Các bị cáo tại tòa sáng 27-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thừa nhận việc ký văn bản cho Công ty Bắc Nam 79 - công ty bình phong của Bộ Công an thuê đất số 15 Thi Sách là sai với quy định và xin nhận trách nhiệm với tư cách người có trách nhiệm cao nhất trong vụ án, tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Tín xin HĐXX và VKS xem xét cáo buộc là người chủ mưu.
Xin xem xét vai trò chủ mưu
Theo ông Tín, khi tiếp nhận văn bản của các bộ cũng như ý kiến đề xuất của cơ quan chức năng, ông nhận thức đây là việc làm hỗ trợ ngành công an, giúp triển khai công tác an ninh tình báo trên toàn quốc cũng như trên địa bàn TP.HCM.
"Khi đọc tờ trình tôi biết các bộ đã thống nhất với nhau từ trước và đã chỉ đạo với các cơ quan trực thuộc của mình như Công ty phim Giải Phóng, Công ty Bắc Nam 79. Ở đây quyền sử dụng đất vẫn thuộc quyền sở hữu nhà nước, có chăng chỉ chuyển từ cơ quan nhà nước này sang cơ quan nhà khác và phục vụ nhiệm vụ an ninh tình báo. Tôi và các đồng nghiệp không có động cơ tư lợi nào" - ông Tín nói.
Ông Tín cho biết các văn bản của Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL cùng Công ty Phim Giải Phóng, Công ty Bắc Nam 79 ký văn bản với nhau dựa trên sự xác nhận của hai Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL và diễn ra trước khi ông Tín xem xét công văn 3702 của Bộ Công an gửi UBND TP.
Khi được hỏi việc nếu Công ty phim Giải Phóng và Công ty Bắc Nam 79 (là công ty bình phong của Bộ Công an) đã ký văn bản với nhau trước đó thì nếu đem bán đấu giá nhà đất số 15 Thi Sách có làm lộ bí mật nhà nước không, ông Tín nói trong bối cảnh đó ông nhận thức đó là nhiệm vụ an ninh chính trị, có nhiều tài liệu mật không thể nói ra mà VKS cũng có.
Ông Tín thừa nhận hành vi nhưng xin HĐXX xét xét vai trò của mình bởi khi nhận được văn bản của các bộ, ông không được các bộ trao đổi, không hề có ý kiến chỉ đạo gì ngoài việc chuyển để cấp dưới thực hiện theo quy định.
"Tôi không hề muốn đổ lỗi cho ai, kể cả cơ quan trung ương nhưng xin xem xét cho tôi vai trò chủ mưu" - ông Tín nói.
Luật sư cũng đặt câu hỏi cho đại diện Sở Tài chính. Theo đó, Sở Tài chính xác nhận là ủy viên thường trực của Ban chỉ đạo 09. Trong cuộc họp tại Sở TN-MT, Sở Tài chính được Sở TN-MT mời đi họp và tham gia với tư cách thường trực Ban chỉ đạo 09.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có được ai báo cáo lại về sự khác biệt giữa công văn 48 và dự thảo công văn này không, ông Tín cho rằng không được báo cáo.
Ông Nguyễn Hữu Tín tại tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trả lời VKS, ông Nguyễn Hữu Tín còn cho biết quá trình điều hành công việc có những văn bản quy phạm pháp luật có thể có những nội dung chưa rõ, chưa phù hợp với nhau giữa các văn bản. Bị cáo không thể nói rõ hết tình tiết những chuyện này.
TP đã nhiều lần kiến nghị với trung ương điều chỉnh hệ thống pháp luật cho tương xứng. Có những văn bản yêu cầu, chỉ đạo phải tạo điều kiện, hỗ trợ nhưng đối chiếu quy phạm pháp luật thì có những cái không phù hợp. Cái này trên thực tiễn có, và trong trường hợp 15 Thi Sách cũng có vấn đề này.
Từ đó, đại điện VKS cũng đặt ra câu hỏi: "Các văn bản đó có được phép trái với pháp luật không, cụ thể trong lĩnh vực đất đai có phải tuân thủ Luật đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực cao nhất về đất đai không?".
"Cáo buộc không chính xác"
Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đào Anh Kiệt, nguyên giám đốc Sở TN-MT, cho rằng chính kiến của Sở TN-MT thể hiện trong công văn số 48 còn dự thảo kèm theo công văn này chỉ mang tính chấp nháp hộ công việc của UBND TP. Và đến bây giờ ông vẫn cảm thấy bị oan ức.
Tương tự, bị cáo Trương Văn Út, phó trưởng Phòng quản lý đất, Sở TN-MT, cho rằng mình là người tham mưu cho ông Kiệt ký công văn 48, tuy nhiên công văn này không có nội dung nào chấp thuận cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất 15 Thi Sách theo hình thức chỉ định.
Bị cáo Nguyễn Văn Chương, nguyên trưởng Phòng đô thị Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết khi nhận được công văn 3702 của Bộ Công an, trên văn bản này có bút phê của bị cáo Tín và bút phê chuyển xử lý của bị cáo Lê Văn Thanh nên bị cáo chỉ soạn văn bản theo nghiệp vụ của chuyên viên.
Bị cáo không có bất cứ hành vi nào liên quan đến việc tham mưu ký quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất 50 năm cũng như trong việc chuyển quyền sử dụng đất. Cáo trạng quy buộc bị cáo về hai hành vi này là không chính xác.
Bị cáo Lê Văn Thanh, nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết mỗi ngày bị cáo phải ký duyệt trình cấp có thẩm quyền hơn 200 hồ sơ, ngoài ra còn phục vụ cho công việc họp hành của cấp trên.
Bị cáo Thanh cho rằng chức năng của văn phòng là tham mưu về thể thức như thể thức văn bản, đánh máy lại và trình cho UBND TP. Văn phòng UBND TP không phải là cơ quan cấp trên của sở ngành, quận.
Phiên tòa bắt đầu tranh luận chiều nay, 27-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận