11/10/2015 12:08 GMT+7

Ông lão mang nước đến mọi người

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA ([email protected])

TT - 12 năm qua, ông Bhagwati Agrawal, 70 tuổi, đã tìm ra giải pháp bền vững cho một trong những vùng khô hạn nhất của Ấn Độ, giúp hơn 10.000 người ở đây có nước sạch quanh năm.

Ông Bhagwati Agrawal chia sẻ nước cho mọi người ở Rajasthan,  Ấn Độ   - Ảnh: CNN
Ông Bhagwati Agrawal chia sẻ nước cho mọi người ở Rajasthan, Ấn Độ - Ảnh: CNN

Ở bang Rajasthan của ông Agrawal, thiếu nước là câu chuyện muôn thuở. Mỗi ngày phụ nữ, trẻ em phải cuốc bộ vài dặm đường lấy nước. Tình trạng khô hạn chưa bao giờ giảm mà chỉ ngày càng tăng.

Chưa kể tới hơn nửa lượng nước sinh hoạt ở Rajasthan không đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới vì hàm lượng fluoride và muối quá cao. Ở một số ngôi làng, các giếng khô cong, người dân phải phụ thuộc hoàn toàn nguồn nước từ các xe bồn chở tới.

12 năm qua, ông Bhagwati Agrawal đã chiến đấu không ngừng với cuộc khủng hoảng nước sạch tại quê nhà. Sau sự nghiệp thành công tại Mỹ, ông đã áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm có được để tìm ra giải pháp chống hạn lâu dài cho quê hương ông.

Tổ chức phi lợi nhuận của ông có tên Sustainable Innovations (Những đổi mới bền vững) đã xây dựng một hệ thống thu trữ nước mưa mà tới nay có thể cung cấp đủ nước cho nhu cầu sử dụng của hơn 10.000 người.

Ông Agrawal nói: “Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta chẳng bao giờ phải nghĩ về nước. Nhưng ở không ít nơi khác, nước lại là nỗi trăn trở suốt ngày đêm. Sứ mệnh của tôi là chấm dứt tình trạng thiếu nước, không chỉ ở Ấn Độ, mà là toàn cầu”.

Hệ thống thu trữ nước mưa được gọi là Aakash Ganga (tiếng Hindi có nghĩa là “Dòng sông từ trên trời”) là mạng lưới thu trữ nước mưa bao gồm các mái nhà, máng dẫn, ống nước và các bể chứa ngầm dưới đất.

Hệ thống này thu giữ toàn bộ nước mưa trong mùa mưa từ tháng 7 tới tháng 9 ở Rajasthan. Với cách đó, ông Agrawal đã giúp người dân trong sáu ngôi làng có đủ nước sạch, an toàn dùng suốt cả năm.

Ông Agrawal kể hồi đầu khi mới bắt tay làm, ông nhận ra việc thu trữ nước mưa không đơn giản chỉ là tích trữ. Điều quan trọng không kém là phân phối sao cho công bằng lượng nước đó tới mọi người.

Vậy là Aakash Ganga đã được thiết kế theo cách để toàn cộng đồng đều được dùng nước. Sau khi thu về nước mưa từ các mái nhà qua hệ thống máng dẫn và ống nước, một nửa số đó được chia cho các chủ gia đình, nửa còn lại đưa về các bể chứa chung. Các bể này được xây ngầm trong một khu đất do chính quyền cấp.

Nguồn nước ở các bể chung sẽ cung cấp cho những gia đình lợp mái tranh, không thể lấy nước mưa. Phần đất phía trên bể chứa chung dùng trồng hoa màu. Tiền bán hoa màu thu hoạch được dùng làm kinh phí bảo trì hệ thống thu trữ nước mưa.

Hiểu rất rõ hệ thống của mình sẽ chỉ hoạt động lâu dài khi có sự chung tay góp sức của cộng đồng, ông Agrawal đã tích hợp thêm các truyền thống văn hóa của người dân địa phương vào công việc.

Chẳng hạn Jalwa Puja là lễ bà mẹ cầu nguyện tại một cái giếng sau khi sinh con, ông Agrawal đã mời họ tới cầu nguyện tại bể chứa nước chung, tặng bánh kẹo và nhờ họ giúp bảo vệ nước không bị ô nhiễm.

Những người này tiếp tục truyền thông điệp đó đến những người xung quanh, chẳng mấy chốc ai cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nguồn nước chung.

Không những thế, tổ chức của ông Agrawal còn tăng cường các mối liên kết xã hội. Các bể chứa đều xây bằng bêtông và cần một thợ nề lo việc. Với cách khắc tên của người thợ nề hoặc tên người ông của họ lên mỗi bể chứa, người thợ nề tự ý thức tăng trách nhiệm với công việc và chủ động giảm bớt chi phí xây dựng.

Mục đích của ông Agrawal là ghi nhận càng nhiều càng tốt sự đóng góp của mọi người dân với công trình chung. Được như thế, người dân cảm nhận họ có quyền sở hữu trong đó và tự hào về nó.

Không còn cảnh cuốc bộ lấy nước ở xa hàng dặm đường, những phụ nữ trong làng có điều kiện làm việc hiệu quả hơn. Trẻ em, nhất là các bé gái, giờ đây có thể tới lớp. Người dân ít bị bệnh hơn và thậm chí, theo lời họ, đàn bò sữa trong các làng giờ cũng cho sữa nhiều gấp đôi thời gian trước.

Tất cả thành quả đó càng thôi thúc ông Agrawal. Ông nói: “Theo cách nhìn của tôi thì năm nay tôi đã 70 tuổi rồi. Có lẽ tôi chỉ còn khoảng 10 năm nữa để làm việc. Lúc này tôi giống như vận động viên chạy nước rút... Và tôi sẽ chạy nhanh nhất có thể để hoàn thành sứ mệnh của mình”.

 

D.KIM THOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên