Dù đã ở tuổi 66, ông Diều vẫn miệt mài với mô hình mới - măng tây xanh, với mong muốn nhân rộng cho bà con nông dân quê mình - Ảnh: NGỌC TÀI
Dù đã về hưu, ông hăng hái với vai trò giám đốc hợp tác xã, chủ nhiệm Hội quán Thuận Tâm và không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, với đích đến không vì phát triển kinh tế gia đình mà mong muốn có mô hình bền vững cho nông dân quê nhà.
Nông dân gọi "cháy máy"...
Ngót nghét 20 năm trước, qua những người bạn là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, ông Diều bắt đầu thử sức với giống mới - dưa lê hoàng kim. Ban đầu trái còn khá nhỏ nhưng bán rất được giá. Nhiều nông dân trong vùng biết vậy, nhưng vẫn ngần ngại vì sợ giống dưa vàng óng ánh kia sẽ "đỏng đảnh". Mà chính ông cũng phải thừa nhận không "dễ ăn" với giống mới này.
"Tui trồng 2 năm mà vẫn chưa nắm bắt hết được kỹ thuật. Phải thử nhiều cách, hi sinh vài luống dưa mần "chuột bạch" mới đúc kết được kinh nghiệm" - ông Diều nhớ lại.
Lần đó, ông không thể ở yên mà quyết định đi "học khôn" từ mô hình tận Cần Thơ. Biết chủ vườn giấu bí quyết, ông bấm bụng làm liều vô đại rồi lân la hỏi những người làm thuê. Thêm nữa, ông quan sát tại chỗ thấy cách chủ vườn treo trái trên giàn ông mới vỡ lẽ, không thể kê trái như dưa hấu mà phải treo lủng lẳng như dưa leo.
Có lần đi qua bụi trúc, ông chợt nghĩ ra lấy trúc làm nạng kê giàn cho từng trái sẽ giải được bài toán khó. Cách làm của ông Diều 20 năm trước giống với móc treo dưa mà các nhà kính hiện nay ứng dụng.
Khi tự tin với kinh nghiệm "lận lưng" qua mấy mùa dưa, ông Diều đề xuất với xã nhân rộng mô hình. Nông dân bắt đầu làm theo, ông cung cấp giống và liên tục mở những lớp tập huấn kỹ thuật.
Nói là lớp chứ thực ra ông rủ 5-7 nông dân rồi châm bình trà ngồi chia sẻ kinh nghiệm, không micro, không chào mừng, dông dài rồi "nhiều lúc họp với UBND xã mà điện thoại réo suốt. Riết lãnh đạo xã phải mời ra ngoài, cho xuống đồng ngay với bà con, tinh thần buổi họp sẽ nói lại sau" - ông Diều cười vui nhớ lại.
Rồi hôn... xệ má
Đỉnh điểm là giai đoạn 2014-2016, xã Tân Hòa có hơn 200ha dưa lê, đến độ các bến lên xuống dưa cạnh sông Hậu mỗi ngày đóng hàng vài chục tấn là bình thường, ông Diều cũng bận rộn nhiều hơn.
Trên khắp cánh đồng dưa lê ngày ấy ông đều đi qua, nông dân quý mến đến độ khi dưa nhà ông thu hoạch họ xúm lại giúp để ông còn rảnh chân, rảnh tay đi hỗ trợ kỹ thuật cho hộ mới trồng.
Khi mô hình được nhân rộng, nhiều nông dân trồng theo, ông lần mò lên Sài Gòn để tìm thương lái, mở rộng đầu ra.
"Lúc tui chào hàng, có người còn nghi Đồng Tháp làm gì trồng được dưa lê hoàng kim. Lúc đó tui giận lắm, tìm chủ vựa khác. Mãi 2 năm sau chính chủ vựa từng nói câu đó xuống tận nhà tui để mua và nhờ dẫn sang ruộng dưa trong vùng" - ông Diều cười tươi nhớ lại.
Khi Sài Gòn có dấu hiệu "ăn chậm", ông liền đánh bạo đưa hàng ra Hà Nội bằng đường hàng không. Dưa lê Lai Vung có tiếng, thương lái cũng tìm đến tận ruộng bao tiêu đầu ra bắt nguồn từ ấy.
Nhiều chủ ruộng được ông giúp đỡ hỗ trợ kỹ thuật, trồng dưa trúng rồi thoát nghèo. Để đền ơn ông, họ bày tiệc nhậu mà ai dè ông không thể nhậu nhiều. Thế là nông dân thể hiện tình cảm bằng những cái ôm, cái hôn má chân tình. "Nhiều đến mức tối đó về nhà tui phát hiện má của mình xệ và rát rạt" - ông Diều cười khà khà kể.
Không ngừng thử thách
Khi nông dân Lai Vung tự tin với kỹ thuật trồng dưa lê, điện thoại của ông Diều cũng bớt reo mỗi ngày. Ở tuổi xế chiều, ông vẫn không để bản thân được nhàn nhã mà tiếp tục thử sức một giống mới - măng tây xanh. Để tập trung, ông quyết định "cách ly" bản thân, để điện thoại ở nhà, không cà phê cà pháo.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Diều khi không thể hẹn trước, ông vẫn đang cặm cụi ngoài liếp măng tây. Dường như tuổi già vẫn không "ghé qua" với nhà nông ngày ngày ra đồng này, cái nắng làm da ông đen rám, lao động mỗi ngày làm đôi tay chai sần nhưng sự nhiệt huyết vẫn hừng hực trong ông.
Có lẽ vì thế mà lần thử sức với măng tây xanh ông Diều khá tự tin. Tuy vậy, con đường mới vẫn lắm chông gai. Khác với lần thử nghiệm giống dưa lê, lần này vì đã có nông dân trồng thử măng tây xanh mà cái kết là bao công sức "đổ sông đổ bể" nên khi ông đem giống về trồng, nhiều nông dân thực sự nghi ngại.
Hướng tới sẽ trồng măng tây hữu cơ, ông Diều đã nghiên cứu xong cách pha chế thuốc sinh học trừ bệnh, trừ côn trùng gây hại "phổ rộng" làm từ gừng, tỏi, ớt ủ với mật rỉ đường.
Thương lái thu mua ông cũng sẵn có, chính là những bạn hàng gắn bó nhiều năm với ông. Hàng chỉ cần đưa ra bến xe sau đó mọi chi phí bên thu mua sẽ lo liệu. Cánh đồng lớn cho măng tây sẽ không còn xa vời không chỉ với nông dân xã nhà.
Nhiệt tình nên được nông dân quý mến
Ông Nguyễn Văn Cắt, chủ tịch UBND xã Tân Hòa, chia sẻ trong thời gian đảm nhiệm vai trò cán bộ nông nghiệp xã, ông Diều rất nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Về hưu ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng, dẫn dắt nông dân như chủ nhiệm hội quán, giám đốc hợp tác xã.
"Chú Diều rất nhiệt tình với nông dân nên được dân quý mến lắm" - ông Cắt nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Duyên, một nông dân trồng dưa lê, chia sẻ cũng nhờ ông Diều nhiệt tình chỉ dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng mà ông có kinh tế ổn định và gắn bó lâu dài với giống này.
"Ổng hết lòng với nông dân tụi tui lắm, hễ gọi nhờ là ổng tới giúp bất kể nắng mưa hay chiều muộn. Nhiều nông dân mang ơn cái tình của ông là vậy" - ông Duyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận