02/07/2018 16:08 GMT+7

'Ông chủ tịch' không lương

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Có lẽ là người duy nhất trong số các chủ tịch hội nghề cá trên cả nước không là người ở chốn quan trường, ông là người dám nói dám làm và vô cùng "tình cảm" với những rủi ro, mất mát cũng như nỗi đau của ngư dân trên biển.

Ông chủ tịch không lương - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Lĩnh trả lời báo đài tại cảng Thọ Quang trong một lần tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong số các trên cả nước, có lẽ chỉ duy nhất ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, không phải là người ở chốn quan trường.

Nhưng cũng chính nhờ "lợi thế" này mà những hành động, phát ngôn liên quan đến tình hình ngư nghiệp của ông lúc nào cũng đậm chất ngư dân, đầy quyết liệt và máu lửa.

Ông là chủ tịch hội đồng quản trị của một trong các công ty nằm trong top 20 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Việt Nam.

Tàu Trung Quốc đâm tàu mình thì tui chỉ đích danh Trung Quốc chứ không có khái niệm tàu lạ

Ông

"Tui không nói thì ai lên tiếng?"

Những ai mới lần đầu ngồi trò chuyện về nghề biển với ông Lĩnh cũng sẽ ấn tượng ngay là ông nói rất dài và rất hăng.

"Tôi sinh ra ở làng biển, thời ông ngoại rồi đến ông già tôi đều theo nghề biển. Thời đó Đà Nẵng còn là một thị cảng nghèo nhưng ông ngoại tôi đã có hai tàu khai thác và xưởng chế biến cá và nước mắm.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cái duyên biển vận theo mình luôn, quanh quẩn rồi cũng quay về với cá mú" - ông Lĩnh nói.

Nhắc đến ông Lĩnh, nhiều người chưa quên độ "máu lửa" trong các phát biểu liên quan đến giàn khoan 981, các vụ tàu cá bị đâm va, chính sách "tàu 76"...

Ông từng ra cảng "ăn nằm tại chỗ" động viên ngư dân vững tâm ra khơi trên vùng biển mà giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trái phép.

Còn nhớ trong những trường hợp tàu cá ở Thọ Quang bị tàu Trung Quốc đâm va, ông Lĩnh là người có mặt rất sớm trên cảng cá để cung cấp các thông tin nóng cho mọi người.

Cánh phóng viên nào cần thông tin gấp phục vụ tòa soạn thì dù có khuya đến mấy ông cũng bắt máy. Ông cho biết tường tận số tàu, ngư dân, quê quán...

"Đó cũng là lý do nhiều người thích tôi. Mấy anh làm chính quyền phát biểu thì còn ngại tổ chức chứ tôi thì nói thật, nói thẳng chẳng sợ gì. Trung Quốc đâm tàu mình thì tui chỉ đích danh Trung Quốc chứ không có khái niệm "tàu lạ".

Tôi là đại diện của ngư dân, vừa là đại biểu HĐND. Hai vai hai gánh trách nhiệm, tôi không gióng lên tiếng nói thì còn chờ ai nữa. Nói lên sự thật, bức xúc của ngư dân, nói ra những hiểu biết của mình thì chẳng có gì phải ngại" - người đàn ông 64 tuổi điềm nhiên nói.

Theo ông Lĩnh, thời buổi "thiên tai địch họa" như hiện nay, mỗi ngư dân dám vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền chính là những anh hùng.

Nhưng hiện nay họ đang đối mặt với hai thách thức lớn nhất là giá cá biến động và hành động quấy phá ngày càng nhiều của Trung Quốc trên Biển Đông.

Với những việc như vụ đóng tàu cá theo "nghị định 67" ở miền Trung phải nằm bờ, ngư dân lâm nợ thì ông Lĩnh cho đó là tội ác. Bởi theo ông, ngư dân đã được ví như những cột mốc sống trên biển thì sự tắc trách với ngư dân cũng đồng nghĩa có tội với non sông đất nước.

"Tôi có dịp đi các cảng trên thế giới thì thấy mình rất lạc hậu. Từ tàu thuyền cho đến phương thức đánh bắt, rồi kiến thức ngư dân...

Nhà nước phải đổ ra một khoản tiền cực lớn làm chính sách hỗ trợ ngư dân để hiện đại hóa tàu thuyền vươn khơi nhưng lại không được như ý muốn thì cần phải nghiêm khắc xem lại" - ông Lĩnh nói, mắt nhìn thẳng vào các con tàu to xác nằm bờ.

Ông chủ tịch không lương - Ảnh 3.

Chân dung ông Trần Văn Lĩnh - Ảnh: TR.TRUNG

Vì những nỗi đau trên biển

Là người làm nghề thủy sản, ông Lĩnh đương nhiên lo lắng về sự việc Liên minh châu Âu "rút thẻ vàng" với hải sản Việt Nam mới đây. Theo ông Lĩnh, lâu nay chúng ta đã nói nhiều đến phát triển, khai thác biển bền vững nhưng thực tế chưa đi đôi với lời nói.

Trong những lần sinh hoạt với ngư dân, ông Lĩnh chú tâm về chuyện định hướng khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Đương nhiên ông rất ghét tập tính của ngư dân miền Trung là khai thác ồ ạt, thích bắt con gì trên biển cứ bắt.

Nhưng ngược lại, ông là người vô cùng "tình cảm" với những rủi ro và nỗi đau trên biển của họ. Nhờ uy tín của ông một phần mà có thời điểm Hội Nghề cá TP Đà Nẵng vận động được tới 5 tỉ đồng giúp đỡ bà con ngư dân.

Chứng kiến nhiều lần ngư dân trở về tay trắng vì tàu bị đâm va, cắt lưới hoặc tai nạn do ảnh hưởng thời tiết, ông Lĩnh luôn là người có mặt sớm nhất bên ngư dân. Nhiều bận ông còn "rủ rê" chính quyền, nhà hảo tâm cùng đến động viên ngư dân sau những rủi ro trên biển.

"Không có nghề nào vất vả như ngư dân. Theo thuyền ra khơi "biển giả", thiên tai đến mức "mất cả chì lẫn chài" cũng không nói hết được cực khổ của họ.

Đừng nói đến lời lỗ, chỉ một cơn bão như Chanchu quét qua thì có khi trai tráng, tàu thuyền của cả một làng mất xác ngoài biển. Như ở làng Hà Khê tôi ngày trước bão biển khiến ngư dân chết nhiều đến mức 26-3 âm lịch phải tổ chức "giỗ chùm".

Phụ nữ trong làng ra vè "thà nằm đất với mụ bán lươn còn hơn nằm giường với anh bán cá" là vậy" - ông Lĩnh nói.

Là hội nghề nghiệp có đặc thù mà hội viên quanh năm đi biển, đương nhiên ngư dân không phải đóng phí. Và tất nhiên ông hội trưởng phải "vác tù và hàng tổng", làm việc mà không có đồng lương.

Ông Nguyễn Lại, tổng thư ký Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho biết kinh phí hoạt động của hội chủ yếu nhờ vận động quyên góp và anh em trong hội tự nguyện bỏ tiền ra. Trong đó có phần đóng thường xuyên từ doanh nghiệp của ông Lĩnh.

Ông chủ tịch không lương - Ảnh 4.

Ông Lĩnh (giữa) đến nhà động viên giúp đỡ một ngư dân có tàu gặp nạn trên biển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Mát lòng

Ngư dân Ngô Văn Mai (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có tàu ĐNa 09448 từng bị chìm trên biển sau khi vào bờ được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng để trang trải cuộc sống sau khi tay trắng.

Anh nhận xét: "Chú Lĩnh không trực tiếp ra khơi nhưng tình hình trên biển thì cập nhật rất nhanh nên ngư dân mấy tỉnh miền Trung ai cũng biết và nể chú. Nhất là mỗi khi tàu cá của ngư dân bị tàu lạ đâm, gọi đến chú đều sẵn sàng hỗ trợ.

Bọn tôi làm vất vả nhưng vì cái ăn cái học hạn chế nên có người đại diện như chú cảm thấy mát lòng".

>> Kỳ tới: Những ngày Hoàng Sa ở Thọ Quang

Bí mật ở cảng cá

TTO - Là cảng cá lớn nhất miền Trung, Thọ Quang (Đà Nẵng) được các ngư dân phong cho “tước hiệu” thủ phủ của Biển Đông. Lâu nay, cảng cá này trở thành hậu phương vững chãi cho các con tàu vươn khắp các ngư trường.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên