Thông tin được nêu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 28-6 giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thuộc tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 9 và tổ đại biểu HĐND TP với cử tri tại quận 4.
Doanh nghiệp mong được giảm lãi suất vay
Cử tri Nguyễn Xuân Hiển (Hội Luật gia quận 4) đánh giá việc thực hiện nghị quyết 54 trước đây đã mang lại những kết quả tích cực như huy động thêm được các nguồn lực, vốn trái phiếu, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Tuy nhiên qua đánh giá tổng kết, còn một số kế hoạch triển khai chậm, nhiều nội dung còn vướng cơ chế.
“Chính sách mới cần đưa TP.HCM phát triển đột phá, vượt trội, có trọng tâm, không dàn trải. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng lợi dụng cơ chế mới, chính sách đặc thù để tạo ra sai phạm", ông Hiển nói.
Cũng liên quan nghị quyết 54, cử tri Nguyễn Thành An (phường 2, quận 4) cho biết chính sách xem xét chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức đã giúp TP giữ chân được lực lượng cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong khu vực công.
Ông An mong rằng TP tiếp tục thực hiện chính sách này trong thời gian tới để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ có thêm động lực mạnh mẽ, quyết tâm cùng TP phát triển.
Nói về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hưng (cử tri đại diện doanh nghiệp tại quận 4) cho rằng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, thiếu vốn vay. Dù các chương trình kích cầu đã có nhưng TP vẫn chưa duyệt vốn.
“Mong TP hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng xuống bằng hoặc thấp hơn mức trước khi lạm phát. Mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính, nới rộng điều kiện”, ông Hưng chia sẻ.
TP.HCM như trong thế “nội công ngoại kích”
Thông tin với cử tri về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng TP như trong thế "nội công ngoại kích". Bởi nền kinh tế của TP có độ mở gần như hoàn toàn nên chịu tác động nhanh nhất từ các biến động của thế giới.
Song song đó tình hình trong nước cũng đầy khó khăn, như các đơn hàng của doanh nghiệp tại TP.HCM giảm trung bình 30% đến 50%. Khi đơn hàng giảm, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, tác động đến đời sống, an sinh, an ninh, trật tự của địa phương.
Không chỉ vậy, TP.HCM còn có những khó khăn riêng mà các địa phương không có. Như vụ việc của SCB, Vạn Thịnh Phát tác động rất lớn đến kinh tế xã hội của TP.HCM và khiến một bộ phận cán bộ ở các cơ quan còn e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm.
“Có những tác động có thể đo lường được, có thứ không thể nhưng chúng ta cảm nhận được. Ngoài ra TP.HCM còn những vấn đề tồn đọng trước đây để lại, hay những tác động của đại dịch COVID-19", ông Mãi nói.
Về nghị quyết 98 thay thế nghị quyết 54, ông cho hay địa phương đã và đang gấp rút trong công tác triển khai kế hoạch thực hiện ngay nghị quyết khi bắt đầu có hiệu lực.
Ngày 7-7, dự kiến TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị để quán triệt, triển khai nghị quyết này. TP cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết 98, Bí thư Thành ủy TP.HCM là trưởng ban, huy động trí tuệ, nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện bản nghị quyết với hiệu quả cao nhất.
Khởi động lại chương trình kích cầu
Ông Mãi cho biết thêm TP đã và đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua chương trình kích cầu nhằm duy trì sản xuất. Ông đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của ngân hàng và doanh nghiệp.
“Tiền thì có, doanh nghiệp cũng cần mà không thể vay vì lãi suất còn cao. Làm sao để hạ mặt bằng lãi suất xuống là điều mà TP cũng nhiều lần kiến nghị với Thủ tướng”, ông Mãi nói.
Theo ông, nghị quyết 98 đã cho phép TP.HCM thông qua HFIC hỗ trợ chương trình kích cầu cho doanh nghiệp, TP sẽ khởi động lại chương trình kích cầu thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận