Chỉ trước đó tầm 10 ngày, ông Macron đã bị một số nước phương Tây chỉ trích vì những bình luận liên quan tới Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico và nhật báo Pháp Les Echos, ông Macron kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giảm lệ thuộc vào Mỹ, đồng thời trở thành một trục thứ ba trong quan hệ quốc tế bên cạnh Washington và Bắc Kinh.
Theo ông Macron, châu Âu nên cẩn trọng để không bị kéo vào tình hình Đài Loan "theo nhịp điệu của Mỹ và sự phản ứng quá mức của Trung Quốc".
Bình luận của ông Macron được cho khiến phía Mỹ không hài lòng. Washington muốn các đồng minh và đối tác gây áp lực lên Trung Quốc, thậm chí "tách ly" khỏi Trung Quốc về kinh tế, chuỗi cung ứng. Về Đài Loan, Mỹ cũng muốn các nước không đứng về phía Trung Quốc.
Ngược lại, tổng thống Pháp lại nêu thông điệp độc lập về chính sách, và không muốn phá bỏ hiện trạng trong vấn đề Đài Loan.
Theo Reuters, lãnh đạo Mỹ và Pháp vừa qua tiếp tục không cho thấy thống nhất về vấn đề Đài Loan, bởi tuyên bố của hai bên đưa ra có sự "lệch pha".
Tài liệu tường thuật cuộc điện đàm của Pháp không nhắc trực tiếp tới Đài Loan, chỉ nói hai lãnh đạo mong muốn "ủng hộ luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Trong khi đó, phần tuyên bố của Nhà Trắng lại nói hai lãnh đạo đã "tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".
Theo Reuters, một số đồng minh của Pháp không hài lòng về cách Paris muốn duy trì hiện trạng ở Đài Loan. Việc không đề cập tới Đài Loan trong tài liệu chính thức về cuộc điện đàm giữa ông Macron và ông Biden cũng là chi tiết khiến các bên "nhướn mày".
Phía chính quyền Pháp nói ông Macron đã chia sẻ "kết quả thu được" sau chuyến đi Trung Quốc vừa qua với ông Biden, nhưng không nêu thêm chi tiết. Một điểm khác biệt nữa giữa ông Macron và ông Biden là việc lãnh đạo Pháp nói Trung Quốc có vai trò trung hạn trong việc chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận