Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (phải) đứng cùng ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu cơ quan thuế liên bang - Ảnh: REUTERS
Đêm 15-1 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố quyết định từ chức cùng toàn thể nội các chính phủ Nga. Đây được xem là động thái nhằm giúp Tổng thống Putin thực hiện những thay đổi để điều chỉnh hiến pháp.
Không lâu sau đó, ông Putin chấp thuận quyết định từ chức, đồng thời đề cử người đứng đầu cơ quan thuế Mikhail Mishustin làm thủ tướng thay ông Medvedev.
Với mối quan hệ đặc biệt suốt hàng chục năm qua với Tổng thống Putin, tương lai của ông Medvedev rất được dư luận quốc tế quan tâm.
Phương Tây vẫn chưa quên cách ông Putin và ông Medvedev luân phiên nắm giữ vai trò tổng thống - thủ tướng vào những năm 2000 và 2010. Chính vì vậy, vai trò mới của ông Medvedev xét theo nghĩa nào đó sẽ là gợi ý cho bất kỳ suy đoán nào liên quan tới dự định tương lai của ông Putin.
Phát biểu trước cuộc họp với các bộ trưởng hôm 15-1, ông Putin tuyên bố ý định giới thiệu vị trí phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga (Security Council), và đề nghị ông Medvedev nắm vai trò hoàn toàn mới này.
"Tôi tin rằng đây là điều khả thi và tôi sẽ thực hiện nó trong tương lai, tôi sẽ giới thiệu vị trí phó chủ tịch Hội đồng An ninh. Như chúng ta đều biết, tổng thống cũng là chủ tịch Hội đồng An ninh. Dmitry (Medvedev) đã luôn xử lý các vấn đề này. Từ quan điểm thúc đẩy năng lực và an ninh quốc phòng của chúng ta, tôi tin rằng đây là điều có thể và đề nghị ông ấy xử lý các vấn đề dạng này trong tương lai", Hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thống Putin.
Hội đồng An ninh Nga là cơ quan giám sát việc soạn thảo các quyết định của tổng thống về những vấn đề chiến lược phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích sống còn của công dân, xã hội và quốc gia trước các mối đe dọa trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy một chính sách thống nhất của quốc gia để đảm bảo an ninh.
Ông Putin đang là tổng thống nên đồng thời giữ cương vị chủ tịch Hội đồng An ninh. Cơ quan này có chức vụ thư ký Hội đồng An ninh, hiện do ông Nikolai Patrushev nắm giữ từ năm 2008.
Bàn về việc bổ nhiệm ông Medvedev, ông Putin nhấn mạnh rằng "có một cụm trách nhiệm rõ ràng của tổng thống và một cụm thuộc về chính phủ, mặc dù tổng thống là người chịu trách nhiệm mọi thứ ở đây". Theo ông Putin, cụm tổng thống chủ yếu bao gồm vấn đề an ninh và quốc phòng, TASS tường thuật.
Việc ông Putin phân biệt "cụm" hay "khối" tổng thống và khối chính phủ càng cho thấy ý định thay đổi cán cân trách nhiệm và quyền lực mà ông đề xuất.
Điều này lại khiến những đồn đoán về ông Medvedev khó có lời giải hơn. Hiện tại có hai hướng bình luận về việc ông Medvedev từ chức.
Hãng tin AFP cho rằng rất có thể ông Putin không hài lòng với những gì ông Medvedev đang làm. Cụ thể AFP nhắc chuyện ông Putin chỉ trích ông Medvedev xung quanh quyết định bật đèn xanh cho chiến dịch không kích của phương Tây ở Libya năm 2011, dẫn tới cái chết của lãnh đạo Moammar Gadhafi.
Trong phát biểu ở thông điệp liên bang ngày 15-1, ông Putin cũng nhấn mạnh nhu cầu sửa hiến pháp, cho phép đặt ra ưu tiên về luật pháp quốc tế.
Hướng thứ hai chú trọng nhiều hơn vào toan tính của ông Putin. Đài RT (Nga) khẳng định ông Putin muốn phân tán quyền lực của tổng thống - vị trí mà ông sẽ không thể tiếp tục nắm giữ sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.
RT nhận xét rằng ông Putin muốn tăng cường quyền lực cho thủ tướng, vai trò của hội đồng cố vấn và sau cùng sẽ hiện diện như "một chính khách thâm niên". Điều đó nhằm bảo tồn hệ thống mà ông Putin thừa hưởng từ ông Boris Yeltsin, vốn sau khởi đầu khó khăn đã "mang lại sự tự do và thịnh vượng lớn nhất mà người Nga từng được biết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận