Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 kết thúc vào tối 25-11, nhưng dư âm vẫn còn vọng trong giới nghệ sĩ.
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải Tác giả kịch bản xuất sắc cho phim hoạt hình Cây ổi thiên đường (đạo diễn: NSND Phạm Ngọc Tuấn).
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động gai người
Trưa 28-11, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, khi kết quả Liên hoan phim lần thứ 23 được công bố, nhiều người nhắn tin chúc mừng ông.
"Tôi vô cùng ngạc nhiên: Mình có viết kịch bản hoạt hình đâu sao giờ lại có tên mình", ông kể.
Sau đó, ông Thiều gọi cho đạo diễn Trần Trung Dũng - trưởng phòng nghệ thuật Cục Điện ảnh - để tìm hiểu.
Ông cũng nhớ tới tác giả Đàm Thùy Dương (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) - người từng xin phép nhà văn chuyển thể truyện ngắn Xứ sở cây ổi còng thành phim hoạt hình và gọi điện xác minh.
"Tôi đâu có chuyển thể. Nhầm lẫn rồi", ông nói.
Bà Dương xác quyết giải thưởng mang tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều là chính xác.
"Cả kịch bản, cháu chỉ thay thế mỗi đứa trẻ bằng mỗi con chim. Còn lại, từng chi tiết cháu giữ nguyên trong truyện ngắn, cháu không thể đứng tên cháu được", ông Thiều kể lại cuộc trò chuyện.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói ông "xúc động đến gai người". Bởi lẽ, trong thời buổi mà người ta luôn lãng quên tác giả thơ trong những bài hát, tác giả văn trong những bộ phim, những vở kịch và nhiều hình thức khác vi phạm bản quyền tác giả văn học, thì có một biên kịch trẻ này lại hành động "rất văn minh và văn hóa".
Theo chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ban giám khảo liên hoan phim mang đến cho ông một giải thưởng; nhưng Đàm Thùy Dương lại mang đến cho ông một món quà vô giá và hiếm hoi của đời sống lúc này.
Tác giả Nguyễn Quang Thiều gọi món quà đó có tên là "nhân cách sống". Với ông, "giải thưởng này thuộc về Đàm Thùy Dương theo mọi nghĩa".
Viết cho thiếu nhi giống như một nghi lễ của văn chương
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về giải thưởng Tác giả kịch bản xuất sắc, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng đó là một điều bất ngờ lẫn thú vị.
Xứ sở cây ổi còng là truyện ngắn nhà văn viết về chính tuổi ấu thơ của ông.
Đồng thời đó là một câu chuyện mang tính cảnh báo cho một thế giới bạo lực sinh ra từ lòng tham lam, ích kỷ, mất công bằng trong mỗi đứa trẻ.
"Nếu người lớn không quan sát, quan tâm các em, những mầm mống đó sớm muộn cũng tạo thành một đứa trẻ phi nhân tính, phi nhân văn trong nay mai", ông nói.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn nào viết cho thiếu nhi cũng đều đặt trong một trách nhiệm rất khác biệt, vì họ đang muốn cất lên một thông điệp quan trọng nào đó cho trẻ thơ qua trang viết của họ.
"Nếu nhà văn không đủ trong sáng, đẹp đẽ, yêu thương, cảm xúc, điều đó có thể thất bại, thậm chí phá sản trong việc truyền cảm hứng qua tác phẩm của họ", ông nói.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng viết cho trẻ thơ là "một thách thức rất lớn", bởi điều đó giống như một "nghi lễ của văn chương".
Khi viết cho thiếu nhi, nhà văn dâng ngập lên tình yêu với trẻ thơ lớn nhất, đồng thời họ cũng được trở về với quá khứ tuổi thơ của họ.
Ông nói: "Nhà văn cũng được sống trong một thế giới trong sáng, trí tưởng tượng phi thường nhất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận