Tại tòa, ông Đỗ Hữu Ca thừa nhận 4 lần cầm tiền tổng 35 tỉ từ vợ chồng Trương Xuân Đước. Tuy nhiên ông Ca một mực phủ nhận cáo buộc nhận tiền hứa "chạy án", mà chỉ có mục đích "cứu người em" bằng cách giúp khắc phục hậu quả.
Lời khai ông Đỗ Hữu Ca về 35 tỉ đồng nhận từ vợ chồng ông Trương Xuân Đước
Chiều 10-4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thẩm vấn ông Đỗ Hữu Ca (cựu giám đốc Công an Hải Phòng) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền 35 tỉ.
Hơn 10 phút trình bày tại tòa, ông Ca nhiều lần khẳng định không biết mục đích vợ chồng Trương Xuân Đước mang tiền đến nhà mình để nhờ "chạy tội".
Cựu giám đốc Công an Hải Phòng khẳng định chỉ có mục đích "cứu người em", nên đã yêu cầu mang tiền đến để giúp "đi khắc phục hậu quả".
"Trùm" mua bán hóa đơn khai coi ông Đỗ Hữu Ca như "người thân"
Cũng giống như phần thẩm vấn buổi sáng, nhiều câu hỏi của chủ tọa đều được bị cáo Trương Xuân Đước trả lời rằng "không nhớ" và đề nghị tòa xem nội dung cáo trạng truy tố.
Với hành vi mua bán hóa đơn trái phép và đưa hối lộ, ông Đước khẳng định lời khai tại cơ quan điều tra là "chính xác, khách quan, trung thực".
Khi được hỏi quan hệ với cựu giám đốc Công an Hải Phòng, bị cáo Đước cho biết có "tình cảm đặc biệt với gia đình ông Ca" và hai bên coi nhau như "người thân trong gia đình".
"19 năm qua công việc nhà anh Ca tôi đều có mặt. Không ngờ sau 19 năm trời mà hôm nay anh em tôi phải đứng trước tòa, tôi vô cùng buồn, buồn lắm. Tôi vào tù vì mua bán hóa đơn dẫn đến anh Ca bị theo, tôi sống không được chết không xong", bị cáo Đước phân trần.
Khi được hỏi về việc đưa tiền cho ông Ca, bị cáo Đước tiếp tục lặp lại câu trả lời: "Lời khai bị cáo đã có đầy đủ tại cơ quan điều tra, hàng trăm nội dung hàng nghìn chi tiết nên không nhớ. Lời khai tại cơ quan điều tra của bị cáo là đúng sự thật".
Trước thái độ trên của ông Đước, chủ tọa nhắc phiên tòa xét xử công khai nên cần xét hỏi làm rõ lời khai của bị cáo tại tòa, hội đồng xét xử sẽ xem xét thái độ khai báo của bị cáo.
"Tôi chỉ nhớ có 4 lần đưa tổng 35 tỉ, mục đích nhờ anh Ca lo xử lý công việc để tôi không bị dính vào pháp luật", ông Đước khai.
Ông Đỗ Hữu Ca: "Tôi chỉ có mục đích cứu người em"
Khi được gọi thẩm vấn, ông Ca đi lại khó khăn, chậm từng bước lên bục khai báo. Quá trình xét hỏi, tòa yêu cầu bộ phận an ninh bố trí ghế cho bị cáo ngồi vì đau chân, nhưng ông Ca từ chối và xin được đứng trả lời.
Hai tay bám vào bục khai báo, ông Ca thừa nhận đã 4 lần cầm tiền của vợ chồng Trương Xuân Đước tổng 35 tỉ đồng và đã nộp lại cho cơ quan điều tra trước khi bị bắt.
Khai về mối quan hệ với "trùm" mua bán hóa đơn, ông Ca cho biết coi bị cáo Đước "như một người em".
"Trong việc này có sự ngộ nhận và hiểu nhầm rất lớn. Từ trước tôi không quan tâm đến việc làm ăn của Đước. Khi vợ Đước đến nhà khóc lóc xin cứu chồng, tôi có suy nghĩ rằng phải cố gắng cứu Đước vì coi như em", ông Ca phân trần.
Lý giải về 4 lần nhận 35 tỉ, ông Đỗ Hữu Ca biện minh tìm cách cứu Đước trên cơ sở quy định pháp luật, với nguyên tắc đã xâm phạm tiền nhà nước thì phải bồi thường để hưởng khoan hồng, "chứ tôi không chấp nhận việc chạy chọt", lời khai của cựu giám đốc Công an Hải Phòng tại tòa.
Khi bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ ông Đước) đến nhà, ông Ca nói muốn cứu Đước thì phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt nhà nước, chuẩn bị ngay 10% trên tổng số giá trị hóa đơn mua bán để đi khắc phục hậu quả và chuẩn bị thêm số tiền nữa nếu cần dùng.
"Tôi không hề nói Ngọc Anh đem 20 tỉ đi chạy tội cho Đước, không nói mang tiền đến nhà tôi. Đây là sự ngộ nhận, hiểu lầm của Ngọc Anh kéo theo hệ lụy khác", ông Ca phân trần.
Tiếp tục khai, ông Ca cho biết mỗi lần vợ Đước mang tiền đến nhà mình "cũng cập rập như chạy loạn". Lần nào Ngọc Anh mang tiền đến cũng nói "anh cất tiền cho em, anh cất tiền cho em", mà không nói rõ tiền gì.
"Tôi chỉ nghĩ anh em với nhau, trong lúc khó khăn thì cứu giúp nhau. Tôi không hề biết rằng mục đích của Ngọc Anh đem tiền để chạy tội. Cái sai của tôi là mặc định chủ quan số tiền này là để đem đi khắc phục hậu quả nên không hỏi tiền ở đâu, tiền dùng làm gì.
Đây là lỗi sai lớn nhất của tôi.
Tòa cho đối chất, ông Ca vẫn khẳng định không lừa đảo
Nhận tiền tôi cứ cất đi, không kiểm đến. Khi nhận thấy tiền này liên quan vụ án Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra nên đã chủ động nộp lại. Tôi không hề có ý định chiếm đoạt số tiền này.
Tôi xin nhận trách nhiệm với số tiền này, quý tòa xử như thế nào tôi chấp nhận như thế", ông Ca nói tại tòa.
"Sau đó Ngọc Anh đến đòi lại tiền bị cáo có trả lại không?" - chủ tọa hỏi.
"Thưa quý tòa không có việc này. Trong đầu tôi từ đầu đến cuối không bao giờ có ý định lừa tiền chiếm đoạt của vợ chồng Đước", cựu giám đốc Công an Hải Phòng khai.
Trước lời khai trên, tòa gọi hai vợ chồng bị cáo Đước lên đối chất.
Đứng cạnh ông Ca trước bục khai báo, bị cáo Đước khẳng định 4 lần đưa 35 tỉ cho ông Ca là để nhờ "chạy án". Vợ của bị cáo Đước cũng xác nhận đưa tiền cho ông Ca để nhờ "lo giúp thoát tội".
Bị cáo Đước cho biết đưa tiền "theo yêu cầu của anh Ca, nếu muốn xử lý việc này thì phải cần tiền".
"Thưa hội đồng xét xử tôi đau lắm, tiền tôi để trong ngân hàng, anh Ca không yêu cầu tôi rút ra làm gì", bị cáo Đước phân trần.
"Tôi có hành vi thì tôi nhận, nhưng tôi không có mục đích lừa đảo… Từ đầu đến cuối tôi hoàn toàn bị động với vợ chồng Ngọc Anh, chỉ có chủ động duy nhất là nộp lại tiền cho cơ quan điều tra. Tôi không hề tác động, lôi kéo vợ chồng Đước mang tiền đến. Tôi không có cam kết, hợp đồng, thỏa thuận gì với Đước về việc chạy án", ông Ca khai.
Theo cáo trạng, khi bị Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về hành vi mua bán hóa đơn trái phép, vợ chồng Đước đã 4 lần đến nhà ông Đỗ Hữu Ca đưa tổng cộng 35 tỉ để nhờ "chạy án".
Tuy nhiên, đầu tháng 2-2023 hai vợ chồng Đước đều bị cơ quan điều tra bắt giữ. Đến giữa tháng 2 thì ông Đỗ Hữu Ca bị bắt tạm giam.
Tại cơ quan điều tra, ông Ca thừa nhận vợ chồng Đước có mang 35 tỉ đồng đến nhà để ở phòng khách và phòng ngủ tầng 1, song không thừa nhận cầm tiền chạy án vì "đã nghỉ hưu từ lâu, các mối quan hệ không nhiều, không còn khả năng chạy tội".
Ông Ca khẳng định chưa tác động, chưa dùng 35 tỉ đồng để lo "chạy tội" cho vợ chồng Đước.
Đến 16h chiều, Hội đồng xét xử tuyên bố phiên tòa nghỉ, ngày mai 11-4 phiên tòa tiếp tục.
Nếu anh Ca nói tôi đi khắc phục hậu quả thì tôi đã tự thú rồi
Khi luật sư hỏi thì bị cáo Đước cho rằng các nội dung đã trình bày hết trong cáo trạng nên xin phép không trình bày lại và cho rằng bản thân rất mệt mỏi nên không nhớ gì hết, đề nghị luật sư có thể trích dẫn lại nội dung trong cáo trạng.
"Nếu như trước kia anh Ca là người hiểu pháp luật nói luôn tôi phải khắc phục hậu quả, tự thú thì tôi đã chủ động làm để chỉ một mình tôi chịu tội, chứ không đến mức phải nhiều người vướng vòng lao lý như thế này" - bị cáo Đước nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận