từ 6,3 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, doanh thu xuất khẩu cả năm của Gazprom có thể giảm một nửa so với năm 2022 khi sản lượng xuất khẩu của tập đoàn này cũng giảm gần một nửa.
Cũng theo Reuters, Gazprom là một trong những doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất của Nga. Công ty ghi nhận thâm hụt 1,76 ngàn tỉ rúp (24 tỉ USD) trong tháng 1 do doanh thu năng lượng sụt giảm và chi tiêu tăng vọt.
Trong khi đó, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt là nguồn thu lớn của Nga, vốn đạt 11,6 ngàn tỉ rúp vào năm ngoái. Chính phủ Nga đã buộc phải bán dự trữ ngoại hối để trang trải thâm hụt ngân sách gia tăng do chi phí chiến sự Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận