“Tôi chỉ có hai thứ là đam mê và hoài bão”
“Tôi lấy làm ngạc nhiên vì mình được lựa chọn giải thưởng này. Trong suốt công cuộc đổi mới, tôi nghĩ mình chỉ là một hạt cát nhỏ. Dù lớn dù nhỏ, việc mình làm luôn có người dõi theo và công nhận khiến tôi cảm thấy mình được trân trọng và rất vui”, ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.
Ông Lý Ngọc Minh - Tổng Giám Đốc công ty gốm sứ Minh Long I. Ảnh: Thảo Như |
Hiện tại sản phẩm gốm của Minh Long chinh phục được các thị trường khó tính ngoài nước như Pháp, Đức, Ý, các nước Đông Âu… và được đánh giá cao trong khu vực. Ông Minh đánh giá rằng "ngay tại thời điểm này gốm Minh Long không thua kém bất cứ sản phẩm gốm nào trên thế giới”.
“Đất nước Hà Lan nổi tiếng khắp thế giới với hình ảnh hoa hoa tulip. Ngành đồng hồ có thể chưa làm nên nền kinh tế của Thụy Sỹ nhưng đồng hồ Thụy Sỹ dường như là cụm từ quen thuộc trên thế giới. Nhắc đến Đức người ta nói đến các hãng xe hơi Mercedes, BMW… nhưng sản xuất xe hơi cũng không phải là đóng góp vào tăng trưởng chủ yếu, trong khi công nghiệp cơ khí mới là kinh tế mũi nhọn của Đức", ông Minh nói.
Theo ông Minh, Việt Nam có nhiều đặc sản nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, bưởi Năm Roi, Cà phê Buôn Mê Thuột…"nhưng để sản phẩm đạt đến biểu tượng quốc gia thì hình như là chưa có".
Ông Lý Minh Long là một trong 18 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Vinh quang VN - Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Ảnh CTV |
"Tôi đầu tư bài bản không vì tầm nhìn biểu tượng quốc gia này. Một cậu bé 16, 17 tuổi lao vào lập nghiệp với ngành gốm truyền thống đâu có nhìn được như thế. Tôi chỉ có duy nhất hai thứ từ ngày bắt đầu cho tới bây giờ là đam mê và hoài bão. Hoài bão của tôi là muốn mình làm được đồ sứ đẹp như các nước khác, còn đam mê như một nguồn năng lượng để thúc đẩy con thuyền đi tới bờ tới bến. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả các anh em thuộc những lĩnh vực khác nhau cũng đều mong muốn sản phẩm mình tạo ra sẽ là dấu đỏ địa lý của Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi làm gốm và tôi hết lòng với nghề gốm mà thôi”, ông Minh tâm sự.
Phải chú trọng công nghệ
Theo lời kể của ông Lý Ngọc Minh, Minh Long I cũng như cái doanh nghiệp khác, để đứng vững như ngày hôm nay, đều phải trải qua những khó khăn, thậm chí đứng trước lựa chọn một sống một còn.
“Đó là khi tôi quyết định đi theo con đường tự nghiên cứu và vận hành công nghệ mới mà chưa nước nào làm được. Khi giá thành đầu vào, năng lượng, lao động ngày một tăng, thiết bị nhập về phải khấu hao, cộng thêm chi phí trả vay ngân hàng, khiến giá thành sản phẩm cao và không bán được hàng, Minh Long trụ không nổi, đứng trước bờ vực đóng cửa bất đắc dĩ".
Bộ trà Thiên Hương xanh lá với các hoa văn thanh thoát, tinh tế, làm rung động mỗi tấm lòng khi thưởng lãm. ảnh: CTV |
Ông Minh kể rằng, vào thời điểm đó, phương án đổi mới công nghệ để giảm chi phí và hoàn thiện sản phẩm hơn chỉ có 30% thành công, "nhưng còn hơn không, tôi quyết định phải lựa chọn”.
Hơn mười năm không bỏ cuộc, Minh Long I đã thành công với công nghệ ”nung một lần” mà hầu như các hãng gốm lớn trên thế giới đều không hoàn thành vì thời gian cho nghiên cứu quá lâu và tranh cãi quá nhiều. “May mắn thay, vì tôi là ông chủ và may mắn nữa vì thời khắc sinh tử đấy buộc tôi phải chọn”, ông Minh nhớ lại.
Ngoài việc đưa công nghệ mới này vào sử dụng, hiện tại ông Minh cho biết thêm rằng công ty Minh Long I cũng đang nghiên cứu thêm công nghệ sản xuất mới sẽ đưa vào áp dụng cuối năm nay.
Bình Hoa Tứ Linh - Long Lân Qui Phụng (bên trái) và bình hoa Sen Vàng (bên phải) cao 50 cm là một trong nhiều sản phẩm tự hào của thương hiệu Minh Long I. ảnh CTV |
Trong con mắt của vị doanh nhân dày dạn kinh nghiệm này, nếu văn hóa và công nghệ là cái hồn thì trang thiết bị, nhà xưởng là cái xác, hai thứ này không tách ra được. Nếu không có cái vỏ tốt thì cái hồn khó mà giữ được. Phải xây dựng đầu tư trang thiết bị, ổn định mới đưa văn hóa và làm xuất hiện giá trị sản phẩm.
“Với tôi, thật sự cái vô hình quan trọng hơn cái hữu hình. Cái hữu hình có giới hạn mà cái vô hình không có giới hạn. Máy móc thiết bị có thể bị hư, nhà máy có thể cũ và bị sập, nhưng công nghệ thì sẽ không mất đi, không sử dụng được chỗ này thì dùng chỗ khác Đấy là lý do Minh Long I rất chú trọng yếu tố này, nhất là trong bối cảnh hiện nay," ông Minh nhận định.
Theo ông, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời của của trí tuệ nhân tạo. Theo đó, kinh tế các nước sẽ dần thay đổi, khi máy móc có thể thay thế con người gần như mọi chuyện, đòi hỏi người làm sản xuất phải luôn cập nhật để cải tiến và bắt kịp thời cuộc.
“Người ta nói tôi có tầm nhìn, chiều sâu và có chiền lược, biết đầu tư máy móc hiện đại, nhìn ra khó khăn của thời cuộc. Tôi không nghĩ vậy, ngoài hai thứ tôi đã nói là đam mê và hoài bão thì tôi còn có thêm một điều nữa là lòng kiên trì. Tôi xem đây là cuộc chơi không phải làm, nghĩa là không chạy theo sản lượng, doanh số hay lợi nhuận. Tôi là một tay chơi, vì thế tôi sẽ chăm chút, đầu tư, tìm cách để tạo ra sản phẩm tốt nhất, chinh phục khó khăn và chơi tới cùng. Chỉ có đam mê mới dành hết cuộc đời mình cho cuộc chơi này và không ai cản mình được hết.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận