
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 21-4, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Phan Văn Mãi - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ông Dương Văn Thăng - phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bà Nguyễn Trần Phượng Trân - phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiếp xúc cử tri quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ quan tâm về chính sách hỗ trợ đội ngũ dư dôi khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Theo cử tri Nguyễn Thị Thủy (quận 4), cần xem xét tăng chế độ, chính sách cho cán bộ bị ảnh hưởng, nhất là những người đã làm việc lâu năm. Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch tiêu chí cán bộ được giữ lại để đảm bảo lựa chọn được người xứng đáng, tránh tâm lý bất mãn trong cán bộ, công chức tại địa phương.
Cử tri Lương Văn Sinh (quận 7) cho rằng sau sắp xếp, các phường xã sẽ rộng lên, muốn quản lý hiệu quả phải ứng dụng công nghệ thông tin. Về phía người dân, ông Sinh nhắc về chính sách hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân khó khăn để người dân cùng tham gia chuyển đổi số.
Tiếp thu ý kiến cử tri, đại biểu Phan Văn Mãi nói để phục vụ sắp xếp bộ máy, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới sẽ xem xét sửa đổi một số điều trong Hiến pháp và một số luật có liên quan. Chức năng, nhiệm vụ của các cấp sau sắp xếp sẽ được quy định tại Hiến pháp và luật có liên quan sau sửa đổi.
Tuy nhiên, tinh thần là cấp cơ sở (phường, xã) là nơi trực tiếp quản lý địa bàn, nắm tâm tư tình cảm, tổ chức hoạt động phục vụ người dân tốt nhất. Bên cạnh đó sẽ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, trang bị phương tiện, số hóa để đảm bảo hoạt động tốt hơn.
Với các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, người hoạt động không chính sách, ông Mãi cho biết hiện Trung ương đã thiết kế các chính sách hỗ trợ chung.
Riêng tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng có định hướng nghiên cứu các chính sách hỗ trợ về nhà ở, về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để hỗ trợ cán bộ, công chức bị tác động.
Thông tin về kỳ họp Quốc hội sắp tới, ông Mãi cho biết đây có thể là kỳ họp rất dài, dài nhất của khóa XV. Kỳ họp này sẽ có khối lượng công việc nhiều nhất, quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhất như quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp và một số quy định.
Kỳ họp này cũng sẽ quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (thuộc thẩm quyền của Quốc hội), kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Cùng với đó, sẽ quyết định việc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND khóa mới.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ kết thúc sớm hơn
Ông Mãi cũng cho biết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ kết thúc sớm hơn, ngoài kỳ họp thứ 9 tới, Quốc hội sẽ họp kỳ cuối cùng để tổng kết hoạt động khóa XV (dự kiến khai mạc trong tháng 10).
Lộ trình là tháng 1-2026 sẽ Đại hội Đảng toàn quốc, sau đó sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới, dự kiến tháng 3-2026. Có thể trong tháng 4, Quốc hội khóa mới sẽ họp kỳ họp thứ nhất.
Việc tiến hành sớm nhằm rút ngắn khoảng cách giữa Quốc hội, HĐND và Đại hội Đảng các cấp, thuận tiện hơn cho bố trí cán bộ và lãnh đạo điều hành.
Kỳ họp thứ 9 trước mắt thông qua khoảng 31 luật và cho ý kiến nhiều nghị quyết, nhằm kịp thời phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính và mục tiêu tăng trưởng 8%, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận