Binh sĩ Ba Lan canh gác tại khu vực biên giới Ba Lan - Belarus gần làng Kuznica (Ba Lan) hôm 11-11 - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc điện đàm thứ hai với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông "ủng hộ việc khôi phục liên lạc giữa các quốc gia thành viên EU và Belarus để giải quyết vấn đề" liên quan người di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus.
Ông Putin nhấn mạnh EU nên hoạt động phù hợp với “luật nhân đạo quốc tế”. Đây là lần thứ hai tổng thống Nga và bà Merkel, thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm, trao đổi trực tiếp trong hai ngày qua.
Trước đó, hôm 10-11, bà Merkel đã yêu cầu ông Putin "sử dụng ảnh hưởng của mình" đối với Tổng thống Lukashenko của Belarus để chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Theo Hãng tin AFP, có khoảng 2.000 người di cư, chủ yếu là người Kurd từ Trung Đông, đang bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan trong điều kiện thời tiết lạnh lẽo.
Ba Lan từ chối cho phép người di cư vượt biên. Nước này cáo buộc Belarus khuyến khích các di dân vượt biên qua Belarus để vào EU nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đến nay, EU từ chối liên lạc trực tiếp với Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus. Hôm 11-11, ông Lukashenko cảnh báo nếu EU áp lệnh trừng phạt mới, Belarus sẽ có hành động đáp trả, trong đó có khả năng ngăn chặn vận chuyển khí đốt đến châu Âu.
Căng thẳng tại biên giới Ba Lan - Belarus diễn ra trong bối cảnh Belarus đối mặt một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây sau vụ nước này ép máy bay của Hãng Ryanair (Ireland) chuyển hướng để bắt một nhà báo đối lập hồi tháng 5 cùng một số vấn đề khác.
Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus sử dụng người di cư làm "tốt thí" để gây áp lực với EU, kêu gọi Minsk "dừng việc đẩy con người vào vòng nguy hiểm". Theo Hãng tin TASS, Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án việc lạm dụng người tị nạn vào các mục đích chính trị tại biên giới Ba Lan - Belarus.
Trong diễn biến liên quan, ngày 11-11, Mỹ và các phái đoàn châu Âu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên án hành vi của Belarus trong cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới với Ba Lan.
Hồi tháng 7, ông Lukashenko cảnh báo Belarus sẽ không còn ngăn cản các di dân không giấy tờ hợp pháp "mượn đường" qua nước ông để tới "một EU được khai sáng, ấm áp" như Hãng thông tấn Belta của Belarus dẫn lại.
Sau đó, rất đông người di cư từ Iraq, Syria, Yemen và các khu vực bất ổn khác đã tìm cách vào EU trái phép qua các nước Ba Lan, Latvia và Lithuania.
Các nước châu Âu cáo buộc Belarus dùng máy bay chở người di cư từ Trung Đông và châu Phi đến thủ đô Minsk và đưa những người này đến tận ngưỡng cửa EU. Tuy nhiên, ông Lukashenko đã bác bỏ cáo buộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận