14/04/2017 15:02 GMT+7

Ông giáo cả với cột mốc biên cương

HẠNH NGUYỄN
HẠNH NGUYỄN

TTO - Trời chiều chênh chếch nắng ở miền biên ải Vạt Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú, An Giang, ông A-Ly (người Chăm, giáo cả thánh đường Mukarromah, đạo Hồi) vai mang bình nước, tay chống gậy lầm lũi đi thăm cột mốc 246, mốc biên cương Việt Nam - Campuchia.

Giáo cả A-Ly (giữa) và những người Chăm bên cột mốc 246 gắn bó với cuộc sống đồng bào nhiều năm qua - Ảnh: H.NGUYỄN
Giáo cả A-Ly (giữa) và những người Chăm bên cột mốc 246 gắn bó với cuộc sống đồng bào nhiều năm qua - Ảnh: H.NGUYỄN

Đó là một thói quen của ông từ khi còn trẻ. Nay đã 64 tuổi, trông ông vẫn còn rất khỏe và vẫn hằng tuần đi thăm những cột mốc trong vùng, lau chùi bụi bặm, giữ cho cột mốc sạch đẹp, trang trọng.

Ông nói: “Khi cột mốc còn đứng vững nghĩa là dân xóm làng của chúng tôi, gia đình tôi được bình yên”.

Cần mẫn chăm sóc cột mốc

“Vùng này vốn là cứ địa cách mạng, là căn cứ của Tỉnh ủy thời kháng chiến. Bố tôi là ông Mách-Ta-Hia cũng là người tham gia cách mạng bảo vệ vùng đất này, phận làm con tôi cũng phải giữ gìn từng cột mốc, từng mảnh đất mà cha tôi đã bảo vệ” - ông A-Ly tâm sự.

Thường thì ông đi thăm cột mốc vào buổi sáng. Bận lắm mới đi buổi chiều. Mỗi cuối tuần, chị A-Si-Giá (37 tuổi, con gái ông A-Ly, đảng viên, đại biểu HĐND xã Khánh Bình) lại lo cơm nước cho cha lên đường thăm cột mốc.

Chị cho biết: không kể nắng mưa, tuần nào ông cũng đi như thế. Sau này đã già, nhiều khi bệnh tật không đi thăm cột mốc được, ông cứ ngóng chờ người dân đi ruộng về để hỏi “cái cột mốc bên đó như thế nào?”.

Mấy chục năm qua, vùng đất này ông rành từng sợi tơ kẽ tóc. Ông chỉ tay vào hàng me trước mặt: “Bên dưới hàng me là đường ranh giới, bên trái là cột mốc 246, bên phải là con mương Hội đồng phân chia giữa hai nước Việt Nam - Campuchia”.

Cột mốc 246 là một khối bêtông vững chãi, tuy được xây dựng từ lâu nhưng chữ vẫn còn rõ, đẹp, sắc sảo.

Ông Du-Số (53 tuổi, nhà sát đường biên giới) cho biết: “Giáo cả lo cột mốc lắm. Mỗi khi lên tới đây là ông lau chùi bốn mặt cột cho sạch sẽ, đi quanh coi cột có bị sứt mẻ chỗ nào không, có chữ nào bị mờ đi không. Ông dọn và phát quang cỏ cây mọc xung quanh”.

Xong xuôi hết ông giáo cả mới trở về. Tới làng, việc đầu tiên của ông là “khoe” với các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình tình hình cột mốc vừa thăm. Những người lính biên phòng ở đây coi ông như người thân, như đồng đội của mình.

Mỗi buổi lên giáo đường là dịp để ông A-Ly tuyên truyền cho bà con bảo vệ cột mốc, đường biên - Ảnh: H.NGUYỄN
Mỗi buổi lên giáo đường là dịp để ông A-Ly tuyên truyền cho bà con bảo vệ cột mốc, đường biên - Ảnh: H.NGUYỄN

Người bạn của dân, của lính

Gần nửa thế kỷ qua, cộng đồng người Chăm ở cả hai phía biên giới đã quen với những lời của ông giáo cả kính yêu của họ.

“Vì khi cột mốc còn đứng vững nghĩa là dân xóm làng của chúng tôi, gia đình tôi được bình yên trong vòng tay Tổ quốc. Theo như lời các anh lính biên phòng, biên giới là bức phên giậu thiêng liêng, mình làm giáo cả thì có trách nhiệm cùng con cháu bảo vệ, giữ gìn” - ông A-Ly nói.

Trên thánh đường, ông A-Ly kết hợp với cán bộ biên phòng tuyên truyền cho cộng đồng của mình phải luôn tuân thủ luật pháp: của mình thì phải giữ gìn, của người thì ta không lấn. Lời ông căn dặn giáo dân: “Bà con phải lo làm ăn sinh sống, nếu phát hiện ai làm việc xấu, vi phạm pháp luật phải gọi ngay lên gặp giáo cả”.

Ngoài ra, ông còn là một nhịp cầu giúp đồng bào sống ở hai bên biên giới đoàn kết, giúp đỡ nhau. Ở huyện Koh-Thom (Kandal, Campuchia), những người Chăm ở đây ai cũng rất tin tưởng, quý mến ông giáo cả, hệt người dân làng Vạt Lài.

Ông Ha-Ri-Gia (64 tuổi) cho biết: “Cũng nhờ giáo cả mà người dân ở vùng biên hai nước hiểu nhau hơn, sống với nhau rất chan hòa. Nếu người dân không nắm rõ luật pháp thì sẽ rất bất ổn, không thể làm ăn. Giáo cả thường dạy đất đai của ai nấy làm, không xâm phạm của nhau, không gây phiền lòng cho nhau”.

Còn với các chiến sĩ bộ đội Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, ông A-Ly thực sự là một người đồng đội mẫn cán, đáng tin cậy.

Thiếu tá Lê Việt Dũng, chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, cho biết giáo cả A-Ly là người đã có hàng chục năm tình nguyện gắn bó với đường biên, cột mốc, cùng bộ đội bảo vệ biên cương, ông là tấm gương để mọi người học tập.

“Ông A-Ly có nhận thức tốt về tư tưởng chính trị, tốt trong việc bảo vệ cột mốc biên cương, là cầu nối giúp biên phòng tuyên truyền pháp luật... Ở đây có xảy ra việc gì, dù là rất nhỏ, ông giáo luôn báo ngay cho biên phòng.

Chúng tôi nghĩ thế trận biên phòng được vững chắc cũng chính là dựa trên sức mạnh tổng hợp của toàn dân” - thiếu tá Lê Việt Dũng nói.

Ghi nhận những đóng góp của ông A-Ly

Với những việc làm của mình, đến nay giáo cả A-Ly đã được phong tặng gần 30 bằng khen, giấy khen các loại của các cấp từ xã, huyện, tỉnh và cả giấy khen của Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh An Giang.

Cùng với đó là hàng chục kỷ niệm chương: Vì chủ quyền an ninh biên giới, Vì sự nghiệp dân vận, Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc...

HẠNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên