Người dân Nga ở Sevastopol - thành phố cảng bên Biển Đen của Crimea, tuần hành hôm 14-3 kỷ niệm 4 năm ngày bán đảo Crimea sáp nhập về Nga - Ảnh: REUTERS
Hai chuyên gia Petr Skorobogaty và Aleksei Khazbiev đặt ra câu hỏi "Người Nga mơ ước về một tổng thống như thế nào?" về chân dung nhà lãnh đạo tương lai của nước Nga trên tạp chí Expert.
Theo họ, dường như cử tri của năm 2018 không thể xác định được. Các cuộc thăm dò xã hội, vốn dĩ đã khiêm tốn như chính kỳ vận động tranh cử này, cũng không có câu trả lời thống nhất. Có một vài lý do.
Người Nga mong chờ điều gì?
Thứ nhất, hệ thống chính trị suy yếu của Nga không đề xuất được giải pháp hoàn thiện. Chương trình hành động của phần lớn ứng viên tổng thống không tập trung vào chủ đề cụ thể nào và được chuẩn bị rất kém.
Thứ hai, "ranh giới" của thời điểm - điều ông Vladimir nhắc đến trong Thông điệp liên bang ngày 1-3, liên quan không chỉ chương trình phát triển quốc gia, mà còn mô hình chính trị thực tiễn đối với xã hội Nga hiện đại.
Bước sang năm 2018, nhiều chủ đề bầu cử trọng tâm của những năm trước đã mất đi sức thu hút. Người Nga ít quan tâm đến tham nhũng hơn nhờ chính quyền mạnh tay bỏ tù hàng trăm quan chức, gồm cả tỉnh trưởng lẫn bộ trưởng. Kết thúc giai đoạn đoàn kết dân tộc sau các sự kiện "Mùa xuân Crimea" và chiến dịch quân sự Syria, dù có thể chưa hoàn toàn.
Tổng thống Vladimir Putin đi kiểm tra việc hoàn thiện đoạn đường dẫn lên cầu Crimea bắt qua eo biển Kerch Strait nối bán đảo Crimea, vào ngày 14-3 - Ảnh: REUTERS
Mối quan tâm về thời kỳ Liên Xô cũng không còn thực tiễn: những thành tựu và bi kịch của giai đoạn đó ngày càng trôi xa khỏi cử tri, không còn mấy ai lưu luyến hay ước muốn quay ngược thời gian.
Cuối cùng, tuy chưa mất hẳn nhưng nhu cầu đối với sự ổn định như một yếu tố nền tảng cho sự phát triển cũng trở nên mờ nhạt dần.
Chương trình nghị sự năm 2018 đã cập nhật mới: (cử tri Nga) yêu cầu thay đổi đường hướng phát triển hệ thống chính trị và kinh tế - xã hội; yêu cầu công bằng trong phân chia lợi ích và bảo đảm sự bình đẳng của mọi tầng lớp xã hội trước pháp luật; yêu cầu phá vỡ bất công xã hội và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong cải cách giáo dục và y tế.
Thêm một chỉ dấu khác: ngày càng ít người Nga tin rằng nguồn cơn mọi vấn đề của họ nằm ở hoàn cảnh chính trị đối ngoại phức tạp.
Vào tháng 3-2015, khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang sôi sục, gần 79% người Nga nhận định các mối đe dọa từ bên ngoài ảnh hưởng chính đến đời sống đất nước. Ngày nay con số vẫn còn tương đối là 65% theo thăm dò của Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhưng thực sự nó đã giảm.
Nhóm cử tri "hậu Xô viết"
Trên lý thuyết, những thay đổi nói trên trước thềm bầu cử có lợi cho các ứng viên tổng thống mới. Theo thống kê, năm 2018 nước Nga xuất hiện thêm 7 triệu cử tri mới, trẻ trung. Tính chung, nhóm cử tri "không phải Liên Xô" (sinh sau năm 1985) tổng cộng là 22 triệu người, chiếm 20% toàn bộ cử tri - một tỉ lệ rất lớn.
Người trong chiến dịch tranh cử của ông Putin đi phát tài liệu vận động tranh cử tại một địa điểm ở trung tâm Matxcơva ngày 15-3 - Ảnh: REUTERS
Nếu cộng dồn nhóm "không phải Liên Xô" với những người trưởng thành sau chương trình cải cách "Perestroika" (1985-1991), số cử tri đó chiếm hơn 50%. Những công dân này là động lực đằng sau tiếng gọi đổi mới.
Đáng chú ý, luận điểm chính của giới trẻ trong yêu cầu cải cách không phải là tự do hóa đời sống chính trị, mà là vấn đề công ăn việc làm và chất lượng dịch vụ xã hội. Điều tra cho thấy nhu cầu ổn định khủng hoảng của những năm trước đã tạo ra nhiều rào cản trong xã hội Nga, xóa sổ tính linh động của nó.
Hàng triệu thanh niên, đặc biệt là sinh viên đại học, trang trải cuộc sống theo "kiểu Brazil", tức nhảy từ công việc thời vụ này sang công việc thời vụ khác mà không đi kèm bất cứ bảo đảm xã hội nào. Tệ hơn, xu hướng là nhiều người trẻ phải tiếp tục hình thức lao động đó kể cả sau khi tốt nghiệp ra trường.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ ủng hộ của nhóm cử tri 18-30 tuổi đối dành cho các phân nhánh quyền lực ở Nga đã suy giảm trong 4 năm qua, dù đa số họ không chủ trương xuống đường phản đối. Cốt lõi của hệ thống chỉ còn dựa vào ba phân nhánh cấp quốc gia gồm Tổng thống (tỉ lệ ủng hộ 69%), quân đội (63%) và nhà thờ Chính thống giáo (42%).
Mong chờ Putin như "phép màu"
Có một thực tế thú vị: trong hoàn cảnh nhu cầu đổi mới gia tăng, số người ủng hộ thay đổi quyền lực và đánh đổ tầng lớp tinh hoa lại không nhiều. Dựa trên tỉ lệ ủng hộ lớn dành cho ông Vladimir Putin, có thể rút ra kết luận là người dân Nga trông đợi từ chính đương kim Tổng thống một phép màu mới.
Cử tri Nga dường như không có sự chọn lựa nhà lãnh đạo khác bởi ông Putin đã tạo dựng hình ảnh một người đứng đầu Điện Kremlin quá mạnh mẽ trong vài thập niên gần đây - Ảnh: REUTERS
Nước Nga đã đánh mất rất nhiều, gần như tất cả. Nhưng ngày nay, sau một phần tư thế kỷ, hãy nhìn xem những gì chúng ta đang có…"
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong Thông điệp Liên bang ngày 1-3
Sự trông đợi đó phần nào gợi nhớ lại tâm trạng trước thềm nhiệm kỳ đầu tiên của ông Putin. Khi đó, người ta mong viên chính trị gia trẻ tuổi sẽ trị được hệ thống quyền lực điều khiển bởi một nhóm thiểu số, lật ngược đường lối kinh tế - xã hội chống nhân dân, giải quyết vấn đề công ăn việc làm và lương bổng…
Và những thay đổi sau đó đã dẫn đến một thập niên ổn định và tăng trưởng cho nước Nga.
Bí mật nằm ở câu hỏi liệu ông Putin có sẵn sàng cho thử thách mới ngay lúc này? Chiến dịch vận động tranh cử bảo thủ và yếu ớt hiện nay dự báo trước một kịch bản bầu cử không xung đột cùng sự chuyển tiếp bình yên vào giai đoạn đặc biệt quan trọng 2018-2024 đối với giới tinh hoa Nga (6 năm cuối của "kỷ nguyên Putin", nếu không có gì bất ngờ).
Thay vì chờ 3-4 năm nữa trước khi tính chuyện người kế thừa ông Putin, sự hỗn loạn mỗi lúc một tăng của tiến trình chính trị đòi hỏi Điện Kremlin phải đưa ra các giải pháp cấp tiến cho đường hướng phát triển hướng kinh tế - xã hội ngay bây giờ, thay vì ngồi chờ hậu quả.
Thực tế, ông Putin đã có câu trả lời cho cử tri trong Thông điệp liên bang ngày 1-3 vừa qua, vốn đồng thời được xem là nghị trình trước bầu cử của ông. Đây có thể xem là thông điệp "bất cẩn" nhất của Vladimir Putin trong suốt sự nghiệp chính trị.
Mọi chú ý tập trung vào các tuyên bố đối ngoại mạnh mẽ nhất kể từ ngày ông Putin gây chấn động với bài diễn văn Munich năm 2007 nói về vai trò mới của Nga trong thế giới đơn cực do Mỹ thống trị.
Tổng thống Putin tổ chức vận động tranh cử cho bản thân tại SVĐ Luzhniki ở thủ đô Matxcơva hôm 3-3 - Ảnh: REUTERS
Cụ thể hơn, sau khi liệt kê một loạt thử thách trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ông Putin chuyển sang phần năng lực quân sự vừa được tăng cường của Nga. Gần như trực tiếp, ông kêu gọi cả nước gạt bỏ hoài nghi và đặt ra một nhiệm vụ hết sức "đơn giản": Khôi phục sức mạnh Liên Xô cho nước Nga!
"Câu trả lời Putin" có thể tóm gọn trong vài ý chính: Phát triển nhảy vọt nhờ công nghệ; kiên quyết hoàn thành các mục tiêu cụ thể đến năm 2024; phát triển hài hòa và đồng đều trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, không người dân nào bị quên lãng; cam kết bảo vệ nước Nga trước các mối đe dọa quân sự...
Cuối cùng, những ai lắng nghe bài diễn văn hôm 1-3 sẽ để ý có một đoạn ông Putin nói hết sức chậm rãi về "nước Nga Xô Viết" - cụm từ theo ông là tương đương với Liên bang Xô Viết.
"Nước Nga đã đánh mất rất nhiều, gần như tất cả. Nhưng ngày nay, sau một phần tư thế kỷ, hãy nhìn xem những gì chúng ta đang có…" - ông Putin nói, một cách xúc động.
Tạm gác qua chuyện "bầu cử", không ai nghi ngờ về vai trò quan trọng của ông Putin đối với nước Nga và cả thế giới trong 6 năm còn lại. Hãy cùng chờ xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận