23/12/2024 09:20 GMT+7

Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (trái) trao đổi với các đại biểu tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng 23-12, Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98 và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; những vấn đề đặt ra cho TP.HCM và Đông Nam Bộ".

TP.HCM xác định sứ mệnh, trách nhiệm của mình

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề: "Khi đất nước, dân tộc vươn mình bước vào kỷ nguyên mới thì TP ở đâu trong hành trình này?".

Ví như một đội bóng, ông Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo. Đây là sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao của TP.HCM. TP.HCM không làm việc này một mình và đặt trong vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

"TP.HCM xác định sứ mệnh, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cùng đất nước, dân tộc vươn mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới", ông Mãi nói.

Như vậy TP.HCM, Đômg Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải làm gì?

Ông Mãi cho rằng khi có những thuật ngữ mới xuất hiện như cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số... thì chúng ta nói nhiều nhưng cần làm gì, tận dụng thời cơ như thế nào, nội hàm, lộ trình, kết quả để phát triển thì chưa rõ.

Lần này, khi nói về kỷ nguyên mới, TP.HCM phải xác định được nội hàm, các trụ cột trọng tâm tại TP.HCM, Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau đó xác định cách làm, lộ trình, kết quả đạt được từng mốc thời gian cụ thể và phải có phương thức phối hợp thực hiện hiệu quả.

Trong đó ông Mãi nhấn mạnh các giải pháp để TP.HCM và cả nước thoát bẫy thu nhập trung bình.

Qua hội thảo này, ông Mãi mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đóng góp các ý kiến giúp TP.HCM làm rõ những nội hàm này.

Nói về cách làm, ông Mãi cho rằng có những việc phải làm ngay để đạt được những mục tiêu trước mắt nhưng có những việc dài hạn, tạo nền tảng, chiến lược để cho các mốc thời gian xa hơn. Cần xác định trước mắt, trung hạn, dài hạn và phương pháp phối hợp nguồn lực với nhau để thực hiện.

"TP.HCM luôn đặt mình trong vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, luôn mong muốn hợp tác với các địa phương, các lực lượng và nguồn lực trên địa bàn để thực hiện sứ mệnh này. TP.HCM cũng nhận nhiệm vụ là cầu nối trong hợp tác quốc tế để huy động sâu rộng hơn các nguồn lực thực hiện", ông Mãi nói.

Nhận thức rõ tiềm năng, cơ hội và thách thức

Trong phần phát biểu đề dẫn, TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - khẳng định TP.HCM nhận thức rất rõ ràng về những tiềm năng, cơ hội cũng như các thách thức mà thành phố đang đối mặt khi bước vào kỷ nguyên mới.

TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ cần xác định rõ những mục tiêu cụ thể trong 5 và 10 năm tới. Ông Vũ đề xuất các đại biểu tham gia thảo luận một số vấn đề trọng tâm.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM phải đá tiền đạo khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 3.

TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - phát biểu - Ảnh: HỮU HẠNH

Thứ nhất là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam và thực tiễn quốc tế. Đây là cơ sở lý luận quan trọng giúp TP.HCM và Đông Nam Bộ có thể xây dựng chiến lược phát triển hiệu quả.

Thứ hai là thể chế phát triển trong kỷ nguyên mới. TP.HCM cần có một thể chế linh hoạt, phù hợp với các thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế.

Thứ ba là chú trọng không chỉ vào kinh tế mà còn vào đời sống và văn hóa, xã hội.

Thứ tư, biến sông Sài Gòn thành thảm xanh kết nối vùng Đông Nam Bộ, một trong những đề xuất quan trọng nhằm phát triển giao thông xanh và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu khí thải và thúc đẩy chiến lược "net zero".

Thứ năm là các động lực mới trong phát triển, nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực công nghệ như vi mạch bán dẫn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI), những lĩnh vực tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Việt Nam đang đi vào quỹ đạo các nước trong bẫy thu nhập trung bình?

Tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), đã có bài phân tích về các chiến lược của kỷ nguyên vươn mình.

Theo ông Trần Ngọc Anh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và 7 định hướng chiến lược".

Bảy định hướng này được ông Anh vẽ thành một cái cây chiến lược với phần gốc là lãnh đạo của Đảng, nhà nước pháp quyền; phần thân là bộ máy tinh gọn, cán bộ và chống lãng phí; phần ngọn là chuyển đổi số và kinh tế.

Cái cây Việt Nam chỉ có thể vươn mình khi gốc vững, thân khỏe. Với cách mạng công nghệ đang diễn ra trên thế giới và già hóa dân số ở Việt Nam, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để đất nước vươn mình
PGS.TS Trần Ngọc Anh

Phân tích cây chiến lược này về gốc độ kinh tế, ông Anh cho rằng Việt Nam đang đứng trước hai trạng thái cân bằng là: mắc bẫy thu nhập trung bình hay thoát bẫy.

Việt Nam có tham vọng rất cao là thoát bẫy và trở thành nước có thu nhập cao vào 2045 nhưng ông nhìn nhận nước ta hiện đã bắt đầu mắc vào bẫy thu nhập trung bình.

Phân tích thêm, ông cho rằng thế giới chia thành ba câu lạc bộ về mức độ vươn mình: đang trong bẫy nghèo, đang trong bẫy thu nhập trung bình và đã thoát bẫy.

Trong đó những nước mắc bẫy thu nhập trung bình hơn 25 năm qua, họ tăng trưởng chậm, chỉ khoảng 3 lần. Trong khi đó những nước thoát bẫy thì thu nhập tăng khoảng 10 lần trong 25 năm, đây là những nước đã vươn mình thành công.

Việt Nam đang đi vào quỹ đạo các nước trong bẫy thu nhập trung bình? - Ảnh 2.

GS.TS Trần Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Trần Ngọc Anh nhìn nhận, qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển ngoạn mục, từ một nước nghèo đã thoát bẫy nghèo, đến nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới.

Nhưng những quan sát hiện nay cho thấy Việt Nam đang đi đúng vào quỹ đạo của các nước trong bẫy thu nhập trung bình. Để thoát bẫy, chuyên gia này cho rằng trước hết Việt Nam cần vươn mình trong quản trị công.

GS.TS Trần Ngọc Anh: Việt Nam đang đi vào quỹ đạo các nước trong bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 3.

Đồ họa do GS.TS Trần Ngọc Anh vẽ.

Để nhà nước pháp quyền tránh song trùng

Phân tích về phần gốc của cây chiến lược gồm hệ thống chính trị và nhà nước pháp quyền, ông Trần Ngọc Anh cho rằng Đảng cần có hệ thống ghi nhận ý kiến phản hồi toàn diện, thường xuyên và trung thực từ người dân và doanh nghiệp về mọi chính sách và dịch vụ công. Khuyến khích phản biện chính sách thẳng thắn và xây dựng cộng đồng chuyên gia, trí tuệ, nhất là các vấn đề chính sách kinh tế, xã hội.

Để nhà nước pháp quyền để tránh song trùng, theo ông, Việt Nam nên phân rõ hai nhóm chức năng: những quyết sách chính trị là do Đảng quyết, những vấn đề kỹ trị giao cho nhà nước pháp quyền.

Chuyên gia này nhìn nhận lập pháp và tư pháp là hai trụ cột rất yếu ở Việt Nam nhưng hai trụ cột này đang có nhiều vùng mờ, khó biết đúng sai.

Để lãnh đạo hiệu quả, Đảng có thể xây dựng thước đo hiệu quả hàng năm ở ba nhánh: chất lượng xây dựng luật pháp, chất lượng thực thi luật pháp và chất lượng xét xử luật pháp.

Về phần thân cây (cán bộ, tinh gọn bộ máy và chống lãng phí), ông Trần Ngọc Anh cho rằng cho rằng cán bộ phải có: năng lực, động lực, và môi trường (muốn làm, làm được và được làm).

Muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống. Phải có hệ thống đánh giá công việc - là cơ sở để khen thưởng và bổ nhiệm công bằng, biến kết quả công việc thành động lực.

Bên cạnh đó để cán bộ có môi trường sáng tạo thì luật pháp cần rõ ràng, cần có có quy định cho phép các thí điểm và phải tạo được niềm tin là cán bộ sẽ được bảo vệ khi sáng tạo.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM phải đá tiền đạo khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 4.7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngày 31-10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên