Theo Phòng nghiên cứu sưu tầm di sản của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…
Tại Việt Nam, ngày này còn được gọi với cái tên dân dã là ngày "giết sâu bọ".
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mùng 5-5 âm lịch hằng năm. Đây là thời điểm nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều.
Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương.
Đoan Ngọ (Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa) là bắt đầu giữa trưa.
Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Ông Đôi Truân trong truyền thuyết về Tết Đoan Ngọ
Về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ, theo truyền thuyết, vào một vụ mùa bội thu, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Thế nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến đông đảo, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được.
Người dân rất lo lắng không biết cách gì để có thể giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục.
Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi.
Đôi Truân dặn dò thêm: sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ông đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, đã đặt cho ngày này là ngày Tết "diệt sâu bọ".
Từ đó, ngày Tết Đoan Ngọ trở thành một ngày lễ truyền thống của người dân Việt Nam.
Họ thường dành ngày này để vận động thể dục và cúng tạ để đẩy lùi sâu bọ và các loại bệnh tật khác.
Ngoài ra, người ta còn có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng của ngày Tết này, như bánh tro, bánh ú tro, chè trôi nước và nhiều loại trái cây khác.
Tết kỳ lạ nhất của người Việt
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Đoan Ngọ được xem là Tết kỳ lạ nhất của người Việt.
Sách Hà Nội địa dư, mục phong tục ghi "Tết Đoan Dương bó lá ngải, nhuộm móng tay, buộc chỉ cổ tay".
Hay Đồng Khánh địa dư chí chép: "Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ.
Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó...".
Đặc biệt, những phong tục này đã được khắc họa một cách chân thực và sống động trong bộ sách Kỹ thuật cổ của người An Nam.
Bên cạnh các phong tục truyền thống, các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Triều hội điển, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ... cho biết trong cung đình xưa, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan...
Những năm gần đây Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức, thể nghiệm các nghi lễ cung đình, trong đó có nghi lễ cung đình dịp Tết Đoan Ngọ.
Năm nay, chuẩn bị đón Tết Đoan Ngọ, ngày 6-6, tại sân trước Điện Kính Thiên, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên… thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt.
Cùng ngày 6-6, trung tâm còn phối hợp với nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng tổ chức buổi chia sẻ về thú thưởng trà của người Việt xưa, đặc biệt là trong các gia đình quyền quý.
Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức trưng bày giới thiệu về các phong tục dân gian trong ngày Tết Đoan Ngọ thông qua sắp đặt không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, các loại túi thơm, gợi nhớ đến hình ảnh hai khu phố cổ quen thuộc là Thuốc bắc và Hàng Mụn.
Các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được giới thiệu qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận