Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Putin "rất vui mừng chấp nhận lời mời" của ông Kim Jong Un và cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới Bình Nhưỡng trong tháng 10.
Ông Putin khó sớm thăm Triều Tiên?
Trước đó trong ngày, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết ông Kim đã mời ông Putin tới thăm Triều Tiên vào thời điểm thích hợp.
Cả Triều Tiên lẫn Nga tới nay chưa đưa ra thông báo chi tiết nào về chuyến thăm nêu trên.
Một số nhà phân tích nhận định khó có khả năng ông Putin tới thăm Triều Tiên trong vài tháng tới, mặc dù giai đoạn tháng 10 là lúc ông có kế hoạch thăm Trung Quốc. Lãnh đạo Nga có thể tới Trung Quốc dự sự kiện về "Vành đai và Con đường", theo TASS.
Từ khi khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ông Putin hiếm khi ra nước ngoài. Thậm chí một vài ý kiến còn cho rằng lời mời của ông Kim lần này là cử chỉ ngoại giao thông thường.
Tuy nhiên, dẫu sao sự kiện ông Putin và ông Kim gặp nhau cũng đang được phương Tây theo sát. Mối quan hệ hai nước đã tiến triển tích cực trong thời gian qua. Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tặng nhau súng trường trong cuộc gặp ở Viễn Đông Nga, Điện Kremlin cho biết.
Phương Tây đang e ngại khả năng Triều Tiên cung cấp tên lửa và đạn dược cho Nga sử dụng ở Ukraine. Hiện Triều Tiên được biết đang có kho tên lửa và đạn dược lớn, lại phù hợp với hệ thống vũ khí của Nga.
Cả Triều Tiên và Nga trước đây từng bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Bình Nhưỡng bí mật gửi vũ khí cho Nga.
Sau ông Kim, ông Putin sẽ tiếp lãnh đạo Belarus
Ngày 14-9, Hãng thông tấn Belarus BelTA cho biết Tổng thống Alexander Lukashenko sẽ tới Nga và gặp gỡ Tổng thống Putin vào ngày 15-9.
Theo đó, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về tình hình quốc tế và khu vực, đàm phán các dự án phát triển kinh tế chung như công nghiệp, nông nghiệp… cũng như nhập khẩu.
Tại cuộc gặp trước đó vào ngày 23-6 ở St. Petersburg, ông Putin và ông Lukashenko đã trao đổi về hợp tác kinh tế, và bàn những vấn đề như chiến dịch của Nga ở Ukraine, các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ba Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận