17/03/2017 08:25 GMT+7

Ông nói gà, bà nghe vịt

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TTO - Sau một năm trì hoãn, nghị định (09/2016/NĐ-CP) về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-3, trong đó bắt buộc phải tăng cường iôt vào muối ăn trực tiếp, muối dùng trong chế biến thực phẩm.

Thế nhưng, một chính sách có lợi cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là trẻ em, đã bị nhiều doanh nghiệp (DN) phản ứng quyết liệt bởi thiếu sự hướng dẫn rõ ràng của cơ quan làm chính sách, dẫn đến tình trạng “ông nói gà, bà nghe vịt”.

Mọi chuyện bắt đầu từ kiến nghị của Hiệp hội Sữa VN khi cho rằng quy định này sẽ làm khó cho các DN có sử dụng muối trong chế biến thực phẩm. Lý do được đưa ra là chất thơm và phân tử chất thơm có trong thực phẩm sẽ khử iôt, nên kết quả kiểm nghiệm sẽ cho thấy thực phẩm không có iôt (vì đã bị khử), chưa kể việc dùng muối iôt để chế biến sẽ làm thay đổi màu sắc, mùi vị của sản phẩm. T

hông tin này ngay lập tức khiến các DN có sử dụng muối trong chế biến thực phẩm lo ngại và phản ứng, buộc Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức đối thoại với các DN để tìm ra hướng xử lý.

Tại buổi đối thoại với Bộ Y tế mới đây, nhiều DN chế biến thực phẩm cho rằng việc đưa iôt vào muối là bất hợp lý và nhiều nước không có quy định này (?). Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết quy định này xuất phát từ hiện tượng trẻ em 8-10 tuổi bị bướu cổ tăng nhanh và hàm lượng iôt trong cơ thể người VN xuống đến mức tối thiểu, trở thành vấn đề sức khỏe cần phải can thiệp.

Đại diện Viện Dinh dưỡng cho rằng hàm lượng iôt mất đi trong quá trình chế biến thực phẩm có thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định bổ sung iôt vào muối không làm thực phẩm mất đi mùi vị, màu sắc.

Ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - khẳng định việc soạn thảo nghị định đã được lấy ý kiến rộng rãi, bao gồm cả chính các DN. Theo ông Quang, thay vì áp dụng từ ngày 15-3-2016, quy định này đã được lùi lại một năm để các DN có thời gian chuẩn bị, nên việc các DN lên tiếng phản đối quy định này tại thời điểm hiện nay là “có gì đó bất thường trong thực thi pháp luật”.

Cũng tại buổi đối thoại, trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rằng “có bắt buộc thực phẩm sau chế biến phải có iôt không?”, ông Nguyễn Thanh Long cho biết quy định này chỉ áp dụng với DN sản xuất muối ăn và muối dùng chế biến thực phẩm, không bắt buộc có trong thực phẩm.

“Việc kiểm tra hàm lượng iôt chỉ áp dụng đối với sản phẩm muối, không kiểm tra thực phẩm có sử dụng muối để chế biến” - ông Long khẳng định. Để giải tỏa “lăn tăn” của các DN, ông Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế phải có ngay văn bản trả lời cụ thể cho các DN, hướng dẫn cụ thể với những dòng thực phẩm không sử dụng muối iôt.

Như vậy, các DN có sử dụng muối trong chế biến thực phẩm không liên quan đến quy định này. Thế nhưng cuộc đối thoại đã cho thấy cả DN và cơ quan làm chính sách chưa tập trung tìm nút thắt để tháo gỡ mà chỉ khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.

Một nghị định ban hành được một năm nhưng cơ quan quản lý không hướng dẫn rõ ràng, trong khi DN nghiên cứu chưa thấu đáo, dẫn đến những tranh cãi không đáng có, gây mất thời gian và tốn kém cho cả DN và cơ quan làm chính sách.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên