Trước đó như Tuổi Trẻ Online đưa tin, một số vận động viên môn cử tạ, thể hình của một số địa phương được xác định có mẫu kiểm tra lần 1 nghi dương tính với chất cấm (doping) khi tham dự Đại hội thể thao toàn quốc 2022.
Vận động viên nghi dùng doping chưa nhận được yêu cầu giải trình
Số vận động viên nghi dương tính với doping được biết khá lớn và thực sự gây sốc với thể thao Việt Nam, khi SEA Games 32 đã cận kề. Dù vậy, ngày 13-4 Tổng cục Thể dục thể thao vẫn chưa có bất cứ phát ngôn gì về sự việc nghiêm trọng này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo sở văn hóa và thể thao một địa phương nói: "Ngày 12-4, chúng tôi nhận được văn bản của Trung tâm doping và y học thể thao (trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao) cho biết một số vận động viên của địa phương tôi nghi sử dụng doping. Trong mẫu kiểm tra doping của các vận động viên này tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022 có chứa thành phần của một số chất bị cấm.
Dù vậy chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức từ Tổng cục Thể dục thể thao về việc này, cũng như yêu cầu giải trình nếu có. Trong vai trò đơn vị quản lý địa phương, sau khi nhận được thông báo từ Trung tâm doping, chúng tôi vẫn phải yêu cầu các vận động viên nghi sử dụng doping giải trình sự việc. Rất may các vận động viên này không có trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32".
Trước đó tại SEA Games 31, có 5 vận động viên đội tuyển điền kinh Việt Nam có mẫu kiểm tra dương tính với doping và đang chờ phán quyết.
Trước thềm SEA Games 31, 6 vận động viên thể hình cũng dương tính với doping trong cuộc kiểm tra nội bộ để thành lập đội tuyển dự đại hội. Hiện án phạt cho nhóm vận động viên này vẫn chưa được đưa ra.
Cần ngăn chặn thay vì tránh né
Ông Nguyễn Hồng Minh - phó chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam, nguyên trưởng Đoàn thể thao Việt Nam - cho biết liên đoàn chưa nhận được thông báo chính thức của tổng cục về việc vận động viên cử tạ, thể hình nghi dương tính với doping tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022.
Ông Minh chia sẻ: "Năm 2000, cựu chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Juan Antonio Samaranch đã phát biểu rằng: Doping sẽ là vấn nạn, là thứ cản trở sự phát triển của thể thao thế giới thế kỷ 21.
Không thể triệt tiêu doping khỏi đời sống thể thao, nhưng chúng ta phải có thái độ kiên quyết, rõ ràng và tìm cách ngăn chặn nó một cách triệt để. Việc này giúp bảo vệ vận động viên, bảo vệ sức khỏe, cuộc đời họ, bảo vệ danh dự của môn thể thao, nền thể thao quốc gia".
Ông Minh dẫn chứng, sau khi dự SEA Games 31 tại Việt Nam vào tháng 5-2022, kình ngư số 1 Singapore là Joseph Schooling bị Ủy ban Thể thao quốc gia Singapore thông tin về việc anh đã sử dụng cần sa khi tham dự đại hội.
Sau đó, Singapore đã có điều tra cặn kẽ và Schooling đã lên tiếng thừa nhận sự việc. Singapore đã rất nhanh chóng minh bạch thông tin, ngăn chặn nguy cơ xấu của sự việc làm ảnh hưởng đến thể thao Singapore. Chính vận động viên này cũng đã lên tiếng xin lỗi về sai lầm của mình.
Vậy nhưng với hàng chục vận động viên của thể thao Việt Nam bị phát hiện dương tính với doping trước, trong SEA Games 31 từ tháng 5-2022 đến nay, chưa có bất cứ thông tin nào được minh bạch dưới dạng này.
Ông Nguyễn Hồng Minh nói: "Tôi cho rằng cần công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến doping của vận động viên, thay vì né tránh hoặc có thái độ không quản được thì cấm. Khi công khai rồi, phải tìm giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát, ngăn chặn doping.
Với những môn thể thao có nguy cơ dùng doping cao như thể hình, cử tạ, chạy đường dài, bơi dài, đua thuyền..., cần kiểm tra doping thường xuyên ngay trong quá trình tập luyện. Nếu vận động viên thiếu hiểu biết, có suy nghĩ lệch lạc cần điều chỉnh, ngăn chặn ngay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận