09/01/2016 09:09 GMT+7

"Ông Bụt" 84 tuổi chạy xe đạp góp tết cho bệnh nhân nghèo

TIẾN LONG - ĐỖ KIM
TIẾN LONG - ĐỖ KIM

TT - Những ngày qua, nhiều tấm lòng thơm thảo đã tìm đến Tuổi Trẻ, góp sức cho cái tết nơi bệnh viện của những bệnh nhân nghèo bớt lạnh lẽo, tủi buồn.

Cụ Phạm Quang Tiền đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ ủng hộ “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo” - Ảnh: Gia Tiến
Cụ Phạm Quang Tiền đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ ủng hộ “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo” - Ảnh: Gia Tiến

Chương trình “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo” đã thật sự lan tỏa đến khắp mọi nơi. Bạn đọc trong nước và cả ở nước ngoài đã gửi những phần tiền, gói quà để ủng hộ chương trình. Có những cán bộ, công chức về hưu đã trích một phần từ lương hưu ít ỏi để chia sẻ tết cho bệnh nhân đang mang trong mình bệnh tật ác nghiệt.

Lặng lẽ sẻ chia với bệnh nhân

Vừa gặp lại chúng tôi, bà Bưởi, nhân vật trong bài “Xuân này, làm sao về...” (Tuổi Trẻ ngày 30-12-2015), òa vui: “Tui có tiền mổ, sống rồi chú ơi. Có chị kia cho tiền đóng mà hỏi tên chị hổng cho, chỉ dặn mổ xong thì gọi điện cho chị mừng thôi”. Khuôn mặt bà Bưởi tươi tỉnh hẳn so với ngày gặp trước đó.

Bà Bưởi xúc động kể sau một ngày Tuổi Trẻ đăng bài viết về hoàn cảnh buồn của những bệnh nhân ăn tết “thâm niên” tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), một chị gọi xe ôm lên tận bệnh viện đón bà xuống nhà. Sau một hồi hỏi thăm, động viên, chị tặng gói quà toàn hoa quả, mấy hộp thuốc và cho bà 3 triệu đồng đóng viện phí.

Cầm tiền trên tay bà Bưởi mừng rơi nước mắt. Vừa về đến bệnh viện bà chạy ngay vào phòng bác sĩ đóng tiền mổ. Mấy ngày sau, nhiều người tìm đến cho người vài ba trăm, bà Bưởi góp lại được hơn 2 triệu đồng để dành tiền ăn sau khi mổ. “Nhiều người vào định giúp mình tui nhưng thấy quá trời hoàn cảnh như tui nên nói sẽ lên báo gửi giúp đỡ đó chú...”.

Liên lạc qua điện thoại với vị mạnh thường quân này, bà vui vẻ chia sẻ: “Giúp được mấy mà hỏi tên tuổi chú”. Bà kể trước giờ theo dõi báo, đài có hoàn cảnh bệnh nhân ngặt nghèo là bà giúp đỡ liền. Ai ở gần, bà thuê xe ôm tới chở, còn xa thì gửi bì thư giúp đỡ.

Những ngày cuối năm bà đi vòng quanh Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) phát quà cho bệnh nhân còn “bám trụ” ăn tết. Có thời gian bà không ngủ được, nghĩ đến cảnh bệnh nhân, người nhà nằm lê lết nơi hành lang, ghế đá bệnh viện mà hai hàng nước mắt chảy dài.

“Mình có chồng con đầy đủ, khi đau ốm còn có người chăm sóc. Nhìn cảnh bệnh nhân lủi thủi, vất vưởng ở bệnh viện cám cảnh, tội nghiệp lắm”, bà nghẹn lời.

Ngắt cuộc nói chuyện, bà thở dài trăn trở ở bệnh viện còn đầy rẫy những số phận thương tâm bà không thể giúp đỡ hết. Trăn trở đó cũng là nỗi niềm của không ít người khi rời chân khỏi chốn bệnh viện ngày cuối năm.

Có người dùng số tiền dành dụm một đời sẻ chia chút hơi thở tết cho bệnh nhân nghèo. Đầu tuần, một cụ ông khoảng 80 tuổi vào ủng hộ chương trình một lượng vàng với yêu cầu không đưa tên cụ lên báo. Số vàng do cụ tích góp từ thời trẻ.

Ngồi kể chuyện hết nỗi cơ cực của mình, cụ nói nghe chương trình là đến góp ngay không chần chừ. Chỉ mong chương trình trao đủ quà cho bệnh nhân. Ngày tết cầm gói quà của cộng đồng sẻ chia bệnh nhân cũng ấm áp, đỡ phần nào hiu quạnh.

Cụ già 84 tuổi đạp xe đến ủng hộ

Mới sáng sớm, cụ Phạm Quang Tiền đã tìm đến phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Cụ đi xe đạp từ nhà ở Bình Triệu (Thủ Đức) mất một tiếng mới đến tòa soạn (Q.Phú Nhuận).

Năm nay cụ Tiền đã 84 tuổi. Cụ kể cuộc đời cụ trải qua nhiều khó khăn, ăn vật nằm vạ chăm con trong bệnh viện. Cuộc sống lết lê nơi bệnh viện cụ không lạ lẫm gì. Cụ có ba người con, con trai đầu lúc nhỏ bị suyễn nặng, thường xuyên ra vào bệnh viện. Lớn lên anh rất có hiếu nhưng lại mất sớm.

Gần năm sau con dâu bị tai nạn giao thông qua đời. Hai cháu nội được bên ngoại nhận nuôi. Con gái út của cụ bị bệnh động kinh nặng, không làm gì được.

Nguồn thu nhập duy nhất của cụ là tiền trợ cấp cho người cao tuổi. Nhờ ở với con gái nên không tiêu gì nhiều, cụ để dành tiền nhiều tháng rồi đem gửi chương trình.

“Sống trong bệnh viện rồi mới hiểu, còn gì nữa nếu không được xã hội cho chút tình thương”, cụ Tiền xúc động tâm sự.

Nhiều người không chỉ đến đóng góp tiền mà còn giúp lan tỏa chương trình đến bạn bè, người thân. Cô Lâm Thị Sanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một giáo viên về hưu, đã lấy 1 triệu từ tiền dạy thêm đóng góp cho chương trình. Cô chỉ xin một tờ giấy cảm ơn về để đưa cho mấy đứa học trò xem biết mà đóng góp.

Đi đâu gặp người quen, cô hay kể chuyện nhiều bệnh nhân phải bám bệnh viện trong những ngày tết, thay vì sum vầy cùng gia đình thì họ đơn độc chống chọi với những cơn đau để kêu gọi mọi người ủng hộ.

“Vào ra bệnh viện nhìn cảnh nghèo khổ chẳng biết giúp ai cho đặng. Giờ có chút tiền góp san sẻ mỗi người chút ít, mình cũng vui hơn”, cô Sanh chân tình chia sẻ.

Một tuần được hơn 300 triệu

Đến hết ngày 7-1, bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã đóng góp 302,8 triệu đồng cho chương trình “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo”. Chương trình sẽ tiếp nhận ủng hộ đến ngày 25-1. Mọi đóng góp xin gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ. Hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo”.

Báo Tuổi Trẻ

TIẾN LONG - ĐỖ KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên