Theo báo Khmer Times ngày 17-5, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen nhấn mạnh Campuchia duy trì quan hệ bền chặt với Việt Nam, đồng thời Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Do đó ông cho rằng không có cơ sở để xảy ra mâu thuẫn giữa ba nước.
Ông Hun Sen có thông điệp đặc biệt, kêu gọi bắt đầu xây kênh đào Phù Nam Techo - Nguồn: KHMER TIMES - FRESH NEWS
Ông Hun Sen đã có thông điệp đặc biệt liên quan dự án kênh đào Phù Nam Techo hôm 16-5.
Trước một số nghi ngại về việc con kênh này được dùng để di chuyển các tàu chiến cho Trung Quốc, ông Hun Sen khẳng định con kênh này "không thể tiếp nhận những con tàu như vậy".
Ông Hun Sen cũng đưa ra kêu gọi khẩn trương tiến hành xây dựng kênh đào Phù Nam Techo vì nền kinh tế quốc dân và chấm dứt dư luận liên quan đến kênh đào này.
Ông nhắc lại lập luận cho rằng kênh đào này sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Campuchia thông qua việc giảm chi phí vận chuyển, đóng vai trò là hệ thống thủy lợi cho phía tây nam nước này, giúp tăng sản lượng và nuôi cá của người dân, giảm lũ khi bị lũ lụt và đóng góp cho du lịch.
Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến dài 180km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia. Dự án này đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Campuchia cho biết mục đích của dự án là nhằm phục vụ giao thông đường thủy nội địa và kết nối đường thủy.
Dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay với kinh phí dự kiến khoảng 1,7 tỉ USD. Thời gian xây dựng khoảng 4 năm và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,6 triệu người sống dọc theo kênh và tạo ra nhiều lợi ích khác cho sự phát triển quốc gia.
Campuchia cần chia sẻ đầy đủ thông tin về kênh đào Phù Nam Techo
Ngày 9-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Campuchia phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ thông tin về kênh đào Phù Nam Techo, bởi những gì Việt Nam hiện có là chưa đủ để đánh giá tác động của dự án.
"Và vì vậy, như đã phát biểu vào ngày 5-5, chúng tôi mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong lưu vực sông Mekong, chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án, và đánh giá chi tiết các tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực vùng sông Mekong.
Đồng thời cũng có các biện pháp quản lý trung và dài hạn, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia ven sông, quản lý, xử lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận