07/07/2019 10:09 GMT+7

Ông già Lý Sơn tâm huyết với biển đảo

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Ông nói những lời mằn mặn về những cuộc đời cách trở biển bờ, những phận người quẩn quanh đảo Bé ngày nào giờ mở lòng ra trước sóng, sống một cuộc đời văn minh hơn trước nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách của những đứa con biển cả.

Ông già Lý Sơn tâm huyết với biển đảo - Ảnh 1.

Du khách chụp hình ở mỏm đá trầm tích nhờ cây cầu của cụ Hoàng - Ảnh: TRẦN MAI

Có thể nói cụ Hoàng là thủ lĩnh thực thụ của đảo Bé. Chính ông đã góp sức lớn cùng với chính quyền thúc đẩy ý thức bảo tồn trong người dân. Bây giờ cả đảo làm du lịch với rất nhiều mô hình khác nhau để phát triển kinh tế, việc đó cũng có công của ông cụ.

Bí thư Huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Viết Vy

Ông là Bùi Hoàng (84 tuổi, ở đảo Bé, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), cây phong ba của đảo, sau những đợt trở trời sức khỏe yếu hẳn đi nhưng tâm huyết với đảo, với chủ quyền Tổ quốc thì chưa bao giờ già nua ở trong ông.

"Mỗi người một ý tưởng"

Hôm nay trời yếu gió, ba chiếc canô từ đảo Lớn lao vù vù trên nền biển tiến về cầu cảng đảo Bé. 

Giống như mọi ngày, từ sáng sớm ông Hoàng bắt đầu quét dọn những chiếc lá phong ba, bàng vuông trước nhà, rồi cẩn trọng xem lại chiếc cầu nối từ đảo ra khối đá nham thạch trước nhà. 

Chừng 10 phút sau, những chiếc xe điện chở khách đến đảo Bé đã đứng chật kín trước nhà ông cụ.

Từng du khách bước lên chiếc cầu bé xinh ra mỏm khối đá trầm tích núi lửa, ngắm nhìn thích thú những con sóng xô nhau nổi bọt trắng xóa trên khối đá. 

Cụ Hoàng bắt đầu... đếm tiền. Mỗi du khách lên cầu ra bãi đá phải tốn 5.000 đồng. Thế nhưng chẳng ai tiếc tiền bỏ qua cơ hội bước lên đó.

"Tôi ghi rõ mỗi người bước lên cầu phải đưa tôi 5.000 đồng, nhưng tôi để mọi người tự giác đưa chớ không hỏi. Ai không đưa thì thôi, mình làm cốt có chỗ cho du khách thăm thú điểm đá này là chính, già rồi ăn được bao nhiêu" - cụ Hoàng chia sẻ.

Du khách quý công sức và tâm huyết của ông thông qua câu chuyện kể về lịch sử vùng trầm tích này và lý do ông làm cây cầu. 

Số là vào năm 2017, du khách đứng trước nhà cụ Hoàng nhìn ra bãi đá chỉ cách bờ chừng 15m nhưng nước khá sâu, chẳng ai ra được. 

Cụ Hoàng cả đời sống ở đây cũng chỉ thuyết minh cho du khách về vẻ đẹp của khối đá rộng cả trăm mét ấy. Nhiều du khách nói với ông "ước gì có cây cầu ra đó xem tận mắt cho biết".

Thế là ở tuổi 82, cụ Hoàng bắt đầu "khởi nghiệp" từ cây cầu nối đôi bờ trầm tích. 

"Lúc làm cầu thì miễn phí cho khách. Sau đó, nhiều người khuyên tôi nên thu tiền để bảo dưỡng cây cầu, mua thêm vật dụng trang trí để mấy đứa ra chơi chụp hình cho đẹp" - cụ Hoàng cho biết.

Chiếc cầu ấy giờ trở thành điểm checkin yêu thích của du khách và biến ông lão "ăn bám" con cháu thành người có "của ăn của để". 

Ông già gần đất xa trời ấy bắt đầu thuyết giảng cho con cháu buông mái chèo, bỏ tay lưới tận diệt hải sản trở về đảo Bé tận dụng vẻ đẹp làm du lịch kiếm sống. 

Ông chứng minh bằng chiếc cầu mỗi ngày cho mình thu nhập mấy trăm nghìn đồng và trở thành nguồn cảm hứng cho già trẻ đảo Bé sục sôi giấc mơ làm giàu từ du lịch.

"Mỗi người một ý tưởng", khẩu hiệu cụ Hoàng đưa ra trở thành "bài học" cho cả đảo sáng tạo để có cho mình một sản phẩm du lịch hút khách. 

"Hôm trước tôi đọc thấy cái ông gì đó tuốt bên Mỹ gần 70 tuổi mới rán gà bán, giờ bán cả thế giới ăn. Vậy nên tôi muốn bọn trẻ phải nghĩ ra cách làm sáng tạo mà kiếm tiền ngay tại đảo, thay vì tứ xứ mưu sinh" - cụ Hoàng nói.

Ông già Lý Sơn tâm huyết với biển đảo - Ảnh 3.

Cụ Bùi Hoàng - Ảnh: TRẦN MAI

Hòa hợp với thiên nhiên

Đảo Bé rộng chỉ 1km2 nhưng chứa đựng hàng trăm điểm trầm tích núi lửa tuyệt đẹp. Từ ngày các chuyên gia UNESCO đến và choáng ngợp trước cảnh sắc trời ban của đảo, du khách đến đây ngày một nhiều.

Trừ ngày biển động, còn lại luôn đông nghẹt khách, những ý tưởng làm homestay thành hình kéo du khách ở lưu trú qua đêm tại đảo, rồi cũng từ đó nhiều dịch vụ khác hình thành như chèo thuyền thúng đưa du khách lặn ngắm san hô, xe điện chở khách vòng quanh đảo ngắm cảnh, tối lại đi đánh cá, soi cua bắt ốc... 

Nhìn thấy điều ấy, cụ Hoàng vui lắm. Giống như già làng, ông nói gì cả đảo cũng răm rắp nghe theo, giờ sắp về thiên cổ nhìn thấy đảo đổi thay như thế ông không còn muốn gì hơn.

Trong hàng chục ý tưởng làm du lịch ở đảo Bé, cụ Hoàng thích nhất là ngôi nhà làm bằng chai nhựa của chàng trai Nguyễn Lợi (29 tuổi). 

Theo cụ Hoàng, cả trăm nghìn vỏ chai nhựa lượm nhặt quanh đảo được biến thành ngôi nhà là sự đột phá của tư duy sống xanh và gìn giữ đảo. 

"Thêm nhiều ý tưởng như thằng Lợi, chẳng mấy chốc đảo sạch trở lại. Lúc đó đảo sẽ thật đẹp, rùa biển đang biến mất sẽ lại trở về đảo sống với con người" - cụ Hoàng nở nụ cười đầy hi vọng.

Dòng họ Bùi ở đảo Bé có chừng 15 hộ thì tất cả đều làm du lịch. Tinh thần của cụ Hoàng đã kéo con cháu tứ xứ mưu sinh trở về đảo khởi nghiệp ở tất cả lĩnh vực dịch vụ. 

Thấy đảo có nhiều du khách nước ngoài đến mà không có người thuyết minh, không giữ được khách, cụ Hoàng kêu cháu ngoại tên Đặng Sâm đang làm việc cho một tập đoàn khách sạn ở đất liền trở về đảo và cho mượn luôn căn nhà của mình để cháu làm homestay đón khách.

"Thằng Sâm nói tiếng Anh rất tốt. Từ ngày kêu nó về đảo, khách Tây đến và ở lại đảo Bé rất nhiều. Sắp tới, tôi dự tính đề nghị chính quyền mở lớp dạy tiếng Anh cho người dân, làm được cái này thì du khách nước ngoài sẽ đưa đảo Lý Sơn qua tận Mỹ, Pháp" - cụ Hoàng chia sẻ.

Giúp nhưng đừng áp đặt

cu bui (8) (read-only)

Cụ Bùi Hoàng trò chuyện cùng hai chuyên gia quốc tế và tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - Ảnh: TRẦN MAI

Năm 2017, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh dẫn về đảo hai chuyên gia du lịch cộng đồng người Mỹ là Ashley Hollenbeck và Nicole Bortley. Trò chuyện với hai chuyên gia, cụ Hoàng nói: "Tôi biết các vị rong ruổi khắp thế giới để giúp đỡ mọi người làm du lịch. Nhưng đừng mang ý tưởng khác đến áp đặt cho đảo làm theo. Chúng tôi có văn hóa, di sản địa chất, tình đoàn kết và sự thân thiện để hút khách. Tôi chỉ mong đảo nhận được những ý tưởng giải quyết vấn đề môi trường và nguồn nước".

Ý kiến của cụ Hoàng khiến tiến sĩ Chu Mạnh Trinh thán phục. Ông Trinh cho biết: "Lâu lắm rồi tôi mới nghe lời gan ruột như vậy, ông cụ xứng đáng là thủ lĩnh của đảo. Tâm huyết của ông khiến chúng tôi mang đến đây tất cả kiến thức của mình để giúp đảo".

Người đàn ông sống trong vỏ ghe

TTO - Dưới cái nóng hầm hập của tiết trời giao mùa ở miền Tây, ông Võ Thành Tâm chịu không nổi đành chui ra khỏi chiếc ghe, rồi thả mình lên một chiếc võng được mắc tạm giữa hàng rào một ngôi nhà mồ và cây mít cạnh đó.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên