07/11/2013 08:00 GMT+7

Ông Nguyễn Thanh Chấn chưa được khẳng định vô tội

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội “giết người” để điều tra, xét xử lại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

sbe3UgNE.jpgPhóng to
Vẻ mệt mỏi của ông Nguyễn Thanh Chấn khi nghe kết quả phiên tòa tái thẩm - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đó là quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tại phiên tòa tái thẩm ngày 6-11 theo kháng nghị của Viện KSND tối cao. Với kết quả này, ông Nguyễn Thanh Chấn chưa được coi là vô tội...

Phiên tái thẩm diễn ra dưới sự chủ tọa của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và có sự tham dự của Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát đã trình bày quan điểm của Viện KSND tối cao và căn cứ kháng nghị tái thẩm.

Điều tra, truy tố, xét xử có nhiều sai sót

Trong kháng nghị tái thẩm, viện trưởng Viện KSND tối cao đã nêu rõ đây là vụ án bắt người trong trường hợp không phạm tội quả tang, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với ông Nguyễn Thanh Chấn có nhiều sai sót.

Về công tác khám nghiệm hiện trường, hiện trường vụ án có nhiều dấu chân dưới nền nhà, dấu vết tay có máu trên cửa, trên thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên công tắc điện... Những dấu vết này không được thu thập đầy đủ và giám định khoa học để đánh giá, kết luận, xác định hành vi phạm tội, người phạm tội. Bản án sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ vào kết quả so sánh xác định kích thước dấu chân của ông Nguyễn Thanh Chấn “gần đúng” với kích thước dấu chân thu được ở hiện trường và lấy đó làm chứng cứ quy kết ông Chấn có mặt ở hiện trường là không có cơ sở khoa học. Tại hiện trường có thu một lưỡi dao nhọn được coi là hung khí gây án nhưng phần chuôi dao thì cơ quan điều tra không thu giữ được. Việc cho ông Chấn nhận dạng hung khí không đảm bảo khách quan theo quy định. Chứng cứ ngoại phạm của ông Chấn cũng không được làm rõ.

Bản án phúc thẩm nhận định ông Chấn dư thừa thời gian làm những việc bất minh khác là không có cơ sở thực tế. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ các lời khai nhận tội của ông Chấn từ 28-9 đến 29-9-2003, bản tự khai, tường trình, các bản cung... để quy kết ông Chấn đã có hành vi giết chị Nguyễn Thị H. là chưa đủ cơ sở. Tại các biên bản ghi lời khai ban đầu (thời điểm chưa có quyết định khởi tố bị can), tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và sau khi xét xử phúc thẩm đến nay ông Chấn đều không nhận tội, kêu oan và khai rằng những lời nhận tội trước đây do bị ép cung, được điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, được luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra.

Ngoài ra, những tài sản như nhẫn vàng, tiền... của chị Nguyễn Thị H. bị mất sau khi chị bị giết không được làm rõ trong quá trình điều tra là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Với những tình tiết trên, viện trưởng Viện KSND tối cao thấy rằng tòa án các cấp kết án ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người là chưa đủ căn cứ.

Ngoài ra, vụ án này còn có những tình tiết mới khi Cục điều tra Viện KSND tối cao tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) và tiến hành điều tra đã xác định nghi can Lý Nguyễn Chung (25 tuổi, trú tại Đắk Lắk) là người giết chị Nguyễn Thị H.. Ngày 25-10-2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị H. để cướp tài sản là hai nhẫn vàng và 59.000 đồng.

Ông Chấn tố cáo bị bức cung, nhục hình

Không phải cho đến khi được tạm đình chỉ chấp hành bản án chung thân, ông Nguyễn Thanh Chấn mới có đơn kêu oan, tố cáo các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình với ông, mà ông Chấn đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp ngay từ những ngày đầu bị bắt tạm giam cho đến khi chấp hành án tại trại giam Vĩnh Quang.

Trong lá đơn gửi đến chánh án TAND tối cao viết ngày 22-12-2006, ông Chấn đã nêu rõ bị đánh đập.

“... Tôi đến bị cán bộ Nguyễn Hữu T. ép buộc bắt tôi phải nhận, tra hỏi và đánh tôi rất đau, đã lấy dép đánh vào hai tai của tôi và còn nói mày phải nhận, mày không nhận trưa nay cho mày uống thuốc lú... rồi cán bộ L. bắt tôi vẽ dao cả đêm, vì tôi không biết vẽ dao gì lại đe dọa là đập cho mày cái búa vào đầu”. Trong lá đơn này, ông Chấn cũng trình bày việc bị đe dọa đánh đập, bị ép buộc không cho ngủ đêm từ ngày 20 đến 28-9-2003. Ông Chấn trình bày “do sợ hãi hoảng loạn bị tra tấn đánh đập nên tôi đã phải nhận và làm những gì mà cán bộ công an bắt tôi phải làm theo mà thực tế không phải như vậy”.

Tại lá đơn gửi Văn phòng Chính phủ ngày 15-12-2005, ông Chấn cũng trình bày rõ ràng việc bị ép cung và bị những điều tra viên nào ép cung. Ông Chấn viết “...Các cán bộ Nguyễn Văn D., Ngô Đình D., Đào Văn B., Nguyễn Trung T., Trần Nhật L. thay nhau túc trực tôi suốt ngày, đêm này sang đêm khác không cho tôi về và không cho ngủ, dọa nạt ép buộc tôi thế này thế nọ... Như cán bộ Ngô Đình D. bắt tôi bảo để chuôi dao ở đâu...”. Thậm chí, ông Chấn còn trình bày rõ việc bị mớm cung: “Cán bộ Ngô Đình D. đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28-9-2003”.

Về việc thực nghiệm hiện trường, ông Chấn trình bày các điều tra viên đã hướng dẫn ông các động tác đâm. “Rất nhiều lần cho tập đi tập lại cùng với một người tù giả làm cô H. và đến ngày 30-10-2003 mới cho thực nghiệm để chụp lại ảnh ghi hình của tôi. Họ hướng dẫn tôi như tập kịch để phù hợp với ý chí của họ. Để kết tội oan cho tôi”. Mặc dù đã có nhiều đơn kêu oan, tố cáo việc bị mớm cung, ép cung, dùng nhục hình nhưng những lá đơn này của ông Nguyễn Thanh Chấn đều chưa được xem xét. Chỉ đến khi nghi can Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì vụ án mới bước sang một bước ngoặt mới.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên