"Vô tiền khoáng hậu", "nổi loạn", phản bội" là những từ khóa để nói về việc ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm ngày 3-10 (giờ Mỹ, rạng sáng 4-10 giờ Việt Nam). Điều này cũng đưa ông trở thành chủ tịch Hạ viện tại nhiệm ngắn nhất trong gần 150 năm qua.
Nhiều người nói chính sự thỏa hiệp của ông Kevin McCarthy và sự ham muốn quyền lực đã khiến ông phải trả giá. Họ viện dẫn sự nhượng bộ của ông khi liên tục thất bại trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện đầu năm nay.
Khi đó, vị nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang California đã đồng ý với yêu cầu bất kỳ hạ nghị sĩ nào cũng có thể khởi động quá trình bỏ phiếu bãi nhiệm ông.
Tính toán của phe Dân chủ
208 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ đã đứng cùng phe nhóm 8 nghị sĩ cực hữu Cộng hòa do ông Matt Gaetz dẫn dắt để loại bỏ ông Kevin McCarthy. Đó là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi có sự thỏa hiệp giữa hai đảng tại Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc.
Việc đó nói lên điều gì?
Thứ nhất, Đảng Dân chủ không ưa ông Kevin McCarthy và đó là điều xuyên suốt kể từ cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện vào tháng 1 năm nay.
Thứ hai, đồng ý đứng cùng ông Matt Gaetz không có nghĩa họ ủng hộ hoàn toàn nhân vật cực hữu này.
8 người hạ bệ ông McCarthy chỉ là một phần nhỏ trong số 221 đảng viên Đảng Cộng hòa phục vụ tại Hạ viện. Nhưng họ đại diện cho một phe phái rộng lớn và có ảnh hưởng trong Đảng Cộng hòa đương thời.
Đó là một phe ủng hộ các nhà lập pháp sẵn sàng đối đầu với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ mà không quan tâm đến hậu quả.
Các nghị sĩ Dân chủ có lẽ hiểu rõ điều đó và đã thấy viễn cảnh bất kỳ ai được đưa lên không làm hài lòng nhóm này đều có thể bị hạ bệ như ông Kevin McCarthy.
Rõ ràng vị nghị sĩ California đã mở ra "chiếc hộp Pandora" với lời hứa nguy hiểm đã được đưa vào một trong các nguyên tắc hoạt động của Hạ viện.
Trang The Atlantic từng cảnh báo về điều này: Thỏa thuận với ma quỷ là chết người, nhưng trên đồi Capitol đó là cách để sống sót. Có điều nhiệm kỳ của ông Kevin McCarthy chỉ "sống" được 269 ngày.
Phe Dân chủ có lẽ đã tin rằng việc hạ bệ ông Kevin McCarthy sẽ khoét sâu thêm chia rẽ trong nội bộ Cộng hòa. Đó là điều có lợi cho phe Dân chủ ngay trước các cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2024, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống, bầu lại toàn bộ ghế Hạ viện và 1/3 ghế Thượng viện Mỹ.
Loại bỏ lời hứa nguy hiểm của ông Kevin McCarthy?
Hiện bất kỳ nhà lập pháp Cộng hòa nào muốn ngồi vào chiếc ghế ông Kevin McCarthy để lại cũng phải nghĩ đến phản ứng của nhóm cực hữu cùng đảng. Và họ sẽ tìm cách thay đổi các nguyên tắc hoạt động của Hạ viện Mỹ một lần nữa để loại bỏ lời hứa của ông Kevin McCarthy.
Điều đó chắc chắn sẽ khiến phe cực hữu phản đối, dẫn đến nhiều cuộc điều đình ở hậu trường trong thời gian tới.
Việc có chủ tịch Hạ viện sớm hay muộn sẽ phụ thuộc vào kết quả của những thỏa thuận ở hậu trường tương tự.
Như vậy, câu hỏi đặt ra lúc này không phải ai muốn làm chủ tịch Hạ viện, mà là ai đủ sức thuyết phục được nhóm cực hữu?
Giả sử có một người tập hợp đủ tất cả phiếu ủng hộ của các hạ nghị sĩ Cộng hòa, người đó sẽ có 221 phiếu, nhiều hơn 3 phiếu theo quy định và không cần phe Dân chủ ủng hộ để trở thành tân chủ tịch Hạ viện.
Với Đảng Cộng hòa, cuộc "nổi loạn" ngày 3-10 cho thấy đảng này vẫn chưa "thu phục" được nhóm nhỏ cực hữu.
Khả năng có một nghị sĩ Dân chủ trở thành chủ tịch Hạ viện vào thời điểm hiện tại gần như bằng không, khi phe Cộng hòa đang chiếm đa số tại cơ quan lập pháp này.
Với nước Mỹ, nó mở ra một giai đoạn mông lung mới. Nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa vẫn treo lơ lửng khi Quốc hội chỉ mới thông qua ngân sách tạm thời 47 ngày.
Ngân sách mới sẽ liên quan đến hàng loạt vấn đề, từ chính sách biên giới đến cả cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Ngân sách tạm thời đã loại bỏ khoản dành cho viện trợ Ukraine để tránh việc Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Sẽ rất thú vị để theo dõi các diễn biến tiếp theo tại đồi Capitol. Không loại trừ một lần nữa phe Dân chủ lại đứng cùng phe Cộng hòa để loại bỏ nguy cơ một chủ tịch Hạ viện có thể bị bãi nhiệm một cách dễ dàng như vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận