Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xin rút giải nhưng cho rằng mình đã không dũng cảm bảo vệ tác phẩm của mình - Ảnh: Facebook nhân vật
Như vậy, sẽ chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên nhận giải thưởng Hiệp sĩ Dế mèn - giải thưởng cao nhất của cuộc thi do báo Thể thao - Văn hóa tổ chức cho tác phẩm Làm bạn với bầu trời, thay vì có cả tác giả Nguyễn Quang Thiều.
Ông Nguyễn Quang Thiều được trao giải Hiệp sĩ Dế mèn cho tác phẩm Chuyện của anh em nhà Mem và Kya do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2020.
Bài viết thông tin về việc từ chối giải thưởng của ông Thiều nhanh chóng nhận được nhiều tương tác, rất nhiều lời tán dương cho "một nhà văn có nhân cách".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về quyết định "lạ lùng" xin rút giải thưởng dù rất thích giải thưởng này, ông Thiều giải thích là do ông ở trong ban giám khảo. Cuộc thi này không có quy định thành viên ban giám khảo không được dự thi, nhưng ông vẫn từ chối giải thưởng để tránh những dị nghị có thể khiến cho giải thưởng Dế mèn lần đầu tổ chức sẽ không được trọn vẹn.
Ngay từ khi biết cuốn sách của mình được ban sơ khảo đề cử, ông đã xin rút. Nhưng ban giám khảo và ban tổ chức vẫn quyết định tiếp tục đưa cuốn sách đó vào xét giải. Cuốn sách nhận được 6/7 phiếu của hội đồng chung khảo (một người không bỏ phiếu cho tác phẩm chính là nhà văn Nguyễn Quang Thiều).
Sau khi có kết quả chính thức, ông Thiều cho biết mình rất vui bởi đây là cuốn sách ông viết cho những đứa trẻ, lại viết về cháu nội và cháu ngoại của ông.
Nhưng ông Thiều đã xin rút giải thưởng vì "mình ngồi trong ban giám khảo mình không nên nhận giải".
Theo ông Thiều, trên thế giới thành viên ban giám khảo được trao giải thưởng là chuyện bình thường ở những cuộc thi không quy định thành viên ban giáo khảo không được dự thi, và kết quả đó ít khi bị dị nghị.
"Nhưng ở Việt Nam thì rất khác, vì đã có một vài giải thưởng gặp phải nhiều tai tiếng, dư luận không tốt do thành viên ban giáo khảo lại được trao giải, thậm chí chủ khảo lại trao giải cao nhất cho mình", ông Thiều nói.
Lo ngại hiện thực rằng ở Việt Nam, nếu thành viên ban giáo khảo được trao giải thì dư luận sẽ chĩa mũi nhọn vào thông tin giám khảo tự trao giải cho mình, cho là có tiêu cực, bất công chứ ít người dành thời gian tìm hiểu tác phẩm đó để đánh giá trên tác phẩm, ông Thiều dù tự nhận mình xứng đáng với giải thưởng cũng đã không tự bỏ phiếu cho mình và đến khi có giải thưởng thì từ chối nhận giải.
"Vẫn biết không có giải thưởng nào trọn vẹn cả nhưng tôi muốn việc mình từ chối nhận giải thưởng sẽ giúp cho sự không trọn vẹn của cuộc thi tôi rất thích này sẽ bớt đi. Tôi từ chối giải thưởng nhưng cuốn sách đã có được giải thưởng cao nhất khi nó ở trong lòng bạn đọc", ông Thiều nói.
Tác phẩm Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của ông Nguyễn Quang Thiều được trao giải Hiệp sĩ Dế mèn nhưng ông đã từ chối - Ảnh: Facebook nhân vật
Rút giải thưởng và nhận được sự tán dương lớn từ đồng nghiệp và dư luận, nhưng ông Thiều cũng hi vọng các giải thưởng văn chương, nghệ thuật khác sẽ có cách tổ chức làm sao để tôn vinh được những tác phẩm xứng đáng thật sự, dù trao giải cho thành viên ban giám khảo thì cũng không có những dư luận không hay.
Ông Thiều thú nhận bản thân ông thấy cuốn sách có những giá trị nhất định với những đứa trẻ này "xứng đáng được một giải nào đó của giải thưởng Dế mèn", ông muốn bỏ phiếu cho tác phẩm của mình nhưng ông đã không bỏ phiếu.
Điều này khiến ông tự "trừ điểm" chính mình vì đã không dũng cảm và tự tin bảo vệ tác phẩm của mình.
"Người Việt Nam thường hay e ngại việc tự bỏ phiếu cho mình, và tôi vẫn chỉ là một người Việt Nam. Nhưng tôi mong rằng xã hội sẽ có những người khác tôi, dám bảo vệ tác phẩm của mình", ông Thiều nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận