"Các cam kết quốc tế của chúng ta đã bị đình chỉ. Giờ đây không có cam kết nào trong số đó có thể ngăn cản chúng ta đặt vũ khí ở bất cứ nơi nào chúng ta muốn để bảo vệ lợi ích quốc gia, kể cả phần lãnh thổ của Nga nằm ở châu Âu", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh trên kênh Telegram ngày 16-5.
Ông Medvedev, người từng là tổng thống Nga, đang nhắc đến CEF. Hạ viện Nga trước đó cùng ngày đã thông qua luật rút khỏi CEF theo đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin.
Các chính trị gia Nga ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này. Ông Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, khẳng định việc bãi ước sẽ giúp củng cố an ninh quốc gia. Trong khi đó, ông Andrey Kartapolov - chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng Hạ viện - gọi đây là tín hiệu cho thấy Nga không còn tin vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nữa.
CEF được ký vào năm 1990 giữa 16 nước NATO và 6 thành viên khối Warsaw. Sau khi Liên Xô tan rã, khối Warsaw cũng chấm dứt sứ mệnh lịch sử.
CEF được điều chỉnh vào năm 1997. NATO không phê chuẩn phiên bản điều chỉnh, mà tiếp tục tuân thủ các điều khoản của năm 1990.
Hiệp ước này giới hạn số xe tăng, lựu pháo, máy bay chiến đấu và trực thăng mỗi bên. Mục tiêu là ngăn chặn các cuộc tấn công chớp nhoáng quy mô lớn.
CEF khác với các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga với Mỹ. Matxcơva đã đình chỉ tất cả các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Washington từ tháng 2.
Với CEF, Nga tuyên bố ngừng thực hiện các điều khoản từ năm 2007, viện dẫn sự không tuân thủ của NATO. Đến năm 2015, Nga đình chỉ tham gia các cuộc họp của nhóm tư vấn chung CEF.
Từ thời điểm đó đến nay, về mặt lý thuyết, Nga vẫn là một bên ký kết CEF. Động thái của Hạ viện sẽ mở đường cho Matxcơva rút hoàn toàn, theo Hãng thông tấn Tass.
Nga sẽ tăng sản xuất vũ khí
Theo ông Medvedev, rút khỏi CEF sẽ cho phép Nga tăng tốc sản xuất vũ khí. Cựu tổng thống Nga không nói rõ sẽ ưu tiên loại vũ khí nào. Các tập đoàn quốc phòng Nga trước đó đã được lệnh sản xuất vũ khí nhanh nhất, nhiều nhất để phục vụ cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Theo giới quan sát, phát ngôn "đặt vũ khí ở bất kỳ đâu" của ông Medvedev cũng có thể đang ám chỉ Kaliningrad.
Tỉnh này có diện tích hơn 15.000km2, nằm tách biệt với lãnh thổ chính của Nga. Bao quanh Kaliningrad là các nước NATO. Hiện NATO chưa bình luận gì về các động thái của Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận