Với thời hạn chót 1-6 mà Bộ Tài chính hối thúc đang đến gần, các bên khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán để thống nhất về các biện pháp nâng mức trần nợ công 31.400 tỉ USD của Mỹ hiện nay.
Phía Cộng hòa gây áp lực buộc Nhà Trắng phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang mà ông Biden coi là "cực đoan". Trong khi đó, Tổng thống Biden muốn đẩy mạnh các loại thuế mới nhưng Đảng Cộng hòa không chấp nhận.
Sau cuộc họp ngày 22-5 giờ Mỹ (sáng 23-5 giờ Việt Nam), ông Biden nhận xét cuộc nói chuyện với Chủ tịch Hạ viện McCarthy có "hiệu quả".
"Chúng tôi nhất trí rằng tránh vỡ nợ là việc không cần bàn cãi. Cách duy nhất để tiến tới là hướng đến một thỏa thuận lưỡng đảng thiện chí", ông Biden nói về tầm nhìn chung của đôi bên.
McCarthy cũng xác nhận sau cuộc họp dài hơn một giờ rằng các nhà đàm phán "sẽ gặp nhau và làm việc xuyên đêm" để tìm ra tiếng nói chung.
"Đã có một cuộc thảo luận hữu ích, chưa đạt được thỏa thuận nào nhưng tôi tin chúng tôi có thể đi đến đó", ông McCarthy nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói thêm rằng ông muốn họp với Tổng thống Biden hằng ngày về vấn đề trần nợ công.
Tuy nhiên, ông vẫn bảo lưu quan điểm không thể đồng ý với kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của ông Biden bằng cách tăng thuế với người giàu và siết các kẽ hở về thuế với ngành dầu mỏ và dược.
Ông McCarthy tập trung vào việc cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách liên bang năm 2024.
Do Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện và Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện, các bên buộc phải đồng thuận cùng nhau, bởi bất kỳ thỏa thuận nào về nâng trần nợ công phải được lưỡng viện thông qua.
Nhưng trên bàn đàm phán, các bên phải cân nhắc những gì mình nhượng bộ dưới áp lực từ các nhóm khác nhau trong đảng của họ.
Việc không nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ kỹ thuật, qua đó làm rung chuyển thị trường tài chính và khiến lãi suất cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận