Một gia đình vui chơi ở công viên tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sống ở Việt Nam mấy năm nay, tôi từng thấy rất nhiều hành động tử tế. Có lần tôi để quên túi trên đường, may mắn là một chủ cửa hàng gần đó đã nhặt được và trả lại tôi sau đó khoảng một giờ.
Gần đây, tôi lại nghe câu chuyện một em học sinh tìm trả lại chủ nhân số tiền và vàng em nhặt được trên đường đi học. Hành động của cậu bé này là tấm gương sáng cho mọi người, em đã chọn làm điều đúng đắn mà ngày nay nhiều người không làm được. Hi vọng việc làm của em có thể tác động đến nhiều người.
Tôi nghĩ việc giáo dục con cái chúng ta thì ở đâu cũng như nhau. Ở nước tôi, trường học dạy những điều căn bản như tiếng Anh, toán... nhưng cách trẻ em phản ứng trong một số tình huống như trả lại đồ vật cho người bị mất, hay giúp đỡ người khác trong tình huống khẩn cấp... phụ thuộc vào việc chúng được nuôi dạy ra sao và những tấm gương mà chúng nhìn thấy.
Việc giáo dục trẻ con đến từ cha mẹ, cho nên vấn đề là cách bạn nuôi dạy con mình và làm gương cho chúng như thế nào. Không ai là hoàn hảo cả, chúng ta luôn có cơ hội để hoàn thiện mình, nhưng chúng ta học qua sự hướng dẫn và những điều mình thấy.
Nhiều lần tôi thấy trẻ con tiểu tiện trên đường hay xuống cống, thậm chí các bà mẹ còn giúp chúng làm điều đó nữa kìa! Đối với tôi, chuyện đó thật "ghê" vì người ta đi lại ngang những khu vực đó rất nhiều. Ngoài ra, hành động đó còn tạo ra một tấm gương xấu, chắc chẳng còn ai lấy làm lạ trước việc nhiều người đàn ông trưởng thành tè bậy ở Việt Nam nữa rồi.
Tôi lấy vợ Việt và tôi dạy con trai của vợ mình điều đó là sai, dù có vẻ như chuyện đó cũng phần nào được "chấp nhận" ở Việt Nam. Ở nước tôi, nếu cha mẹ để con cái mình có hành động không hay nơi công cộng, họ sẽ bị những người xung quanh nhìn ngó không thiện cảm, thậm chí người ta còn ghi hình lại rồi gọi cảnh sát nữa.
Dạy trẻ hai tiếng "dạ, thưa"
Ba đứa con của tôi được sinh ra tại Đức, nhưng các cháu đều nói được tiếng Việt và luôn sử dụng hai từ "dạ, thưa" mỗi khi trò chuyện với người lớn. Tôi giáo dục các con như vậy để chúng hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, hiểu sự tôn trọng bắt buộc trong bất cứ môi trường nào.
Bản thân tôi cũng luôn sử dụng từ "dạ, thưa" khi trò chuyện với người cùng xứ, ngay cả người nhỏ tuổi hơn mình. Tôi quan niệm người ta nói năng với nhau không thể trống không, chỏng lỏn. Bạn muốn nhờ ai giúp việc gì đó, bắt đầu câu bằng chữ "dạ, thưa" hay kết thúc bằng từ "cảm ơn" nghe rất dễ chịu. Trong nhà mình, tôi rất vui khi ngồi vào mâm cơm nghe các cháu luôn miệng "vâng, dạ"... DUY TRIỀU (Việt kiều Đức)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận