12/06/2010 09:02 GMT+7

Ông Hoàng Kiều chịu mất 12 tỉ đồng tiền cọc mua đất

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Ngày 11-6, ông Lê Văn Nghĩa - chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) - cho biết khu du lịch biển Tân Thành và nhà hàng Hương Biển (ở xã Tân Thành) của Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang đã đóng cửa im ỉm khoảng một tuần nay.

* Ông Hoàng Kiều đóng cửa khu du lịch biển Tân Thành

“Ngay khi biết chuyện, chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh” - ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang, xác nhận Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang do ông Hoàng Kiều làm chủ vừa có văn bản thông báo với nội dung “tạm đóng cửa khu du lịch biển Tân Thành”, lý do kinh doanh không hiệu quả. Thời hạn đóng cửa không được công ty này đề cập. Theo ông Minh, việc khu du lịch biển Tân Thành đóng cửa đột ngột sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch của tỉnh.

BBAmcguO.jpgPhóng to
Cầu dẫn trên bãi biển Tân Thành được tỉnh đầu tư xây dựng - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Khu du lịch biển Tân Thành có đất rộng gần 22.000m2 được UBND tỉnh Tiền Giang cho thuê từ năm 1999 với giá... 2,16 triệu đồng/năm, riêng mặt biển trên 165.000m2 có giá thuê 52 triệu đồng/năm. Nhiều năm nay đã được UBND tỉnh miễn tiền thuê đất và tỉnh còn đầu tư xây dựng cầu dẫn hàng trăm mét ra biển để phục vụ du khách ngắm cảnh, dạo chơi.

Cũng trong ngày 11-6, luật sư Võ Tuấn Vĩnh Thụy - người đại diện ủy quyền của ông Nguyễn Văn Tư (ở xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho) trong vụ kiện đòi nợ công ty của ông Hoàng Kiều - cho biết tân tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang Nguyễn Minh Thành chính thức thông báo với phía nguyên đơn: “Ông Hoàng Kiều chấp nhận bỏ khoản tiền đặt cọc và xin hủy hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Tư”.

Theo đó, ông Hoàng Kiều đồng ý làm thủ tục chuyển nhượng trả lại 2,3ha đất đã ký hợp đồng mua của ông Tư vào năm 2009, đồng thời mất luôn khoản tiền đặt cọc hơn 12 tỉ đồng. Ông Hoàng Kiều cũng đặt vấn đề “xin” ông Tư thửa đất khoảng 200m2 đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải và trạm biến điện (hai công trình này đã bị đình chỉ do chưa có giấy phép xây dựng). Theo luật sư Thụy, nếu ông Hoàng Kiều chấp nhận bỏ luôn hai công trình đang xây trên đất ông Tư thì vụ kiện coi như kết thúc. Còn nếu ông này còn “vương vấn” hai công trình đó, chắc chắn sẽ phải nhờ tòa án giải quyết.

Cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang thiếu minh bạch

Một nguồn tin cho biết cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang vừa có báo cáo ban đầu về vụ cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang. Theo đó, báo cáo nhận định hội đồng định giá tài sản khách sạn Sông Tiền còn bỏ sót tài sản trị giá hơn 104 triệu đồng. Việc định giá được tiến hành vào thời điểm 30-12-2003, mãi đến tháng 2-2005 mới bán đấu giá cổ phần lần đầu nhưng không định giá lại là gây thất thoát tài sản nhà nước.

Báo cáo còn cho rằng có sự thiếu minh bạch trong lần bán Công ty Du lịch Tiền Giang lần thứ 2 (3-8-2006). Lần đó công ty bán ra 147.000 cổ phần với giá khởi điểm 45.100 đồng/cổ phần. Tuy nhiên chỉ có hai khách hàng tham gia đấu giá, ông Hoàng Kiều trúng đấu giá với giá 45.200 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm chỉ 100 đồng/cổ phần).

Đến ngày 10-3-2009, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tiếp tục bán ra 30% cổ phần nhà nước còn lại của công ty này và ông Hoàng Sammy Hùng (con ông Hoàng Kiều) trúng đấu giá. Đến nay gia đình ông Hoàng Kiều sở hữu 100% cổ phần của công ty. Theo báo cáo, việc cha con ông Hoàng Kiều (quốc tịch nước ngoài) sở hữu trên 30% cổ phần tại Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang là trái quy định của pháp luật.

Tin bài liên quan:

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên