Phóng to |
Ông Thomas A. Bass ký tặng sách nhà sử học Dương Trung Quốc - Ảnh: V.V.Tuân |
Tham gia buổi giao lưu cùng độc giả còn có nhà sử học Dương Trung Quốc, biên tập viên Nguyễn Thế Vinh - người trực tiếp biên tập hai cuốn sách về tướng Phạm Xuân Ẩn: Điệp viên hoàn hảo của tác giả Larry Berman và cuốn Điệp viên Z21 - Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói điều làm nên sự khác nhau giữa hai cuốn sách trên là tác giả Larry Berman viết sách như viết tiểu sử, với tư cách một người được tướng Ẩn ủy thác chính thức, nên Larry Berman cố gắng viết đúng những gì Phạm Xuân Ẩn muốn thể hiện. Còn Thomas A. Bass viết trên cơ sở những tư liệu do tướng Ẩn cung cấp và những tư liệu do chính tác giả tìm được từ nhiều nguồn thông tin khác nhau.
“Tôi cho rằng cuốn sách của Thomas A. Bass giống một cuốn lịch sử nhiều hơn với góc nhìn khách quan hơn. Vì thế, hai cuốn sách do hai tác giả người Mỹ viết về một nhân vật nhưng vẫn hấp dẫn” - ông Quốc nói.
Ông Nguyễn Thế Vinh đặt câu hỏi: “Thật kỳ lạ là vì sao tướng Ẩn lại chọn hai tác giả người Mỹ để cung cấp tư liệu cho họ viết sách về mình? Cũng thật kỳ lạ là sau khi chiến tranh kết thúc, những người Mỹ tiếp xúc với ông ấy đều không mặc cảm, thù ghét mà rất yêu quý ông ấy?”.
Tác giả Thomas A. Bass lý giải vì Phạm Xuân Ẩn vừa là một trong những điệp viên vừa là một nhà báo tuyệt vời. Mà phẩm chất đầu tiên của nhà báo là sự trung thực.
Thomas A. Bass nói: “Những người trung thực sẽ yêu mến nhau khi họ không còn là kẻ thù của nhau nữa. Những người bạn Mỹ của ông Ẩn trước năm 1975, sau khi biết ông ấy là tình báo cho phía bên kia thì hầu hết đều không có cảm giác bị ông ấy phản bội. Mà ngược lại, khi chiến tranh kết thúc, họ vẫn là những người bạn của nhau. Đơn giản vì họ đều là những người trung thực”.
Trong cuốn sách của Thomas A. Bass có tiết lộ chi tiết mà chưa cuốn sách nào nói đến là trong thời gian chiến tranh, tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã gửi đi 498 bản báo cáo và được tặng thưởng 16 huân chương. Trong đó chủ yếu là những huân chương do chiến công của ông trước năm 1975. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng mỗi chiến công của tướng Ẩn sẽ đồng nghĩa với tổn thất của phía bên kia. Nhưng sau chiến tranh, thay vì thù hận, họ khâm phục và yêu nhau, vì họ hiểu nền văn hóa của nhau.
“Phạm Xuân Ẩn là người Việt Nam, nhưng thời gian học bên Mỹ và suốt những năm tháng sống cùng những người bạn Mỹ ở Nam Việt Nam, ông ấy đã mang trong mình sự hòa quyện của hai nền văn hóa Việt Nam và Mỹ. Ông ấy yêu Việt Nam và yêu nước Mỹ. Những người bạn Mỹ của ông ấy hiểu rõ điều đó. Nên họ luôn cố gắng để hòa giải giữa hai dân tộc”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhắc lại chi tiết được kể trong cả hai cuốn sách, đó là khi quân giải phóng miền Bắc sắp tiến vào giải phóng Sài Gòn tháng 4-1975 thì Phạm Xuân Ẩn đã làm một việc mang đậm tính nhân văn cao cả: cứu bác sĩ Trần Kim Tuyến, người ở bên kia chiến tuyến, nhưng là một người bạn của tướng Ẩn.
“Cũng vì hành động cao đẹp này mà tướng Ẩn phải chịu nhiều áp lực sau chiến tranh. Nhưng đó là hành động tiêu biểu cho con người và tính cách của ông Ẩn. Trên cả một nhà tình báo, nhà báo tuyệt vời, ông ấy là một con người tuyệt vời” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Tác giả Thomas A. Bass cũng chia sẻ: “Đằng sau những vinh quang, những tấm huân chương được nhận, Phạm Xuân Ẩn luôn phải dằn vặt mình vì những gì ông làm với người Mỹ, dù ông luôn nói rằng mình không lừa dối bất kỳ ai. Vì thế sau chiến tranh, tướng Ẩn luôn cố gắng bắc cây cầu hòa bình giữa hai dân tộc Việt Nam và Mỹ thông qua mối quan hệ với những người bạn Mỹ. Không phụ lòng ông ấy, hai nước chúng ta đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995”.
Thomas A. Bass cho biết sau cuốn sách này, ông sẽ tiếp tục tìm kiếm tư liệu để viết cuốn sách khác về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn từ sau chiến tranh đến lúc qua đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận