15/08/2019 14:34 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Giàu lo bộ trưởng Bộ GTVT khó giữ lời hứa

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Dẫn đôi câu thơ trên một ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ (“Ví dầu cao tốc miền Tây/ Xây đi xây lại xây hoài không xong”), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lo lời hứa “thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận năm 2020” khó thành hiện thực.

Ông Nguyễn Văn Giàu lo bộ trưởng Bộ GTVT khó giữ lời hứa - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-8.

Công việc bề bộn, có làm được không?

Về khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể với thời điểm tuyến cao tốc TP.HCM -Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ từ nay đến cuối năm 2020 thông tuyến, năm 2021 đưa vào khai thác theo đúng kết luận của Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự băn khoăn. "Thời gian còn rất ngắn, trong khi công việc bề bộn, thì liệu tiến độ có đạt được như mục tiêu hay không?" - ông chất vấn.

Giải đáp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thống đốc NHNN đã hứa với Thủ tướng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại bằng mọi giải pháp sẽ cung cấp vốn để xong được đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đến cuối năm 2020. "Chúng tôi với trách nhiệm của mình, nỗ lực thông tuyến đường sớm nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Thể hứa.

Tuy nhiên, với đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ thì ông Thể cũng lo lắng, bởi cần được bổ sung nguồn vốn khoảng 932 tỉ thì phương án tài chính mới khả thi, Thủ tướng đã nhất trí bổ sung số tiền này nhưng đến nay chưa có quyết định chính thức. Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, ông Thể cho biết đã được Quốc hội bố trí 5.100 tỉ, hiện bộ đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, quý 1 năm 2020 sẽ khởi công.

Ông Nguyễn Văn Giàu lo bộ trưởng Bộ GTVT khó giữ lời hứa - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể - Ảnh: Quochoi.vn

Không triển khai thu phí không dừng thì phải dừng thu phí

"Vừa qua Thủ tướng và Bộ GTVT chỉ đạo rất nhiều về vấn đề thu phí không dừng. Chính phủ đặt ra quyết tâm đến 31-12 năm nay sẽ hoàn thành toàn tuyến với 44 trạm và 620 làn. Nhưng hôm qua bộ trưởng làm việc với Tổng cục Đường bộ thì đến nay mới triển khai 29 trạm với 161 làn, bằng 26%, vậy có thực hiện được mục tiêu đặt ra không?" - ông Giàu chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Thể nêu lại chỉ đạo của Thủ tướng là đến hết 31-12, tất cả các trạm đều phải áp dụng. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư BOT. Tư vấn đã có sẵn, việc còn lại tùy thuộc sự sẵn sàng của chủ đầu tư trong việc thực hiện, phối hợp.

Nhưng bộ trưởng lại lo ngại với trường hợp của Tổng công ty Đường cao tốc VN, đơn vị 100% vốn Nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Ông nói: "Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng nhưng tiến độ hiện nay chậm. Bộ đã gửi văn bản đến Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để báo cáo tình hình. Nếu không cải thiện, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư. Đến ngày 31-12 sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm phu thí nếu không thu phí tự động không dừng. Bộ kiểm tra tiến độ hằng tháng để nhà đầu tư không thể nói là bị bất ngờ. Nhà đầu tư chây ỳ thì phải chấp nhận".

Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Giàu bày tỏ: "Bộ trưởng quyết tâm là tốt nhưng phải lường hết vấn đề, việc không thu rồi tiếp tục thu là vấn đề rất lớn. Thứ hai nữa khi thực hiện điện tử với người sử dụng dịch vụ này thì triển khai phải được thực hiện thống nhất. Hiện có mấy triệu đầu xe nên đây là việc rất lớn, có tác động xã hội".

"Về đường cao tốc, tôi đọc một câu châm biếm trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật phát hành ngày 11-8 vừa qua mà tôi đau lòng: "Ví dầu cao tốc miền Tây/ Xây đi xây lại, xây hoài không xong". Thực sự rất buồn. Nhưng thấy quyết tâm của bộ trưởng, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng tôi mừng lắm, tuy nhiên tôi nhắc lại câu này vì nó thấm vào nhiều người" - ông Giàu nói.

Ông Nguyễn Văn Giàu lo bộ trưởng Bộ GTVT khó giữ lời hứa - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: Quochoi.vn

Tại sao người lao động VN đi nước ngoài phải trả phí cao?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đặt vấn đề: tại sao lao động VN đi lao động nước ngoài phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước khác trong khối ASEAN?

Trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trước tình trạng người lao động tự ý phá bỏ hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc gây thiệt hại cho người sử dụng lao động và làm mất ổn định thị trường lao động của nước đối tác, làm giảm uy tín của lao động VN?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết năm 2017 Việt Nam có khoảng 127.000 người, năm 2018 có khoảng 143.000 người đi lao động tại nước ngoài, thị trường ngày càng mở rộng. Sở dĩ chi phí của người lao động VN đi nước ngoài hiện còn cao hơn một số nước là vì ở các nước thì doanh nghiệp chỉ đưa người lao động đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm, trong khi với VN các doanh nghiệp còn phải quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra tại nước đối tác.

Đối với tình trạng lao động VN phá vỡ hợp đồng, tự ý bỏ ra ngoài làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc và trách nhiệm có từ cả hai phía. Năm 2016 được đánh giá là năm có tỉ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%, đến nay con số này còn 33% và nước đối tác cho rằng đây là tỉ lệ chấp nhận được.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ‘Sẽ sửa chữa toàn diện mặt cầu Thăng Long’

TTO - Chiều 12-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cùng các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra cầu Thăng Long (Hà Nội) để họp bàn phương án sửa chữa toàn diện mặt cầu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên