Theo Hãng tin Reuters, ý tưởng về cảng nổi quân sự nhằm tăng tốc viện trợ cho Gaza được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hôm 7-3 trong thông điệp liên bang.
Lầu Năm Góc ngày 8-3 (giờ Mỹ) cho biết kế hoạch xây cảng này có thể mất tới 60 ngày với sự tham gia của hơn 1.000 binh sĩ Mỹ.
Kết cấu của cảng nổi
Hệ thống cảng viện trợ cho Gaza đang được Mỹ hình dung như sau: Hàng viện trợ sẽ được tiếp nhận ở một sà lan nổi ngoài khơi, sau đó sẽ chuyển đến một con đường nổi đắp cao dài khoảng 550m neo vào bờ.
Hệ thống cảng này dự kiến có thể giúp cung cấp khoảng 2 triệu bữa ăn mỗi ngày cho người dân ở Gaza.
Thời gian qua, Mỹ cũng triển khai thả bốn đợt viện trợ từ trên không xuống cho Gaza, cung cấp tổng cộng khoảng 124.000 bữa ăn. Trong đó, đợt thả viện trợ gần nhất hôm 8-3 đã đem đến khoảng 11.500 bữa ăn.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói rằng việc lập kế hoạch cho hệ thống cảng vẫn ở giai đoạn đầu. Các binh sĩ sẽ đến Trung Đông cũng mới bắt đầu nhận được mệnh lệnh triển khai.
Ở thời điểm hiện tại, Washington cũng chưa xác định được phải bảo vệ cảng nổi thế nào trước các mối đe dọa trong khu vực. Về vấn đề này, Lầu Năm Góc cho biết đang thảo luận với các đối tác, trong đó có Israel.
Khi được hỏi liệu Lầu Năm Góc có lường trước cảng này sẽ trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Hamas hay không, ông Ryder nói "đó chắc chắn là một rủi ro".
"Nhưng nếu Hamas thực sự quan tâm đến người Palestine thì, một lần nữa, người ta sẽ hy vọng rằng sứ mệnh viện trợ từ quốc tế cho những người cần nó có thể diễn ra suôn sẻ", ông nói.
Người phát ngôn Patrick Ryder cam kết trong quá trình xây dựng cảng sẽ không có binh sĩ Mỹ nào tiến vào Gaza dù chỉ là tạm thời.
Tranh cãi
Liên Hiệp Quốc cảnh báo nạn đói lan rộng ở Gaza là "gần như không thể tránh khỏi" nếu không có các hành động khẩn cấp. Vào tuần tới, rất có thể Liên Hiệp Quốc sẽ đưa một kết luận chính thức rằng nạn đói đã xảy ra ở Gaza, và một khi điều đó được tuyên bố thì "đã quá muộn để giúp nhiều người".
Ông Jason, giám đốc quốc gia của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tại Gaza, khẩn thiết cho biết: "Trẻ em ở Gaza nóng lòng được ăn. Các em đang chết dần vì suy dinh dưỡng và việc cứu sống chúng chỉ còn được tính bằng vài giờ hoặc vài ngày, chứ không phải vài tuần".
Trong khi một số thành viên Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden hoan nghênh việc thúc đẩy viện trợ, nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa lại nghĩ khác.
"Xây dựng một cảng ở Gaza là xây dựng cảng cho Hamas", thượng nghĩ sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio viết trên X (trước đây là Twitter).
Một số nhà lập pháp và tổ chức cứu trợ nhận định kế hoạch cảng nổi của Mỹ nhằm che đậy một vấn đề lớn hơn: sự thất bại trong việc thuyết phục Chính phủ Israel nhằm đưa thêm hàng viện trợ vào Gaza thông qua đường bộ - con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất.
"Đây không phải vấn đề hậu cần mà là vấn đề chính trị. Thay vì trông cậy vào quân đội Mỹ để xây dựng một giải pháp tạm thời, Mỹ nên nhấn mạnh việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức thông qua những con đường và các điểm vào hiện có", giám đốc điều hành Avril Benoit của Tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Mỹ nói.
Liên Hiệp Quốc mô tả vai trò của họ trong kế hoạch của Mỹ hiện tại là "hạn chế". Thông tin cho biết phái đoàn Mỹ đã liên hệ với giám đốc viện trợ Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths để đề xuất thảo luận.
"Sẽ rất khó để việc này diễn ra nhanh chóng. Nhưng chúng tôi cần sự giúp đỡ từ bất cứ đâu. Những gì chúng tôi cần với Gaza tất nhiên là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, nhưng chúng tôi cũng cần các tuyến đường bộ (cho viện trợ). Tiếp cận đường bộ là ưu tiên hàng đầu, đó là nơi có thể đạt được (viện trợ) quy mô lớn", ông Griffiths nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận