Ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống lúa ST25, hai lần được vinh danh gạo ngon nhất thế giới - bày tỏ bức xúc về vấn đề này. Cứ mỗi khi gạo ST25 được xướng danh trên thế giới thì ở trong nước tình trạng làm giả, làm nhái thương hiệu càng nở rộ.
Ông Cua cho biết:
- Việc ba đội quản lý thị trường ra quân cùng lúc kiểm tra thành công sáu điểm vi phạm ở thị trường Hà Nội cho thấy quyết tâm rất cao của Tổng cục Quản lý thị trường. Trước đây chúng tôi cũng có phối hợp xử lý ở TP.HCM nhưng kết quả không đáng là bao.
Việc giả mạo gạo, lúa giống, giả mẫu gạo dự thi gạo ngon đã xuất hiện từ năm 2020, chỉ vài tháng sau khi gạo ST25 đoạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới và càng lúc càng rộng hơn tưởng chừng như không kiểm soát nổi.
Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì vấn nạn này. Chiến công của quản lý thị trường Hà Nội đã giúp chúng tôi lấy lại niềm tin và cũng cảnh báo với bọn làm hàng giả là chúng tôi không buông tay với vấn nạn qua sự phối hợp chặt chẽ để truy bắt chúng.
* Theo ông, việc một thương hiệu gạo đã được chứng nhận số 1 thế giới đang bị giả mạo dễ dàng ở Việt Nam ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt hay các cuộc thi quốc tế trong tương lai?
- Sau khi thương hiệu ST25 được vinh danh trên đấu trường gạo ngon thế giới thì "từ khóa" này đã được nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ độc quyền ở nhiều nước (Mỹ, Canada, Úc và cả Việt Nam).
Sau đó là cuộc đấu tranh pháp lý dai dẳng và đến tháng 12-2023 Gạo ông Cua đã được bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Vấn đề này đã được thế giới biết đến khá nhiều.
Các thông tin trên đều từng được đưa lên mạng và bên thắng cuộc sẽ được nhiều khách hàng biết đến. Tuy nhiên hành vi giả nhãn hiệu bao bì y như thật của sáu cơ sở bị phát hiện ngày 5-4-2024 lại nguy hiểm hơn nhiều, vì đó là hành vi cướp giật tài sản sở hữu trí tuệ của người được bảo hộ và là hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Bởi họ mua gạo trôi nổi về đóng gói nên không kiểm soát được xuất xứ cũng như chất lượng gạo mang nhãn hiệu Gạo ông Cua.
Tất nhiên vấn nạn gạo giả hay gạo không có nhãn hiệu chứng nhận đã làm sút giảm uy tín của gạo ST25 trên thị trường nước ngoài khá nhiều. Bởi đó là gạo chưa có chuẩn mực hàng hóa và chưa được bảo hộ nhãn hiệu.
Cho nên chất lượng biến động nhiều giữa các lần xuất hàng, nếu có một doanh nghiệp nào ở nước ngoài đăng ký nhãn hiệu và được bảo hộ thì doanh nghiệp mình càng không xuất gạo vào nước đó được.
Còn việc thi gạo lại là một chuyện giả mạo khác, đó là chuyện mượn cúp chụp hình rồi chú thích là đang nhận giải thưởng, rồi gửi về Việt Nam. Hành vi này là tự mình hại mình.
* Đã rất nhiều động thái ngăn chặn tình trạng giả thương hiệu, nhưng theo ông vì sao hiện tượng này vẫn cứ tiếp tục nhan nhản?
- Muốn truy bắt quân gian phải có kế hoạch tỉ mỉ. Ngày 5-4 quản lý thị trường Hà Nội ra quân đồng bộ nên mới bắt được cùng lúc sáu điểm. Bởi nếu chệch choạc thời gian họ sẽ xóa hiện trường, làm sao truy bắt.
Điều hết sức quan trọng là ai đặt in bao bì và bán cho người khác? Theo chúng tôi, chính cơ sở in cũng phạm pháp. Vì người đặt in không chứng minh được mình là chủ nhãn hiệu bao bì. Nên cần điều tra cho rõ vấn đề bao bì, mỗi cái túi ni lông đựng 5kg và mang nhãn hiệu Gạo ông Cua chỉ tốn có 3.000 đồng, ai cũng mua và đóng gạo được thì làm sao truy bắt? Thực ra còn rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ mua túi in sẵn về đóng gạo và bán thì lực lượng ở đâu truy bắt cho xuể!
TP.HCM cũng có trường hợp này. Họ chỉ đóng túi một ít làm mẫu, khi câu kéo được khách hàng thì đóng gạo nhanh, sau đó xóa hiện trường. Xử lý thật nặng cơ sở in giả túi gạo là "đập rắn giập đầu".
Bài học xây dựng thương hiệu từ gạo Thái
Cần xây dựng một cơ quan nhà nước để thực hiện việc đăng ký ở các nước có nhập khẩu gạo, nhằm được bảo hộ và thiết lập các quy chuẩn hàng hóa. Ở Thái Lan, quy chuẩn cơ bản là phải có độ thuần di truyền tối thiểu là 92%, doanh nghiệp nào muốn được Thái Lan cấp thương hiệu gạo thơm quốc gia Thái Lan phải có độ thuần gạo Thái Lan Mali trên 92%.
Sau đó là công tác hậu kiểm do thương vụ sứ quán ở nước ngoài mua gạo về, kiểm độ thuần và tùy mức vi phạm, hoặc không xử lý thì cũng tùy mức độ có thể là phạt treo giống tạm thời có thời hạn hoặc vĩnh viễn...
Thái Lan sau 25 năm thực hiện những thương hiệu quốc gia đã nâng mức gạo thơm quốc gia xuất khẩu lên 1,3 triệu tấn vào năm 2023. Họ cũng thống kê nâng được mức thu nhập của 4 triệu nông dân ở vùng đông bắc và phía bắc lên đáng kể. Còn 38 doanh nghiệp của họ được mang thương hiệu gạo quốc gia không cần lo đối phó hàng giả, chỉ cần chọn gạo thuần chủng quy chuẩn nhà nước đóng gói. Ai làm hàng giả nhãn hiệu gạo quốc gia thì có nhà nước xử lý.
Qua sự hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ, chúng tôi tự xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và được bảo hộ ở Việt Nam, Hong Kong, Trung Quốc, EU, Úc và oằn lưng chống đỡ nạn hàng nhái, hàng giả. Đó là một ý chí kiên cường nhưng nó làm cho sự phát triển gần như không thể. Cơ hội cho ngành gạo đặc trưng của Việt Nam, gạo ngon nhất thế giới, đã mở rộng cho chúng ta. Chúng tôi mong mỏi có sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận