Theo báo Washington Post, suốt vài tuần qua, Chính phủ Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn dắt liên tục đưa ra nhiều quan điểm mâu thuẫn nhau về điều khoản ngừng bắn ở Dải Gaza.
Điều này khiến ông Netanyahu bị nghi ngờ về mức độ thành thật đối với quyết tâm hướng đến thỏa thuận trên.
Những phát ngôn gây bối rối
Công khai trên các phương tiện truyền thông, ông Nentanyahu khẳng định sẽ không rút lực lượng quân sự đang đồn trú tại Hành lang Philadelphia (dải đất dài 14km, rộng vài trăm mét ngăn cách giữa Gaza và Ai Cập), điều vốn là một trong những yêu sách quan trọng của Phong trào Hồi giáo Hamas.
Mới đây, hôm 2-9, ông Netanyahu kiên quyết mô tả sự hiện diện quân sự của Israel ở hành lang trên là "yếu tố chiến lược chủ chốt".
Đến ngày 4-9, thủ tướng Israel tiếp tục khẳng định việc duy trì kiểm soát tại khu vực biên giới của Gaza là cần thiết. Ông cho rằng đây từ lâu là nơi được Hamas dùng để nhận vũ khí, trang thiết bị từ các thế lực đồng minh. Còn đóng quân ở đây thì Tel Aviv còn giữ được sức ép quân sự lên tổ chức này.
Tuy nhiên, theo một số quan chức trung gian đàm phán, các đại diện của Tel Aviv lại chủ động đề xuất rút quân trên bàn thảo luận, mâu thuẫn trực tiếp với những phát ngôn của ông Netanyahu.
Hôm 2-9, ông David Barnea - giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad - đã nói với Mỹ, Ai Cập và Qatar rằng Tel Aviv sẵn lòng rút một nửa binh sĩ đóng quân tại Hành lang Philadelphia trong giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn. Số còn lại sẽ rời khu vực biên giới Gaza - Ai Cập trong giai đoạn hai.
Nhiều nhà phân tích cùng nhận định ông Barnea sẽ chỉ đưa ra đề xuất như thế khi được sự cho phép của ông Netanyahu. Do đó, những quan điểm trái ngược của thủ tướng Israel như trên khiến những người tham gia đàm phán không khỏi bỡ ngỡ.
Một quan chức hiểu rõ về quá trình đàm phán ngừng bắn khẳng định thủ tướng Israel đang cố tình gửi đi những thông điệp khác nhau với nội bộ các bên đàm phán và công chúng Israel.
"Điều này đã diễn ra một thời gian. Nó khiến ông Barnea khá bối rối", vị này nhận định.
Vấn đề sống còn với sự nghiệp
Thực tế, ông Netanyahu đã không ít lần "nói một đằng, làm một nẻo".
Bà Dahlia Scheindlin - chuyên gia tư vấn tranh cử tại Tel Aviv - nhấn mạnh việc thủ tướng Israel luôn khẳng định sẽ làm hết sức để đưa những con tin bị Hamas bắt giữ về nhà. Ngược lại, nhiều nhà đàm phán nước ngoài lại nhận định ông Netanyahu đang cố tình cản trở việc đi đến thỏa thuận.
Tuy nhiên, bà Scheindlin vẫn đánh giá những phát ngôn của ông Netanyahu về vấn đề đàm phán có phần khác thường. Bà nhận định chúng "là ví dụ cực đoan nhất về những thông tin trái ngược nhau được đưa ra về quyết định của ông Netanyahu".
Ông Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, phỏng đoán những chia sẻ ngày 2-9 thực chất nhằm trấn an liên minh cánh hữu của ông Netanyahu rằng chính phủ sẽ không nhân nhượng với Hamas, nhất là sau vụ phát hiện sáu thi thể con tin người Israel gần đây.
Với một người đang đối diện sức ép chính trị cực lớn như ông Netanyahu, điều này cực kỳ quan trọng. Một mặt, công chúng Israel đang rất sốt ruột trước lời hứa hồi hương con tin của ông và viễn cảnh hòa bình lập lại.
Một bộ phận không nhỏ trong đó đã bày tỏ sự phẫn nộ khi thấy tiến trình đàm phán không có tiến triển.
Mặt khác, liên minh cánh hữu do ông Netanyahu đứng đầu lại đang nắm đằng chuôi.
Nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong liên minh này không muốn nhân nhượng với Hamas và có thể sẽ lật đổ chính phủ đương nhiệm nếu Tel Aviv ký kết một thỏa thuận không được lòng họ.
Nếu viễn cảnh trên xảy ra, ông Netanyahu có thể sẽ phải chấm dứt sự nghiệp chính trị và đẩy ông vào vòng lao lý với nhiều cáo buộc tham nhũng đợi sẵn.
Do đó các nhà phân tích nhận định thủ tướng Israel đang chọn đi "nước đôi" để câu giờ và tạm xuôi lòng hai bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận