Ngày 9-4 (giờ địa phương), Đài Univision phát sóng chương trình phỏng vấn Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tại đây, ông Biden đã ca ngợi thành công của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc kết nạp hai thành viên mới Phần Lan và Thụy Điển.
Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi đã làm được những điều khiến tôi rất tự hào. Trong cả sự nghiệp, tôi đã làm việc với NATO. Chúng tôi đã mở rộng được NATO và giờ đây, khối này đã có thêm 3.200km đường biên giới với sự bổ sung hai nước Bắc Âu. Chúng ta đang có rất nhiều quốc gia NATO dọc biên giới Nga".
Bên cạnh đó, ông Biden cũng khẳng định việc Quốc hội Mỹ không thể thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD cho Ukraine là "rất nguy hiểm" đối với sự đoàn kết của khối này. Ông chỉ trích Đảng Cộng hòa và cựu tổng thống Donald Trump đang xem gói viện trợ này như "con tin" để thỏa thuận những chính sách hợp với đường lối đảng này.
"Ông Trump đang điều hành Đảng Cộng hòa. Ông ta dường như có quyền sinh sát ở đó. Tất cả mọi người đều sợ việc đối đầu ông ta, dù họ có đồng ý với ông ấy hay không, và điều đó cực kỳ nguy hiểm. Điều cuối cùng chúng ta muốn thấy là việc NATO bắt đầu tan rã. Đó sẽ là thảm họa với nước Mỹ, châu Âu và cả thế giới", ông Biden lập luận.
Trong nhiều năm qua, NATO đã liên tục mở rộng dần quy mô về phía Nga. Từ chỗ đường biên giới chỉ dừng ở Đức hồi năm 1991, sau hơn 30 năm, NATO đã mở rộng đến mức có chung đường biên giới với Nga.
Điều này từ lâu đã bị Matxcơva phản đối kịch liệt. Đài RT khẳng định trong gần 20 năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần chỉ trích chính sách của NATO có thể làm suy yếu an ninh quốc gia Nga. Ông cũng vạch ra "lằn ranh đỏ" nằm ở việc liên minh quân sự này tìm cách kết nạp Ukraine.
Hồi tháng 2 vừa qua, ông Putin đã khẳng định cuộc xung đột tại Ukraine là "vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn vong" của nước Nga. Ngược lại, phương Tây phủ nhận mọi nguy cơ trên, khẳng định mọi động thái mở rộng chỉ nhằm "cải thiện vị trí chiến thuật" của khối.
Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia mới nhất được kết nạp vào NATO. Phần Lan sở hữu 1.300km đường biên giới chung với Nga, và cả hai nước đều có đường bờ biển dài trên Biển Baltic.
Điện Kremlin từng nhiều lần cảnh báo việc hai nước này gia nhập NATO không chỉ không đảm bảo, mà còn đe dọa an ninh của họ. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Helsinki và Stockholm đều lần lượt trở thành thành viên chính thức của khối NATO hồi tháng 4-2023 và tháng 3-2024.
Hiện Nga chưa phản hồi những tuyên bố trên của ông Biden.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận