18/06/2017 17:02 GMT+7

Ông 'nhà báo nhân dân'

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Giới báo chí ở Huế rất quý mến “ông già gân” này với hàng trăm bài báo chống tiêu cực với bút danh Phong Trần. Họ đặt biệt danh cho ông là “nhà báo nhân dân”.

Tuổi 88, nhà báo Phong Trần tóc đã bạc, da đã mồi vẫn hăng say khi nói về việc chống tiêu cực - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tuổi 88, nhà báo Phong Trần tóc đã bạc, da đã mồi vẫn hăng say khi nói về việc chống tiêu cực - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Người dân ở xóm chợ Đồn, phường Phú Bình, TP Huế đã quen thuộc với một cụ già 88 tuổi vẫn miệt mài đạp xe đi viết báo giúp dân. 

Cái tên Phong Trần bắt đầu gây ấn tượng cho độc giả với những bài báo viết về những vụ việc tiêu cực ở Huế đăng trên các báo Bình Trị Thiên, Đại Đoàn Kết, Quân Đội Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Người Làm Báo... từ năm 1985.

Đó cũng là một giai đoạn lịch sử rất đáng nhớ của báo chí gắn liền với Những việc cần làm ngay - những bài báo của tác giả N.V.L. tức Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Ông bác sĩ quân y Trần Quốc Phong lúc ấy vừa về hưu (năm 1983) lại hăm hở cầm bút xông vào một chiến trường mới.

“Ông Phong Trần là người quý hiếm, không chỉ trong báo chí mà cả trong xã hội bây giờ. Ông là một người lính xông pha trận mạc trong thời chiến lẫn thời bình, không sợ gian nguy, hi sinh mất mát. Các nhà báo ngày nay nên nhìn vào những người như ông Phong Trần mà làm báo

Nhà báo HOÀNG THỊ THỌ (nguyên phó chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế)

Cây bút chống tiêu cực

Ngay từ bài báo đầu tiên ông viết đã là một vụ tiêu cực ở một hợp tác xã mua bán nơi ông cư trú vào năm 1985. Rồi ở đâu xuất hiện tiêu cực là ông có mặt tìm hiểu ngay.

Có vụ ông trực tiếp viết, có vụ ông phối hợp với các nhà báo, có vụ thì ông làm người giúp việc cho nhà báo.

Không trực tiếp điều tra được thì ông viết bài ủng hộ các bài điều tra chống tiêu cực, hối thúc cơ quan chức năng vào cuộc trả lời cho nhân dân, từ vụ bắt oan người thi công ở trường đại học S đến vụ sai lầm trong việc cấp phép xây dựng văn phòng của một công ty nước ngoài ngay sát bờ sông Hương...

Đặc biệt là vụ tiêu cực nổi cộm ở Công ty Ôtô vận tải Thừa Thiên - Huế xảy ra năm 1991. Công ty này đã là một hình mẫu trong làm ăn kinh tế suốt cả một thời gian dài. Ông giám đốc công ty này cũng là “tấm gương điển hình của kinh tế tỉnh nhà”.

Lãnh đạo tỉnh bấy giờ chăm bẵm công ty và ông giám đốc này như “con cưng”. Vì vậy, đụng vào công ty này là “húc đầu vào tường”.

Vậy mà ông Phong Trần chỉ với tư cách một người viết báo nghiệp dư vẫn lao vào cuộc chiến đấu không cân sức này.

Ông đã cùng với các nhà báo tại Huế và từ Hà Nội húc đổ bức tường và chiến đấu đến ngày ông giám đốc “điển hình” ấy lãnh án 20 năm tù. Không chỉ phanh phui vụ tham nhũng nghiêm trọng, mà ông và các nhà báo còn bảo vệ nữ kế toán trưởng của công ty đã dũng cảm tố cáo vụ việc.

“Kẻ gây rối”

Trong tủ của ông vẫn còn cẩn thận lưu trữ hồ sơ các vụ điều tra cùng với hàng trăm bài báo đăng trên hàng chục tờ báo cả nước.

Các bài báo chủ yếu viết hai chuyện: chống tiêu cực và bảo vệ người dân bị oan khiên với những cái tít nhức nhối: Nỗi băn khoăn về nạn hối lộ, Cảnh giác với những cuộc đối chứng không cân sức, Vụ án Đ.H.P. - nửa án còn lại dư luận đang đòi hỏi....

Cứ như thế, ông đã có mặt trong đội ngũ các nhà báo chống tiêu cực ở Huế suốt hơn 30 năm qua dù chẳng có thẻ nhà báo, không một tờ giấy giới thiệu hay bất kỳ một thứ gì để bảo vệ mình.

Hành trang của ông là một cái xắc cốt bộ đội Cụ Hồ, một cuốn sổ tay, một chiếc xe đạp và một trái tim nhiệt huyết với nghề báo.

Ông nói rằng không hề run sợ dù mỗi lần đụng độ là có lời đe dọa vì tính cách ông vốn đã kiên cường từ nhỏ, lại được tôi luyện qua bao nhiêu năm chiến trường.

“Nếu run sợ thì mình chẳng làm việc này. Mình chỉ có một nỗi lo mà thôi, lo rằng bài báo của mình không đạt kết quả gì, tiêu cực chìm xuồng và kẻ phạm tội cứ nhởn nhơ”.

Không chỉ chiến đấu bằng những bài báo, cựu chiến binh Phong Trần còn chiến đấu bằng những bài thơ trào phúng với giọng đả kích vỗ mặt quan tham.

“Không chi khó chịu cho bằng / Phải “thưa đồng chí” với thằng tham ô”. Bài thơ Đồng chí này đã đăng trên mục Xả Xú Páp của báo Lao Động và cũng gây xôn xao ở Huế một thời. Đồng thời, ông cũng bị gọi là “kẻ gây rối”.

Chỗ kêu cứu của dân oan

Một ngày mùa hè năm 2003, xóm chợ Đồn không hiểu chuyện gì xảy ra khi hàng chục người dân mặt mày đầy bức xúc kéo nhau đến chật cả nhà ông Phong Trần.

Họ là những hộ dân ở đường Bà Triệu, TP Huế bị giải tỏa để xây dựng trung tâm thể thao. Họ kêu oan vì giá đền bù quá thấp, trong khi khu tái định cư là những ruộng lúa ở ngoại ô, thật khó cho việc kiếm sống.

Điều đáng nói là họ không đến cơ quan công quyền, cũng chưa đến các tòa soạn báo, mà trông cậy vào “nhà báo nhân dân” Phong Trần trước hết.

Ông ngồi suốt buổi lắng nghe, ghi chép, giải thích, hướng dẫn... với một chồng sách báo về pháp luật trên bàn. Và cứ thế ông vừa làm công việc của một phóng viên, vừa như luật sư của dân oan, miệt mài đòi quyền lợi đến khi vụ việc kết thúc.

Một số hộ dân bị thiệt thòi nặng nhất đã được chính quyền xem xét và đền bù thỏa đáng.

Khuôn mặt ông rạng rỡ khi nói về những vụ cứu dân oan thành công. Ông điểm cho tôi nghe: vụ đường Bà Triệu, vụ đòi nhà cho ông Hoàng Viếng, vụ đòi đền bù cho cựu chiến binh Nguyễn Thanh Chương... Nhiều lắm, vài chục vụ, ông không thể nhớ hết được.

Trong đó có vụ giám đốc một công ty vật tư của Nhà nước bị truy tố sai, ông đã viết bảy bài đăng trên các báo và sau đó tòa phúc thẩm đã tuyên án đúng với sai phạm của bị can.

Trong thư gửi Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế hôm tháng 3-2017, ông viết: “Tôi được sinh ra để cứu người nên tôi vào nghề với ngành y, khi về hưu tham gia ngành báo chí. Từ cứu người bị thương bị bệnh đến cứu người mắc phải hàm oan, tôi hoàn toàn vô tư bởi tôi thương họ mắc phải hoạn nạn, càng chạy theo khiếu kiện càng khổ cực”.

Không chỉ vậy, ông còn cứu cả những đồng đội cựu chiến binh bị oan sai và cứu cả những nhà báo gặp nạn. Đó là trường hợp nhà báo N.X.L., người đã cùng ông viết nhiều bài báo chống tiêu cực.

Bài báo “Công bằng trên báo chí” đăng trên tạp chí Người Làm Báo tháng 8-1990 đã giúp nhà báo N.X.L. lấy lại công bằng.

“Đã đày vào kiếp phong trần”

Phong Trần là Trần Quốc Phong - tên thật của ông, nhưng cái bút danh này còn liên quan đến câu thơ trong Truyện Kiều mà ông bói được: “Đã đày vào kiếp phong trần / Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”. Ông nói câu thơ vận đúng với đời mình.

Năm 19 tuổi, ông bị giặc Pháp bắt bỏ tù do cha ông đang là trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân - một đơn vị Việt Minh nổi tiếng ở chiến trường Thừa Thiên.

Giặc Pháp thả ra thì ông thoát ly lên rừng gia nhập Vệ quốc quân. Ông chiến đấu khắp các chiến trường Bình - Trị - Thiên, trung và hạ Lào, đông bắc Campuchia, Tây Nguyên, Quảng Trị đến ngày về hưu non.

Hôm đầu năm 2017, ông đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ ở Huế thăm chúng tôi và báo tin: “Mình quyết định gác bút nghỉ ngơi. Già rồi, sợ viết lách không còn chính xác, không giúp gì được mà làm khổ bà con”.

Vậy mà cách đây mấy hôm gặp lại, ông nói vẫn không nghỉ được. Các hộ dân ở cầu An Lỗ (huyện Phong Điền) lại chạy vô cầu cứu ông viết bài giúp họ kêu oan.

Trong khi đó, vụ kêu cứu của ông Nguyễn Sinh (ở 62 Nguyễn Huệ, Huế) mà ông đã viết báo kêu oan cho họ từ năm 1993 đến nay vẫn chưa dứt.

Trên bàn ông vẫn tràn ngập đơn thư khiếu nại. Ông cười lạc quan và nói: “Thì cứ làm để khi nằm xuống được nhẹ lòng mà đi”.

Truyện Kiều còn có một câu: “Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Ông đã chấp nhận xông pha với kiếp phong trần để đấu tranh cho công bằng xã hội, bênh vực người yếu thế.

Vì lẽ đó, người dân luôn dành cho ông muôn phần thanh cao trong trái tim của họ, thưa “nhà báo nhân dân” Phong Trần!

Những bài báo chống tiêu cực của nhà báo Phong Trần từ 30 năm trước Ảnh: CÔNG TRIỆU
Những bài báo chống tiêu cực của nhà báo Phong Trần từ 30 năm trước Ảnh: CÔNG TRIỆU

Trong những vụ đấu tranh chống tiêu cực, ông luôn có mặt cùng chúng tôi. Ông không chỉ cung cấp đề tài, tư liệu mà còn là nguồn hứng khởi giúp chúng tôi xông vào các điểm nóng tiêu cực.

Có hai đức tính của ông Phong Trần khiến tôi kính trọng và học tập nhất, đó là sự trong sáng, bất vụ lợi và sự bền bỉ đấu tranh.

Ông kiên nhẫn giúp người dân, viết bài không đăng được thì ông viết thư gửi trực tiếp các vị lãnh đạo, tìm mọi cách để gặp các vị đó nhằm giải thích, thuyết phục, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác đến khi nào sự việc có kết quả mới thôi.

Nhà báo BÙI NGỌC QUỲNH (nguyên trưởng phòng chuyên đề VTV Huế)

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên