17/02/2015 21:15 GMT+7

Ông Nguyễn Bá Thanh: “Nhạc trưởng” của những cây cầu

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Khi được Sở VH-TT&DL Đà Nẵng mời xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch thành phố, ông Guillaume Van Grinsven, chuyên gia của Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hà Lan (PUM), đã chỉ ngay rằng: “Những cây cầu”. 

Đoàn khách trên tàu Hòa Bình chở nạn nhân bom nguyên tử Nhật bản chụp ảnh lưu niệm với  sinh viên tình nguyện VN trên cầu Rồng, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ông Guillaume Van Grinsven: “Đà Nẵng đã có những cây cầu có kiến trúc đẹp và lạ. Đây là tiền đề để “xây dựng” thêm những phịp cầu của văn hóa và hội nhập”.

Ngay sau đó ông Guillaume Van Grinsven bắt tay vào xây dựng cho Đà Nẵng đề án thương hiệu du lịch “người xây những cây cầu” (People who built bridges) vào cuối năm 2013.

Đề án của ông Guillaume Van Grinsven cho rằng cây cầu không đơn thuần là giao thông mà còn nối văn hóa giữa con người với con người, cây cầu của hội nhập - tri thức.

Ông Guillaume Van Grinsven cũng như người dân Đà Nẵng đều biết rằng những cây cầu mang kiến trúc lạ và đẹp bắc qua sông Hàn đều ít nhiều mang dấu ấn bàn tay ông Nguyễn Bá Thanh. Chính ông Bá Thanh là người quyết liệt ủng hộ việc xây những cây cầu.

Còn nhớ vào đợt tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà ngày 28-4-2014, khi ấy ông Thanh đã nhận chức Trưởng ban Nội chính Trung ương. Khi cử tri chất vấn chuyện TP Đà Nẵng dự định xây cầu đi bộ tốn kém, không mang lại hiệu quả, hơn nữa trước giờ người dân không có thói quen đi bộ.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã nói rằng: “Hồi trước khi xây dựng cầu Sông Hàn tui cũng bị phản ứng thế đó, thậm chí có người còn bảo lãnh đạo thành phố tư duy nhà quê. Có ông lại bảo xây cầu rồi thì còn đâu hình ảnh người phụ nữ dáng liễu liêu xiêu chèo đò… Nhưng khi xây xong rồi thấy cũng được thì không ông nào ý kiến gì nữa!”.

Rồi ông Thanh tâm sự: “Tui đi qua bên Hàn Quốc thấy riêng con sông Hàn bên đó đã có hơn 30 cái cầu. Còn thành phố mình giải phóng hơn 30 năm mà chỉ có cái cầu Nguyễn Văn Trỗi được Hoa Kỳ xây để chuyển vũ khí đánh đất nước mình. Bà con phải hiểu việc xây cầu đi bộ là để đưa du lịch thành phố phát triển chứ không đơn thuần là dùng để đi bộ.

Có thể mấy anh lãnh đạo thành phố đưa ra ý tưởng xây dựng cầu đi bộ ban đầu nghe không hợp tình, nhưng người dân cũng cần phải lắng nghe, nắm cặn kẽ thông tin đa chiều trước khi góp ý về vấn đề này. Thành phố có hai miếng đất được Bộ Quốc Phòng giao lại để phát triển kinh tế, giờ mình đem miếng đất đó ra đổi cây cầu đi bộ.

Mình tổ chức đấu thầu công khai, ông mô đủ năng lực thì làm. Có cầu khách đến nườm nượp, không chỉ đưa du lịch về đêm của thành phố phát triển mà còn kết nối được khách du lịch giữa TP Hội An và Đà Nẵng nhờ khơi thông sông Cổ Cò”.

Trong suốt thời gian ông Thanh làm lãnh đạo, Đà Nẵng có rất nhiều cây cầu ra đời, trong đó có 4 cây cầu mang đậm dấu ấn kiến trúc bắc qua sông Hàn gồm: cầu Sông Hàn (cầu quay duy nhất ở nước ta); cầu Thuận Phước (cầu treo dây võng dài nhất nước); cầu Trần Thị Lý (cầu tháp nghiêng có thang máy tham quan), cầu Rồng (có kiến trúc và thiết kế lạ).

Ông Thanh đi rồi nhưng dấu ấn của ông sẽ mãi ở lại với những cây cầu trên sông. Như lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến dành tặng: "Rồi một hôm từ đâu đó có một con người. Cùng bạn xưa về gánh vác non sông. Rồi một hôm từ đâu đó có một cây cầu. Xóa bóng tối nối đôi bờ buồn vui”. (Vật đổi sao dời).

 

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên