Sáng 18-10, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội thảo góp ý đối với báo cáo chuyên đề công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Làm rõ mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ một số nội dung.
Trong đó, những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là gì? Nhất là những vấn đề đặt ra qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, nghiêm trọng vừa qua?
Bên cạnh đó, vì sao vừa qua chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận?
Thêm vào đó là các vấn đề về tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai, không dám làm? Về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng?
Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc? Về kiểm soát tài sản toàn xã hội?...
"Thấy tay nhúng chàm xin thôi, rút lui trong danh dự"
Theo ông Trạc, các thảo luận cũng cần làm rõ những yếu tố và giải pháp đột phá nào để đảm bảo sự đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu "bốn không" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng tiêu cực.
Ông Phan Đình Trạc cũng lưu ý các chuyên gia, nhà khoa học dành thời gian tập trung thảo luận, nêu quan điểm về các giải pháp, nhiệm vụ hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực.
Ông nêu rõ việc mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, công khai, bất kể người đó là ai, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Thậm chí trốn đi nước ngoài cũng không thoát được, cũng xét xử vắng mặt.
Ông nhấn mạnh việc đột phá trong "không dám" thời gian qua là xử đồng bộ, nghiêm minh giữa xử lý kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, đoàn thể, xử lý hình sự.
Kỷ luật của Đảng được thực hiện trước mở đường, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự.
Việc này thực hiện theo nguyên tắc, có vụ việc phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó.
Có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra. Kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Vụ chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Gần đây, ông Trạc nêu có một đột phá là khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống".
Vấn đề này, ông Trạc nêu theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư là "thấy tay nhúng chàm xin thôi, rút lui trong danh dự, thế là nhẹ nhàng, nhân văn, mở đường cho tiến bộ".
Cùng với đó xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, và trong các tầng lớp nhân dân để không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp, được trả lương và đãi ngộ phù hợp với cống hiến, tài năng để không cần tham nhũng, tiêu cực…
Cũng theo ông Trạc, trong nhiệm kỳ XII đã xử lý kỷ luật 113 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 27 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương, 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý kỷ luật 95 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 19 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận