Ông Cao Xuân Ninh trao đổi với cổ đông tại Đại hội cổ đông lần 2 của Eximbank, tổ chức ngày 21-6 vừa qua - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Cao Xuân Ninh chỉ mới ngồi vào ghế nóng này từ ngày 22-5 qua.
Đơn từ chức của ông Ninh khá ngắn, gói gọn trong một trang giấy. Trong đơn, ông Ninh cho biết thời gian qua HĐQT Eximbank và nói rộng ra là cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của ngân hàng (NH).
Trước tình hình đó, ông Ninh cho biết cá nhân ông, với trách nhiệm được ban lãnh đạo NHNN cử tham gia HĐQT Eximbank, đã nỗ lực hết mình và đã mạnh dạn, thể theo yêu cầu của đa số thành viên HĐQT, chấp nhận đảm đương nhiệm vụ chủ tịch HĐQT nhằm góp phần ổn định tổ chức NH.
Ngay sau khi được bầu vào chức danh chủ tịch HĐQT, ông Ninh cũng cho biết đã tập trung cố gắng kiện toàn tổ chức và quản trị, điều hành NH, thực hiện các thủ tục cần thiết tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần 2 sớm nhất theo quy định.
Ngày 21-6, Đại hội đồng cổ đông Eximbank lần 2 được triệu tập và đủ điều kiện tiến hành đại hội, nhưng do quy chế đại hội không được cổ đông thông qua nên đại hội đã không thành công, không thông qua được các nội dung thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.
Nhận thấy các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông, nhóm cổ đông, trong nội bộ còn tiếp diễn chưa thể dung hòa, nên ông Ninh xin từ chức chủ tịch HĐQT.
"Tôi luôn đặt lợi ích của NH là ưu tiên số một trong hành động của mình. Vì vậy bằng văn bản này, tôi đề nghị HĐQT chấp thuận để tôi từ chức chủ tịch HĐQT và mong muốn HĐQT sẽ tìm kiếm và bầu ra người phù hợp, được toàn bộ HĐQT nhất trí thông qua để giúp tình hình quản trị điều hành được cải thiện, đưa NH vượt qua khủng hoảng", ông Ninh viết trong đơn.
Ngày 21-6 vừa qua, ông Ninh chính là người chủ toạ ĐHCĐ lần 2 của NH Eximbank. Tuy nhiên, sóng gió đã diễn ra ngày từ phút đầu khi cổ đông đứng lên yêu cầu làm rõ cơ sở ban hành các nghị quyết Hội đồng quản trị để đó từ đó xem xét lại tư cách chủ toạ của ông Cao Xuân Ninh - chủ tịch HĐQT Eximbank - tại đại hội.
Sau đó, dù có nhiều tranh luận nhưng ông Cao Xuân Ninh vẫn khẳng định tư cách chủ toạ của ông là đúng quy định pháp luật. Việc bầu ông làm chủ tịch HĐQT cũng là hợp pháp, hợp lệ.
Nhưng do chỉ có 39,85% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy chế tiến hành đại hội, trong khi tỉ lệ không đồng ý lên đến 55,09%. 5,06% còn lại không có ý kiến, do vậy Eximbank phải tuyên bố hoãn Đại hội cổ đông lần 2.
Đến nay, Eximbank vẫn chưa công bố thời điểm tổ chức đại hội cổ đông lần tiếp theo. NH này cũng chưa lên tiếng về lá đơn xin từ chức của ông Cao Xuân Ninh.
Cuối tháng 4, Eximbank cũng phải hoãn đại hội do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Sau đó, Eximbank ấn định đại hội vào tháng 5 nhưng lại phải dời vì không chuẩn bị kịp.
Eximbank cũng là ngân hàng liên tục thay đổi vị trí ghế nóng trong thời gian qua. Ngày 22-3, HĐQT Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên HĐQT - làm chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên sau đó, ông Lê Minh Quốc, nguyên chủ tịch HĐQT Eximbank, đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch HĐQT.
Sau đó, ngày 22-5, HĐQT Eximbank lại ban hành nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh - thành viên Hội đồng quản trị - giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020).
Tuy nhiên, dù khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo nêu trên đúng theo trình tự thủ tục của NH Eximbank và tuân thủ quy định của pháp luật nhưng ở cả hai lần công bố ghế chủ tịch HĐQT, NH này đều vướng các lùm xùm sau đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận