25/08/2024 08:47 GMT+7

Ông Hoàng Đạo Cương: VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới

Nguồn lực đầu tư cho thể thao hạn chế, dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Trình độ của VĐV Việt Nam còn khoảng cách xa với thế giới. Đây là nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam trắng tay tại 2 kỳ Olympic.

Ông Hoàng Đạo Cương: VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới - Ảnh 1.

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh thất bại tại Olympic 2024 khi không nâng thành công mức tạ khởi điểm - Ảnh: REUTERS

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - với Tuổi Trẻ ngày 24-8 sau thất bại của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại Olympic Paris 2024.

Trước đó, đoàn TTVN tham dự Olympic 2024 với 16 VĐV tranh tài ở 11 môn thi. Kết quả, đoàn không giành được huy chương nào. Đứng vị trí số 1 ở SEA Games 2 kỳ liên tiếp nhưng lại xếp thứ 6 Đông Nam Á tại Asiad 2023, trắng tay tại Olympic 2024 là thực trạng đáng buồn của TTVN.

Thành tích đi xuống, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân

Ông Hoàng Đạo Cương: VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới - Ảnh 2.

Ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 * Xin ông đánh giá về kết quả của đoàn TTVN tại Olympic 2024?

- Sau mỗi kỳ SEA Games, Asiad, Olympic chúng tôi luôn đánh giá về thể thao thành tích cao nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, trên cơ sở bám sát tinh thần nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bộ đã kịp thời tham mưu với Quốc hội, Chính phủ, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phát triển toàn diện thể thao nước nhà. Khát vọng vươn cao ở đấu trường châu lục, thế giới.

Đối với các môn mũi nhọn đã được bộ, ngành thể thao đầu tư từ sớm, chuẩn bị tốt nhất trong điều kiện có thể. Ngay sau khi kết thúc Olympic 2020, bộ đã chỉ đạo Cục TDTT rà soát tổng thể. Đánh giá lực lượng, tăng cường các điều kiện đảm bảo tập luyện cho các đội tuyển chuẩn bị tham dự Olympic 2024.

Về cơ bản TTVN đã hoàn thành nhiệm vụ khi có 16 VĐV giành vé đến Olympic 2024. Tại Olympic Paris, thông số chuyên môn của hầu hết các VĐV được cải thiện. Trong đó, VĐV Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 2 lần vào chung kết môn bắn súng.

Dù vậy Olympic 2024 cũng để lại nhiều tiếc nuối. Xạ thủ Trịnh Thu Vinh 2 lần vào chung kết nhưng chưa có huy chương. VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh, trước đại hội, tập luyện và thi đấu rất ổn định, đã vượt qua tổng cử trên 300kg. Nhưng vào chung kết, VĐV bị sức ép tâm lý nên thành tích không được như mong đợi.

Nhìn tổng thể thành tích tại Olympic 2024 cho thấy TTVN chưa đạt được kết quả như mong muốn, thành tích của VĐV còn khoảng cách khá xa so với thế giới. Với vị thế dẫn đầu toàn đoàn trong 2 kỳ SEA Games liên tiếp, nhưng TTVN không có huy chương và xếp sau nhiều nền thể thao khu vực tại Olympic 2024.

Ông Hoàng Đạo Cương: VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới - Ảnh 3.

Nhà vô địch Asiad 19 Phạm Quang Huy không thể giành suất dự Olympic Paris 2024 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đây là kỳ Olympic thứ 2 TTVN không giành được huy chương. Kết quả này chưa đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ thể thao, nhân dân cả nước. Đây là điều mà những người làm công tác thể thao chúng tôi thấy rất trăn trở, cần phải nhìn nhận thẳng thắn, rút kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ hơn để phấn đấu có huy chương tại Olympic sau.

TTVN cần có các giải pháp trọng điểm, đột phá thì mới giải được bài toán Olympic. Cụ thể là: đầu tư cho cơ sở vật chất; mở rộng nguồn kinh phí đầu tư cho VĐV trọng điểm; phát triển thể thao học đường, thể thao quần chúng. 

* Kết quả tại Olympic 2024 phản ánh đúng thực trạng của TTVN hiện nay không?

- Đúng vậy. Olympic là đấu trường lớn, là nơi quy tụ các VĐV mạnh nhất của thế giới, trong đó các nền thể thao lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... họ có lực lượng VĐV trình độ vượt trội so với phần còn lại của thế giới. 

Bộ VH-TT&DL đã xác định đây là Olympic có cơ hội nhưng thách thức lớn. VĐV VN còn có khoảng cách so với ngưỡng thành tích có thể tranh chấp huy chương.

Kết quả tại Olympic Paris phần nào phản ánh thực trạng của TTVN. Có lực lượng VĐV đông đảo, nhưng trình độ nhìn chung chỉ ở cấp khu vực. Kế hoạch đầu tư trọng điểm cho Asiad, Olympic mặc dù đã được triển khai song chưa phát huy hiệu quả. 

Điều này cho thấy bất cập trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV trọng điểm, hạn chế trong chính sách đầu tư... Có rất nhiều điều cần phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về Olympic 2024 để có thể làm tốt hơn trong tương lai.

Ông Hoàng Đạo Cương: VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới - Ảnh 4.

Dù giành vé đến Olympic nhưng khoảng cách của VĐV số 1 Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng (bơi) với thế giới còn quá xa - Ảnh: NAM TRẦN

Tiếp tục... rút kinh nghiệm

* TTVN đứng đầu SEA Games 2 kỳ liên tiếp nhưng đứng thứ 6 Đông Nam Á ở Asiad 2023, Olympic 2024. Người hâm mộ lo lắng về đường hướng phát triển TTVN?

- Mỗi đại hội có vai trò, ý nghĩa riêng. Trong thời gian qua, TTVN đã làm tốt nhiệm vụ ở đấu trường SEA Games, đã tập trung cho Asiad, Olympic. Tuy nhiên trong điều kiện thực tế của đất nước hiện nay, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, song nguồn lực dành cho thể thao thành tích cao vẫn còn hạn chế.

Điều kiện cơ sở vật chất thể thao còn nhiều khó khăn, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong thể thao còn khoảng cách khá xa so với các nước trên thế giới. Dù có tập trung đầu tư cho Asiad, Olympic nhưng tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu. Điều này ngành thể thao cần phải rút kinh nghiệm.

* Gần 1 năm sau thất bại tại Asiad 19, chỉ đạo của bộ về việc hoạch định lại chiến lược, khắc phục yếu kém, đầu tư trọng điểm của TTVN đã được triển khai ra sao?

- Hội nghị "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" được tổ chức sau Asiad 2023, không những chỉ ra bất cập, yếu kém, đồng thời đề ra các giải pháp phát triển TTVN.

Sau gần 1 năm, bộ đã chỉ đạo Cục TDTT tập trung xây dựng "Đề án phát triển các môn thể thao chuẩn bị tham dự Olympic, Asiad đến năm 2030 và định hướng 2045". Bộ cũng đã chỉ đạo tập trung rà soát, chấn chỉnh công tác tập huấn; chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV; dinh dưỡng, y tế... với các đội tuyển.

Đầu tư cho Olympic là cả một quá trình, có những biện pháp có thể thực hiện ngay nhưng có những việc cần phải có thời gian mới có thể chuyển biến từ "lượng" thành "chất". Ngành thể thao phải hành động quyết liệt hơn nữa để biến nhận thức thành kết quả thực tiễn.

Ông Hoàng Đạo Cương: VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới - Ảnh 5.

Nguyễn Thị Oanh là VĐV điền kinh số 1 Việt Nam nhưng các nội dung cô tham dự chưa từng giành được vé đến Olympic vì quá khó - Ảnh: NAM TRẦN

VĐV thu nhập không đủ sống

* Chế độ đãi ngộ cho VĐV bất cập, VĐV vô địch Asiad, Olympic lên đội tuyển quốc gia cũng được nhận hơn 7 triệu đồng tiền lương/tháng, 320.000 đồng tiền ăn/ngày. Thời gian tới việc này có được tháo gỡ?

- Chế độ về tiền công, tiền ăn đối với VĐV hiện nay còn đồng đều, bất cập. Chưa có đãi ngộ xứng tầm đối với những tài năng đặc biệt của TTVN. Bộ đã có kế hoạch đánh giá lại các quy định này để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

* Giải pháp nào để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao, thay vì chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí từ Chính phủ?

- Để đào tạo lực lượng VĐV trọng điểm cho Asiad, Olympic cần có nguồn lực tương xứng mới có thể phát huy hiệu quả. Đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao ở nước ta phần lớn là từ ngân sách nhà nước. Việc huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này còn hạn chế. Để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Về nguồn lực từ ngân sách nhà nước, trong thời gian tới phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh phân bổ kinh phí cho hoạt động thể thao thành tích cao theo hướng trọng điểm. Tập trung nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất thể thao. Có kế hoạch phối hợp với ngành quân đội, công an, các địa phương để phân công nhiệm vụ đào tạo. Huy động nguồn lực tổng hợp, phát huy điều kiện, lợi thế của từng đơn vị trong đào tạo VĐV trọng điểm.

Về huy động nguồn lực xã hội, trước hết phải tập trung nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách mới nhằm mở rộng sự tham gia của xã hội trong phát triển thể thao thành tích cao. Phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Olympic Việt Nam, các liên đoàn thể thao, giảm gánh nặng từ ngân sách.

Động viên, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn tài trợ cho các tài năng thể thao. Tranh thủ các mối quan hệ hợp tác quốc tế để tăng cường chuyên gia, đưa VĐV đi tập huấn, đào tạo nước ngoài. Mở rộng cơ chế khuyến khích, thu hút tài năng thể thao là người Việt ở nước ngoài về tham gia thi đấu cho các đội tuyển quốc gia.

Ông Hoàng Đạo Cương: VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới - Ảnh 6.

Dù vào chung kết 2 nội dung nhưng xạ thủ Trịnh Thu Vinh chưa thể giành huy chương Olympic 2024 - Ảnh: Chụp màn hình

* 4 năm tới thể thao Việt Nam liệu có thể quay lại guồng có huy chương Olympic?

- Olympic Paris 2024 khép lại, TTVN không giành được huy chương nhưng đã nhìn thấy những tín hiệu khả quan ở một số môn như bắn súng, cử tạ (hạng cân nhỏ), quyền anh (nữ), bắn cung... Với quyết tâm, quyết liệt hành động, chúng tôi hy vọng Olympic Los Angeles 2028, TTVN sẽ có huy chương.

"VĐV Việt Nam còn khoảng cách với thế giới" - Ảnh 3.Thể thao Việt Nam: Không hoàn thành Chiến lược phát triển đến 2020, tầm nhìn 2030

Với thất bại liên tiếp tại Olympic Tokyo 2020, Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam không hoàn thành mục tiêu “Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030" mà Chính phủ đề ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên