TTCT - Sau tin tức Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kết liễu thỏa thuận trao đổi các lực lượng vũ trang (VFA) Philippines - Mỹ, nhất thiết phải nhìn lại vấn đề một cách đầy đủ. Ai là ai trong biến cố lịch sử này? Ai được gì, mất gì, và “ai khác” được gì? Các binh sĩ Mỹ và Philippines đã kề vai sát cánh được hơn nửa thế kỷ. Ảnh: cfr.org 14h thứ ba 11-2, trang Twitter của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin Jr. loan tin: “Phó đại sứ quán Hoa Kỳ đã nhận được thông báo chấm dứt Thỏa thuận trao đổi các lực lượng vũ trang (VFA). Như một phép lịch sự ngoại giao, sẽ không có thêm thông báo cụ thể nào sau diễn biến có thể tự giải thích này”. Nội dung chính của thỏa thuận này là miễn các quy định thị thực và hộ chiếu thông thường cho quân nhân Mỹ đồn trú ở Philippines và cho phép chính phủ Hoa Kỳ duy trì quyền tài phán với các quân nhân bị cáo buộc phạm tội tại Philippines, trừ khi các tội ác đó là "đặc biệt nghiêm trọng". Thỏa thuận tạo nền tảng cho sự hiện diện dễ dàng của quân Mỹ trên quần đảo. Quyết định chấm dứt VFA của Tổng thống Duterte, nếu không có gì thay đổi, sẽ có hiệu lực trong 180 ngày nữa kể từ 11-2, và sau đó, sự có mặt của lính Mỹ tại Philippines ra sao là điều còn chưa ai biết. Còn nước còn tát? Nếu ít theo dõi tình hình Philippines, sẽ dễ ngờ rằng Ngoại trưởng Locsin cũng có phần trong quyết định này. Thiệt ra, trong những ngày qua, ông Locsin đã cố hết sức để xoay chuyển tình hình. Đầu tháng 2, ông ra trước tiểu ban đối ngoại Thượng viện giải thích những được - mất của việc hủy VFA cũng như những đắn đo cân nhắc bắt buộc của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines: “Xin lưu ý rằng vào thời điểm này, Bộ Ngoại giao không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào, mà lắng nghe quan điểm của ngành lập pháp và các khu vực khác trong xã hội trước khi đưa ra chọn lựa, chưa kể Bộ Quốc phòng, vốn ở vị trí tiền phương trong vấn đề này, vì đây là về an ninh quốc gia. Và đây chính là mục tiêu cao nhất của chính sách đối nội và đối ngoại”. Sợ có ai đó trong Thượng viện chưa hiểu rõ, ông nhắc lại: “Tôi đã nhiều lần nói rằng các vấn đề đối ngoại trong thẩm quyền của tôi là nắm đấm trong cái găng tay sắt của lực lượng vũ trang. Chúng tôi sẽ lắng nghe các quan điểm khác nhau về cách và liệu có nên tiếp tục VFA hay không”. Từ đó, ông nhắc nhở các nghị sĩ rằng “việc kết liễu VFA phải được cân nhắc trên cơ sở lợi ích toàn diện của đất nước” - ý nói chớ không trên cơ sở ý chỉ, hay ý muốn, của bất cứ cá nhân nào. Nhắc nhở này là cần thiết do lẽ qua thứ hai 10-2, Thượng viện sẽ họp và biểu quyết một nghị quyết về vấn đề này, được Hạ viện thông qua trước đó. Đến ngày 7-2, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng cho biết ông đã hỏi lại cho rõ, song Tổng thống Duterte quả quyết sẽ không đổi ý. Tiết lộ chẳng đặng đừng này của ông Lorenzana thật ra chỉ cụ thể hóa tuyên bố của ông Duterte cách đây một tháng rằng ông “sẽ dẹp thứ đó”. Hơn ai hết, Bộ trưởng Lorenzana hiểu giá trị của thỏa thuận này với an nguy của đất nước ông. “Thỏa thuận này có lợi cho Philippines hơn so với bất cứ lợi ích nào mà việc chấm dứt hiệp định có thể mang đến” - ông Lorenzana nói, ám chỉ các lợi ích vật chất mà những “người bạn mới” của ông Duterte ở Trung Nam Hải mấy năm qua không ngớt hứa hẹn, rồi lại tự tay phủ định bằng những sóng gió tạo ra trong vùng biển Philippines. Về phần mình, Mỹ cũng ráng thực hiện những nỗ lực “giờ thứ 25” để vớt vát dư luận. Đến thứ ba 11-2, tờ The Philippine Star vẫn còn loan tin Mỹ viện trợ cho nước này một tá máy bay trực thăng vũ trang Cobra đã qua sử dụng cùng một số máy bay cánh quạt khác. Lợi ích của VFA Theo giải thích của Ngoại trưởng Locsin tại tiểu ban đối ngoại Thượng viện, nếu không còn VFA, các hiệp định khác lớn hơn như Hiệp định quốc phòng hỗ tương (MDF) hay Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần hỗ tương sẽ chỉ còn là những tờ giấy vụn, bởi tàu bè và tàu bay Mỹ không còn được đến Philippines thoải mái dưới hình thức “thăm viếng” trong khuôn khổ VFA. Cũng theo ông Locsin, có VFA Mỹ mới có cơ sở để viện trợ quân sự cho Philippines, mà từ 2016 - tức từ khi ông Duterte lên nắm quyền - đã là hơn 554 triệu đôla, trong đó có 267 triệu đôla dành cho mua sắm thiết bị quốc phòng. Tới đây, từ 2020-2021, Mỹ dự trù cung cấp gói máy bay, thiết bị và huấn luyện trị giá 200 triệu đôla, cùng hơn 45 triệu đôla viện trợ quân sự nữa. Cũng nhờ VFA, các lực lượng đặc biệt Mỹ đã có thể “hỗ trợ kỹ thuật” trong trận chiến kéo dài năm tháng giải phóng thành phố Marawi bị phe Hồi giáo ly khai chiếm năm 2017, rồi thì các hoạt động “hỗ trợ kỹ thuật” khác chống nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở nam Philippines, hay cuộc giải cứu công dân Anh và Indonesia bị Abu-Sayyaf bắt làm con tin. Ngoại trưởng Locsin kết luận: “Trong khi Philippines có quyền ưu tiên chấm dứt VFA bất cứ lúc nào, việc tiếp tục thỏa thuận được coi là có lợi hơn cho Philippines so với mọi dự đoán về việc chấm dứt VFA”. Nghe qua, có vẻ như ông Loscin đang biện hộ cho VFA, nhưng đó cũng là một thực tế hiển nhiên: Trung Quốc chẳng hề “đặt chân” vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và giải phóng thị trấn Marawi, ngoại trừ 3.000 khẩu súng vô tri vô giác. Ngược lại, họ không ngớt đe dọa, lấn áp bằng tàu quân sự, bán quân sự và tàu cá, o ép chia sẻ tài nguyên, và thúc giục Philippines “ôm cầm sang thuyền khác”. Ông Locsin nêu ra một thí dụ cụ thể: “Lựa chọn chấm dứt VFA là để Philippines thực thi chủ quyền. Việc chấm dứt VFA có thể tạo điều kiện cho các mối quan hệ gần gũi hơn với các đối tác phi truyền thống, mà lý tưởng là nước Nga xa xôi - một cường quốc như Mỹ, song quá xa về mặt địa lý để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chúng ta nếu như không có sẵn bất kỳ lợi ích nào trong lãnh thổ của chúng ta, nhưng vẫn đủ mạnh và có một tầm với đủ dài để đánh một kẻ thù chung trong phòng thủ hỗ tương”. Tại sao lại là nước Nga? Ông thẳng thắn nêu ra một định lý cơ bản quen thuộc: “Trong vấn đề quốc phòng, các mối quan hệ chặt chẽ hơn không bao giờ có thể bao gồm một liên minh quân sự với một cường quốc sát cạnh, bởi như thế là phi logic, không thực tế, tự chuốc lấy phần thua, và là một lời mời nước ngoài xâm lược”. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines. Ảnh: CNN Philippines Cái cớ cần thiết Thiệt ra những tranh cãi về vụ này đã nổ ra từ tháng 1 sau khi Mỹ loan báo không cấp thị thực cho một số quan chức Philippines liên quan đến các vụ hành quyết không qua xét xử trong chiến dịch chống ma túy của ông Duterte. Lần này, ông Duterte phản ứng mạnh: “Phải coi lại, bằng không tôi sẽ dẹp cái thỏa thuận kia”. Quả là một đòn nặng trời giáng, do lẽ hủy VFA chính là xóa bỏ cơ sở pháp lý cho việc quân đội Hoa Kỳ đến thăm và tập trận quân sự hay cứu trợ thiên tai ở Philippines mà không cần xin phép xin tắc rườm rà. Nhân vật bị Mỹ cắt thị thực và phong tỏa tài sản là tư lệnh cảnh sát quốc gia Ronald “Bato” Dela Rosa, hiện là thượng nghị sĩ. Ông này còn đang có nguy cơ bị Tòa án hình sự quốc tế xét xử. Vấn đề là đụng tới ông Dela Rosa cũng tức là đụng tới Duterte. Nhưng việc cấm ông Dela Rosa vào Mỹ có thật to tát tới mức phải hủy VFA? Trong một mối quan hệ mâu thuẫn, luôn có kẻ thứ ba hưởng lợi. Nay VFA bị xóa bỏ, thì sau 180 ngày, về lý thuyết sẽ không còn bóng dáng quân đội “đế quốc Mỹ” ở Philippines nữa. Thật xốn con mắt khi mỗi năm phải chứng kiến quân đội Mỹ hơn 300 lần ra vô Philippines như chỗ không người, với đủ thứ hoạt động hỗn hợp lớn nhỏ! Còn VFA, thì về cơ bản cánh quân đội Philippines vẫn cứ “phò” Mỹ - như từ năm 1951 tới giờ. Cả hai ông bộ trưởng Lorenzano và Locsin đều không giấu giếm thái độ thân Mỹ. Thế nên, không dẹp VFA làm sao nhổ cỏ tận gốc? Có dẹp cái thỏa thuận “gớm ghiếc” đó mới chấm dứt được sự hiện diện tùy thích của “đế quốc Mỹ” tại năm căn cứ quân sự trên toàn cõi Philippines. Đặc biệt ngứa mắt là căn cứ không quân Antonio Bautista trên đảo Palawan, đối diện với khu vực nóng bỏng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông (biển Tây Philippines). Từ tháng 3-2016, ngay khi ông Duterte chưa thắng cử, Trung Quốc đã “khiếu nại” việc xây năm căn cứ này rồi. Thắng cử xong, ông Duterte nhanh chóng “xoay trục”, nhưng giờ ông mới thành công. Đến cuối năm, các căn cứ “ngứa mắt” kia sẽ không còn, Trung Quốc khỏi phải khiếu nại là căn cứ Antonio Bautista xâm phạm chủ quyền ở các đảo bồi đắp trái phép thuộc Trường Sa, và Philippines sẽ thành một nước không liên minh quân sự, không căn cứ nước ngoài, không chống Trung Quốc chỉ ba năm rưỡi sau khi ông Duterte lên cầm quyền! ■ Ông Duterte càng “chạm nọc” do lẽ tháng 3-2018, ông đã phòng xa rút Philippines ra khỏi thỏa thuận Tòa án hình sự quốc tế. Công bằng mà nói, Nga, Trung Quốc và Mỹ cũng có nhiều tiền lệ bất chấp các tòa án đa phương. Năm 2016, Nga tuyên bố rút khỏi Quy chế Rome sáng lập Tòa hình sự quốc tế. Kế đến là Trung Quốc phủ định thẩm quyền của Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển trong vụ kiện của Philippines. Còn Mỹ, tháng 9-2018, cố vấn an ninh quốc gia khi đó John Bolton từng đe dọa trừng phạt các thẩm phán của Tòa hình sự quốc tế trước khả năng tòa này điều tra những cáo buộc lính Mỹ phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Tuy nhiên, nếu việc ba ông lớn kể trên “chơi gác” các định chế quốc tế là chuyện thường, thì nhỏ và yếu như Philippines thì Tòa hình sự quốc tế đâu có ngán, nên nay lại giở hồ sơ chiến dịch ma túy của ông Duterte, bắt đầu từ việc đòi truy tố nguyên tư lệnh cảnh sát Dela Rosa. Tags: PhilippinesVFATổng thống DuterteQuan hệ Philippines - Mỹ
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Nhiều hãng hàng không nước ngoài tạm ngừng bay đến Nga THANH BÌNH 28/12/2024 Nhiều hãng hàng không nước ngoài tạm ngừng các chuyến bay đến Nga sau tai nạn máy bay của hãng Azerbaijan Airlines.
Cục phó an ninh kinh tế làm giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn DANH TRỌNG 28/12/2024 Đại tá Nguyễn Tiến Trung, cục phó Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, được điều động, bổ nhiệm giữ chức giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn.
Vụ máy bay Azerbaijan rơi: Ông Putin lên tiếng xin lỗi THANH BÌNH 28/12/2024 Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời xin lỗi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev về "sự cố bi thảm" xảy ra trên không phận Nga.
Vượt đèn đỏ bị phạt 20 triệu, từ 1-1-2025 nhiều lỗi giao thông tăng mức phạt hàng chục lần HỒNG QUANG 28/12/2024 Cơ quan chức năng đánh giá đây là những hành vi nguy cơ rất cao gây ra tai nạn, do vậy mức phạt cần gia tăng để tạo tính răn đe tương xứng.